Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng
Thông báo nêu: Tỉnh Điện Biên có vị trí chiến lược quan trọng, có đường biên giới dài với hai quốc gia (Lào và Trung Quốc); là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử đấu tranh, giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Điện Biên là tỉnh đất rộng, người thưa với diện tích tự nhiên trên 9,5 nghìn km2, dân số trên 630.000 người; có nền văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 83% dân số; con người Điện Biên giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách. Tỉnh Điện Biên có tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch với nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, nhất là nguồn nước khoáng; có hơn 400.000 ha rừng với nhiều loài động, thực vật; có cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 150 km², là cánh đồng lớn và nổi tiếng của khu vực Tây Bắc gắn với câu "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc"; có nguồn nước rất phong phú với các hệ thống sông lớn (sông Đà, sông Mã…) với độ dốc cao, nhiều thác ghềnh; có tiềm năng phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên có nhiều địa điểm du lịch giàu tiềm năng, có nhiều di tích lịch sử gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc, văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng. Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội và nguồn lực phong phú, đa dạng, tỉnh Điện Biên hội tụ đủ các điều kiện riêng có để phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 48/51 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu; GRDP tăng 10,19%, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 8,02%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,67%, xây dựng tăng 16,36%. Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành và phát triển nhiều mô hình trồng cây ăn quả tập trung theo chuỗi có giá trị kinh tế cao. Du lịch, dịch vụ phục hồi tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 41%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 21,9%. Các chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm trung bình cả nước và tiếp tục được cải thiện, chuyển đổi số được thúc đẩy. Trong Quý I năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng tích cực. GRDP tăng 6,7%, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 3,32%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Điện Biên còn một số tồn tại, hạn chế như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước. Thu ngân sách nhà nước còn khiêm tốn, thu chưa đủ chi. Kết cấu hạ tầng cứng và mềm còn nhiều hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, điện, văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo...
Phát huy truyền thống lịch sử, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh; phấn đấu đạt mục tiêu phát triển đột phá, nhanh và bền vững trong thời gian tới với khí thế 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gắn với xóa đói, giảm nghèo thiết thực, hiệu quả và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, xứng tầm thương hiệu Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Điện Biên cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tỉnh Điện Biên cần phải quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ; bám sát và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường; khát khao phát triển giàu có và xóa đói, giảm nghèo; vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình; không trông chờ, ỷ lại, biến nguy thành cơ, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể, biến tiềm lực thành nguồn lực. Xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Đồng thời, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn.
Tỉnh Điện Biên là địa phương còn nhiều dư địa phát triển, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh Điện Biên cần hết sức chú trọng bảo đảm sự hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác, hữu nghị, ổn định, cùng phát triển.
Tập trung phát triển hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, xã hội, y tế, viễn thông, điện, bảo vệ biên giới; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; tập trung cho 03 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm thủ tục hành chính và chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Tỉnh Điện Biên cần tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; không có tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.