01/12/2024 lúc 11:29 (GMT+7)
Breaking News

Điện Biên: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Trong thời gian qua, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tỉnh Điện Biên đã thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian qua, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tỉnh Điện Biên đã thực hiện đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bắt đầu từ năm 2012, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã thực hiện 47 nhiệm vụ khoa học và công nghệ và 5 nhiệm vụ thuộc Chương trình Nông thôn miền núi với tổng chi phí lên tới hơn 60 tỷ đồng. Kết quả thu lại khá khả quan, nhiều giống cây trồng, vật nuôi và phương pháp canh tác mới được ra đời. Góp phần tạo cơ sở cho việc quy hoạch, phát triển, nhân giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hiện đại hơn. Qua đó, tạo ra sản phẩm chủ lực, nâng cao năng suất và chọn lọc giống phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Trong đó, có nhiều kết quả nghiên cứu, thực nghiệm đã được đưa vào nuôi trồng, sản xuất thực tế như: Nuôi cá Hồi tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo, nuôi cá Tầm thương phẩm tại hồ thủy lợi Pe Luông; ghép cải tạo cây nhãn tại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên; nuôi trồng, sản xuất nấm dược liệu, nấm thực phẩm tại các huyện trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Nếp Tan Na Son tại huyện Điện Biên Đông; kêu gọi tuyên truyền phát triển và bảo vệ rừng bạch đàn mô tại các địa phương trong tỉnh.

Mô hình nuôi cá Tầm tại huyện Điện Biên.

Đến nay, tỉnh đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh; chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Điển hình là mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn VietGAP tại huyện Điện Biên; chè Shan tuyết Tủa Chùa; Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính có quy mô 3.500m2, với 5.000 gốc dưa leo Baby Đà Lạt, 2.000 gốc cà chua Nowara RZ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương cũng đã tiến hành lắp đặt và trang bị hệ thống tưới tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, hệ thống tưới phun mưa giúp cây hấp thụ được chất dinh dưỡng từ nước và phân bón một cách tối đa nhất mà không hề gây lãng phí hay thất thoát nước.

 Hệ thống tưới tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, có 2 dự án chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAHP đã được UBND tỉnh phê duyệt và chủ trương đầu tư, kêu gọi liên kết các doanh nghiệp với các công ty chăn nuôi lớn như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin,.. Từ đó, triển khai kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa chất lượng cao; kết hợp chăn nuôi với công tác bảo vệ môi trường như xây dựng hầm biogas, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thăm khám định kỳ cho vật nuôi,...

Việc ứng dụng công nghệ và khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho ngành nông nghiệp Điện Biên thay đổi một cách đáng kể. Cụ thể, nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc trưng, sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm đạt chuẩn OCOP, VietGAHP của tỉnh đã được lựa chọn quảng bá, giới thiệu tại các chương trình, hội chợ thương mại lớn của cả nước. Từ đó, giúp các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Điện Biên có thể trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng, thành công phát triển kinh tế nông nghiệp tại thị trường trong nước và xuất khẩu./.