Lù Việt Hùng là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở thành phố Sơn La, một tỉnh miền núi của Việt Nam. Dịch giả này sớm có môi trường tiếp xúc với văn học và học tập ngoại ngữ. Sau khi đến Đài Loan lấy bằng thạc sỹ Văn học Đài Loan tại Đại học Quốc gia Thành Công và lập gia đình tại đây vào khoảng thời gian năm 2000-2025, với sự tìm tòi và tâm huyết với nền văn hóa bản địa, cộng với khả năng thông dịch giữa ba ngôn ngữ tiếng Việt - tiếng Hoa - tiếng Đài, anh đã trở thành một trong số rất ít người Việt có nhận thức sâu rộng về văn hóa xã hội Đài Loan. Cũng từ đó, dịch giả đã tham gia nhiều công tác xã hội để phục hưng và quảng bá các ngôn ngữ mẹ đẻ của Đài Loan. Đồng thời, dịch giả Lù Việt Hùng cũng có một số đóng góp trong việc đưa nền văn học Đài Loan đến với độc giả người Việt thông qua dịch thuật các tác phẩm văn học tiếng Đài Loan sang tiếng Việt.
Dịch giả Lù Việt Hùng phiên dịch tại sự kiện Ngày Thơ Đài Loan, Liên hoan Văn thơ Việt Nam - Đài Loan 2024
Anh đã biên tập tập thơ “Đi ngang thế gian” bản Đài ngữ (tác giả Trần Nhuận Minh, 2018), và tham gia nhiều dự án dịch sách giữa Đài Loan - Việt Nam, trong đó có tập thơ “Sông núi trên vai” (nhiều tác giả Việt Nam, 2019) và cuốn sách chuyên khảo “Đầu lưỡi và ngòi bút – Lịch sử văn học tiếng mẹ đẻ Đài Loan” (tác giả Liêu Thụy Minh, 2020); Anh cũng là người đầu tiên dịch một tác phẩm văn học tiếng Đài của Đài Loan sang tiếng Việt, đó là cuốn “Truyện các anh hùng Đài Loan: Quyết chiến Siraya” (Tác giả Trần Kiến Thành, 2018). Ngoài ra, anh còn là tác giả cuốn sách tranh song ngữ Đài - Việt đầu tiên cho thiếu nhi với tựa đề “Sơn La bé bỏng” (2016). Từ 2020-2023, anh tiếp tục tham gia việc dịch, biên tập và xuất bản sách “Một số vấn đề văn học Việt Nam hiện đại” (Tác giả Nguyễn Đăng Điệp), và sách “Sống với Trung Quốc” (Tác giả Tạ Duy Anh).
Tính đến nay, dịch giả Lù Việt Hùng đã làm rể Đài Loan và sinh sống ở đây gần 25 năm. Người vợ Đài Loan của anh Hùng là chị Trần Lý Dương (Tân Lí-iông), thạc sỹ chuyên ngành Đông Á, thuộc tổ tiếng Việt của Đại học Cao Hùng. Chị cũng là dịch giả, có thể nói được tiếng Nhật, tiếng Đài, tiếng Khách Gia, tiếng Việt và tiếng Hoa. Trung tuần tháng 3.2024, đoàn 11 tác giả, học giả Việt Nam sang Đài Nam (Đài Loan) dự Ngày Thơ Đài Loan, Liên hoan Văn thơ Việt Nam - Đài Loan đã vô cùng xúc động khi được Lù Việt Hùng cùng vợ mình đón tiếp, chăm sóc vô cùng chu đáo. Ai nấy đều yêu mến và kinh ngạc trước sự nhiệt tình và tấm lòng ấm áp của một cô dâu Việt người Đài Loan, khi chị Dương có thể trò chuyện thoải mái bằng tiếng Việt với tác giả Việt, chăm chút từng chi tiết nhỏ như ly nước, trái cây ngọt ngào mang đến đúng lúc, để các tác giả cảm thấy thoải mái nhất, như đang ở nhà mình. Chị cũng sôi nổi kể chuyện và giải thích cặn kẽ khi tác giả Việt đặt nhiều câu hỏi về đời sống sinh hoạt gia đình người Đài, về việc làm con dâu Việt Nam thì cảm thấy thế nào… Chị vui vẻ kể, rằng từng lên nương bẻ ngô, nấu cơm trong bếp nhà mẹ chồng ở Sơn La, và được mẹ chồng vô cùng thương yêu.
Dịch giả Lù Việt Hùng cùng vợ đang hướng dẫn đoàn tác giả, học giả Việt Nam tham quan trường ĐH Thành Công
Đến nay, dịch giả Lù Việt Hùng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và chỉ đăng ký cư trú dài hạn tại Đài Nam, Đài Loan, hiện anh làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Thành Công (Đài Nam, Đài Loan). Anh trở thành cầu nối hiệu quả giữa các nhà văn, học giả Việt Nam và Đài Loan. Bất cứ tác giả, hoặc học giả nào muốn tìm hiểu về văn hóa Đài Loan, thông tin du học, nghiên cứu thì đều tìm đến dịch giả Lù Việt Hùng và được anh giúp đỡ tận tình. Nhờ một cơ duyên, mà nhiều năm trước, anh trở thành học trò của giáo sư Tưởng Vi Văn, nguyên Trưởng khoa Văn học Đài Loan tại Đại học Thành Công. Hiện nay giáo sư là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại trường Đại học này. Giáo sư Tưởng Vi Văn không chỉ là Thầy, là Sếp của anh Hùng, mà còn là ông mối mát tay, khi ông đã se duyên thành công cho hai học trò Đài – Việt của mình là Trần Lý Dương và Lù Việt Hùng. Hai vợ chồng anh Hùng, chị Dương hiện đang làm trợ lý cho thầy Văn tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam.
Nói về mục tiêu công việc hiện tại, dịch giả Lù Việt Hùng cho biết: “Người Việt Nam hiểu rõ về Đài Loan không nhiều và ngược lại cũng vậy. Trong khi đó, người Việt thì tò mò về sự phát triển mạnh mẽ của Đài Loan trong những năm qua, còn người Đài thì rất quan tâm đến chiến thắng của người Việt để giành được độc lập hoàn toàn. Bằng nhịp cầu văn chương, những giao lưu văn hóa thường xuyên sẽ giúp hai bên kết nối chặt chẽ, học hỏi từ nhau và cùng phát triển hiệu quả hơn…”
Sao Khuê