Thế giới lẽ ra có thể ngăn chặn được mức độ thảm khốc mà đại dịch COVID-19 gây ra nếu như phối hợp hiệu quả, hành động nhanh chóng và lưu tâm đến những dấu hiệu cảnh báo. Đây là kết luận của ủy ban độc lập gồm các chuyên gia toàn cầu đưa ra trong báo cáo được công bố ngày 12/5. Báo cáo cũng nêu bật tầm quan trọng của việc "đại tu" hệ thống báo động toàn cầu để ngăn chặn thảm họa tương tự tái diễn.
Ảnh minh họa
Báo cáo "COVID-19: Biến nó thành đại dịch cuối cùng" do Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19 (IPPR) thực hiện theo yêu cầu của các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo báo cáo, việc các nhà hoạch định chính sách đưa ra một loạt các quyết định kém hiệu quả càng làm gia tăng quy mô và mức độ nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19 gây ra. Hậu quả là đại dịch đã khiến ít nhất 3,3 triệu người tử vong cho tới nay, trong khi nền kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề.
Theo IPPR, các thể chế "đã không bảo vệ được người dân" trong khi các nhà lãnh đạo phủ nhận các dữ liệu khoa học đã làm xói mòn niềm tin của công chúng vào các biện pháp can thiệp y tế. Sự thiếu khẩn trương trong việc phản ứng sớm với đợt bùng phát dịch COVID-19 được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019 đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, khi tháng 2/2020 trở thành "tháng mất mát" nghiêm trọng trong bối cảnh tình trạng báo động chưa được các nước chú ý đúng mức.
IPPR cũng cho rằng WHO lẽ ra đã có thể ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất, vào ngày 22/1/2020. Thay vào đó, phải mất 8 ngày tổ chức này mới thực hiện điều này. Sau đó, chỉ đến tháng 3/2020 sau khi WHO công nhận COVID-19 là đại dịch, các quốc gia mới ý thức sự nguy hiểm của tình hình và mới thực sự "vào cuộc". Các lựa chọn chiến lược kém hiệu quả, việc không sẵn sàng giải quyết các vấn đề bất bình đẳng cùng sự "lệch pha" trong việc phối hợp trong một nước hay giữa các nước đã tạo thành "công thức độc hại" tạo điều kiện để đại dịch COVID-19 biến thành "một cuộc khủng hoảng thảm khốc của nhân loại". Mối đe dọa của một đại dịch đã bị bỏ qua và các quốc gia đang phải chật vật để giải quyết những hậu quả mà nó để lại.
Để đẩy lùi đại dịch hiện nay, IPPR khuyến nghị các nước giàu nhất thế giới từ nay đến ngày 1/9 chia sẻ 1 tỷ liều vaccine cho 92 nước nghèo nhất thông qua cơ chế tiếp cận công bằng vaccine ngừa COVID-19 mang tên COVAX do WHO khởi xướng và hơn 2 tỷ liều vaccine vào giữa năm 2022. IPPR kêu gọi các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chi trả 60% trong số 19 tỷ USD cần thiết để tài trợ vaccine, phát triển phương pháp chẩn đoán và điều trị thông qua chương trình hợp tác toàn cầu "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19" do WHO dẫn dắt nhằm phân phối vaccine ngừa COVID-19 và thuốc điều trị cho những quốc gia nghèo hơn. Theo ủy ban, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các nước khác cần hỗ trợ phần còn lại. Bản thân WHO và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng cần khuyến khích các nước và các hãng sản xuất vaccine tự nguyện đồng ý cấp phép và chuyển giao công nghệ điều chế vaccine ngừa COVID-19.
Để giải quyết các đợt bùng phát dịch bệnh và các đại dịch trong tương lai, IPPR kêu gọi thành lập Hội đồng ứng phó các mối đe dọa y tế toàn cầu gồm các nhà lãnh đạo trên thế giới, cũng như một công ước về đại dịch. G20 cũng nên lập ra một cơ chế tài trợ ứng phó đại dịch quốc tế, theo đó có thể dành 5 tỷ-10 tỷ USD/năm cho việc đảm bảo năng lực sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, cũng như đảm bảo sẵn sàng huy động được 50 tỷ đến 100 tỷ USD trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Phát biểu tại sự kiện công bố báo cáo, Tổng giám đốc WHO Tedros Gebreyesus cho biết tổ chức này sẽ cùng 194 thành viên thảo luận về các khuyến nghị nói trên cũng như ý kiến của các nhóm chuyên gia khác, hướng tới “xây dựng WHO vững mạnh hơn, vì một tương lai mạnh khỏe hơn, an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả chúng ta”.