15/01/2025 lúc 15:18 (GMT+7)
Breaking News

Di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực ĐBSCL: Thực trạng và đề xuất giải pháp

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú, trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, song hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có xu hướng di cư tới những vùng đất mới để mưu sinh, lập nghiệp ngày càng gia tăng. Mặc dù đã có nhiều chính sách tích cực để hạn chế tình trạng di cư lao động, song cần có thêm nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Thực trạng di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm, chăm lo, đầu tư hỗ trợ, cùng với đó là sự nỗ lực của từng địa phương, do đó tình hình kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã có bước phát triển khá. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc từng bước phát triển. “Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 43 dân tộc thiểu số, với 1,3 triệu người, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm…, chiếm gần 7,6% dân số toàn vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước, sinh sống thành cộng đồng, đan xen với dân tộc Kinh ở 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Toàn vùng có 222 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số khó khăn, đặc biệt khó khăn. Phần đông đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp”(1).

Thu hoạch dứa ở đồng bằng sông Cửu Long_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn 

Từ bao đời nay, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò là chỗ dựa quan trọng cho sự phát triển kinh tế của vùng nói riêng, của cả nước nói chung. Với hơn 1,8 triệu héc-ta đất nông nghiệp 2 đến 3 vụ lúa/năm, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn của cả nước, với sản lượng ngày một tăng. Cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay, trên khắp các cánh đồng, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cơ giới hóa hầu như toàn bộ khâu làm đất, sạ, cấy, chăm bón cho đến thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp và kéo lúa hột về tận nhà. Điều đó dẫn đến sự dư thừa lao động nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại và cơ giới hóa, chuyên nghiệp hóa trong sản xuất. Trên thực tế, quá trình chuyển đổi sang kinh tế nông nghiệp bằng việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã rút một lượng lớn và ngày càng nhiều lao động ra khỏi nông nghiệp. Cùng với xu thế chuyển đổi nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ, kinh tế đồng bằng sông Cửu Long có sự chuyển đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, dẫn đến sự dịch chuyển lao động (giữa các lĩnh vực) nói chung và di cư lao động nói riêng.

Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường chính sách Công và Quản lý Fulbright cho thấy, tình trạng di cư đang là vấn đề nhức nhối, đáng báo động. Giai đoạn 2009 - 2019, “số người di cư ròng trong thập niên vừa qua tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Con số ước tính là gần 1,1 triệu người và gần tương đương với dân số một tỉnh của vùng”(2). Đặc biệt, với đồng bào Khmer và Chăm, sinh kế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, tập quán sinh hoạt một số nơi còn lạc hậu. Một số hộ không có đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt còn thiếu. Trình độ học vấn hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, do đó điều kiện để bảo đảm được cuộc sống tại quê hương khó khăn, khiến nhiều người phải rời bỏ địa phương đi làm thuê, làm ăn sinh sống ở các khu đô thị, khu công nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh để tăng thu nhập. Mặt khác, “sự mất cân bằng trong cung - cầu lao động tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã kéo theo hiện tượng “chảy máu chất xám” khi lực lượng lao động có tay nghề, trình độ và tác phong công nghiệp di cư sang các vùng có ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ phát triển. Ngay cả bốn địa phương trọng điểm kinh tế của vùng là tỉnh An Giang, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ cũng có sự sụt giảm so với cả nước(3).

Sự khác biệt về thu nhập giữa các vùng, đặc biệt là giữa khu vực nông thôn - thành thị, giữa lao động nông nghiệp và các khu công nghiệp đã trở thành lực hút hấp dẫn đối với lao động nông thôn ở đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy dòng di cư lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đến với vùng đất mới.

Trên thực tế, di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long có những đặc điểm sau: (i) Di cư lao động nhóm từ dưới 15 tuổi: Độ tuổi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định di cư, bởi lao động càng trẻ, càng có sức khỏe và có thể làm được nhiều công việc, nên thực tế cho thấy, di cư lao động ở độ tuổi trên 14 và dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ cao. Theo báo của Ủy ban nhân dân huyện An Phú (tỉnh An Giang), năm 2020, huyện An Phú có 2.539 người di cư lao động trong nước, thì có 2.241 người trên 14 tuổi, như vậy là có đến 298 người dưới 14 tuổi, chiếm 11,7%(4). (ii) Người lao động đi theo cặp đôi cả 2 vợ chồng hoặc đi cả gia đình: Ban đầu, việc di cư đi lao động xa ở mỗi gia đình chỉ có thể là vợ hoặc chồng, nhưng sau một thời gian, do ảnh hưởng của việc xa nhà nên dễ đi đến việc ly hôn. Do vậy, để bảo đảm hạnh phúc gia đình, các gia đình thường có xu hướng di cư cả vợ chồng; con cái gửi nhờ ông bà nội, ngoại trông; một số gia đình đưa cả con cái đi theo cùng lên các khu công nghiệp thuê nhà để ở. Việc đi cả hai vợ chồng hay cả gia đình vừa tăng thêm thu nhập, vừa tiết kiệm được các chi phí sinh hoạt tại nơi đến... Di cư lao động cả hai vợ chồng hoặc cả gia đình trở thành trào lưu trong nhóm di cư lao động đồng bảo dân tộc thiểu số ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. (iii) Chất lượng, trình độ nguồn lao động đa số tương đối thấp: “Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nghỉ học từ rất sớm, tỷ lệ học sinh học hết cấp 2 và cấp 3 khá thấp(5). Với trẻ em dân tộc Chăm, hầu hết là theo đạo Hồi giáo Islam, trẻ sau khi học hết lớp 5 là được bố mẹ cho đi học kinh Coran. Với trẻ em dân tộc Khmer, một số có trào lưu vào chùa tu báo hiếu cha mẹ hoặc vào chùa học theo sư, được nuôi ăn vì gia đình khó khăn về kinh tế. Trình độ học vấn hạn chế, lại chưa được quan tâm đào tạo nghề, nên nhóm đối tượng di cư này khó tiếp cận được với thông tin việc làm. (iv) Tính kỷ luật lao động còn hạn chế: Vào những dịp lễ, tết truyền thống (như các ngày lễ Chol Chnăm Thmây, Sene Đolta, Ok Om Bok), đồng bào các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long thường duy trì thói quen về quê để tham dự lễ. Tuy nhiên, các ngày lễ này không nằm trong quy định được nghỉ lễ chung của quốc gia, nên việc người lao động nghỉ một cách tự phát sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất, vận hành theo dây chuyền sản xuất ở một số nhà máy, khu công nghiệp…

Những vấn đề đặt ra và một số giải pháp quản lý hiệu quả di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long

Di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đem lại một số mặt tích cực, đó là:

Di cư lao động góp phần tự điều tiết thị trường lao động. Di cư lao động tự do từ nông thôn ra thành thị góp phần mang lại sự cân bằng về phân phối lực lượng lao động. Lực lượng lao động dư thừa ở khu vực nông thôn, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đến khu vực thành thị và các khu công nghiệp giúp thị trường tự điều tiết nhóm di cư lao động này theo đúng cung - cầu của thị trường, giải quyết được những lao động thiếu khuyết.

Di cư lao động tạo điều kiện cho người lao động có thêm cơ hội phát triển. Quá trình lao động di cư từ nông thôn ra thành thị đã tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp xúc với xã hội đô thị, dần làm quen với lối sống đô thị, học hỏi thêm những kiến thức cần thiết phục vụ cho bản thân, gia đình và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc được nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống gia đình, việc học được nghề mới, có thêm kinh nghiệm trong sản xuất - kinh doanh, lao động di cư đồng bào dân tộc thiểu số còn đảm nhận thêm vai trò “cầu nối” để du nhập, chuyển tải những luồng văn hóa mới, hình thành những nhu cầu và lối sống mới ở nông thôn, tạo nền tảng để phát triển kinh tế. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết bài toán kinh tế hộ gia đình ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh hiện nay.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm giày, dép xuất khẩu tại Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa (BITI'S), chi nhánh Cần Thơ_Ảnh: TTXVN

Di cư lao động góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện điều kiện sống của bản thân và gia đình. Nguồn thu nhập từ lao động di cư tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh tế và đời sống của gia đình người lao động. Nguồn tiền từ lao động di cư được đầu tư trực tiếp vào sản xuất, một phần cải thiện cuộc sống, góp phần rút ngắn sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Một hiện tượng đáng lưu ý là trước đây, người di cư lao động thuộc đối tượng hộ nghèo là chính, song những năm gần đây, những lao động thuộc đối tượng trung bình khá cũng chuyển lên thành phố và các khu công nghiệp tìm việc làm. Số liệu thống kê cho thấy, việc di cư lên thành phố và khu công nghiệp đã giúp được 70% số hộ ở địa phương thoát nghèo(6).

Tuy nhiên, di cư lao động cũng gây ra nhiều hệ lụy đối với đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn di cư. Sự di cư mang tính tự do, tự phát dẫn đến khó quản lý, khó bố trí lao động, dự đoán lực lượng lao động cho cả nơi đi và nơi đến. Nông thôn nhiều vùng quê vào mùa vụ thiếu hụt lao động nghiêm trọng, chất lượng lao động nông nghiệp giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác ở khu vực nông thôn.

Di cư lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần được sớm khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc quản lý, chăm sóc, dạy dỗ trẻ em khi bố mẹ vắng nhà; vấn đề chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi trong bối cảnh nông thôn vắng người lớn; vấn đề học tập của con em các hộ gia đình di cư. Với một số hộ gia đình mang theo cả người già, con cháu đi theo, nhiều các cháu không được đến trường học do học phí cao hoặc nơi làm việc không có điểm giữ trẻ và dạy học. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng và có tính tự phát của lượng người từ nông thôn ra đô thị vượt khả năng kiểm soát, gây ra tình trạng quá tải trong việc cung ứng các dịch vụ công, các dịch vụ xã hội cơ bản, như vấn đề học tập, khám, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Những vấn đề xã hội khác phát sinh theo, như: gia tăng tệ nạn xã hội, nghiện hút, mại dâm, cờ bạc.... Xuất hiện tình trạng một bộ phận thanh, thiếu niên có lối sống thiếu lành mạnh mang từ các khu công nghiệp về vùng nông thôn nơi đi, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây sức ép đối với công tác quản lý hành chính của địa phương nhập cư...

Từ thực trạng và xu thế di cư lao động ngày càng gia tăng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, cần chú ý đến một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, chất lượng, trình độ, năng lực lao động cho người lao động di cư. Lao động di cư đồng bào dân tộc thiểu số là nhóm dễ bị tổn thương, khó tiếp cận được với các chính sách về an sinh xã hội, trong đó có chính sách về việc làm. Bên cạnh đó, kỹ năng sống và khả năng thích ứng với môi trường mới của di cư lao động đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tác phong và kỹ thuật lao động của nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Số lượng cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số gắn với giải quyết việc làm đóng vai trò quan trọng. Do đó, cần triển khai đào tạo nghề, xây dựng kỹ năng lao động, xây dựng ý thức kỷ cương lao động thông qua việc khuyến khích, tạo động lực cho người lao động dân tộc thiểu số tích cực học nghề; triển khai những mô hình dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế tại địa phương, bảo đảm người lao động sau khi học nghề có thể sống ổn định với nghề đã lựa chọn. Chính quyền địa phương cần phát triển các làng nghề, các khu - cụm tiểu thủ công nghiệp vùng nông thôn, đồng thời có chính sách đào tạo nghề và những đãi ngộ phù hợp khác để lao động có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp ở địa phương.

Hai là, phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em và người già tại nơi đi. Trong nhiều năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư phát triển thông qua nhiều chính sách, chương trình, dự án. Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản và chính sách hỗ trợ đã góp phần thực hiện công bằng xã hội và phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, với vấn đề người già, trẻ em ở nhà của người lao động di cư, chính quyền địa phương cần tính toán đến việc tổ chức các dịch vụ xã hội chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già, giúp gia đình và cá nhân lao động di cư yên tâm làm việc. Cần cung cấp nơi ở an toàn và hợp vệ sinh cho những người có thu nhập thấp, cũng như tạo điều kiện cho người di cư tiếp cận được các vấn đề an sinh xã hội, như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Xây dựng các mô hình cung ứng dịch vụ hiệu quả (gồm hình thức hợp tác công - tư), tổng kết và nhân rộng mô hình điểm, áp dụng đối với các vùng, miền khu vực thích hợp cùng với sự tham gia của người dân.

Ba là, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu cần được ưu tiên thực hiện, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế hàng hóa. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương và sử dụng lao động của địa phương, tạo ra nhiều việc thu hút lao động. Trên cơ sở những thế mạnh vùng, miền, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng hóa, thu hút lao động tại địa phương, giảm dần tình trạng “ly nông”, “ly hương” của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện để người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế và làm giàu trên chính quê hương mình.

Bốn là, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần kích thích cung - cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhất là triển khai nhanh các dự án để kết nối nông thôn với đô thị, phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết việc làm tại chỗ, ổn định cuộc sống của nhân dân./.

Phạm Võ Quỳnh Hạnh 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

-----------------------

(1) Tổng cục Thống kê (2010): “Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, tr. 16
(2) VCCI & Fulbright: Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng Sông Cửu Long 2020: Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, tr. 64
(3) Phạm Ngọc Hòa: Giải quyết vấn đề di cư lao động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, Tạp chí Lao động và Công đoàn điện tử, ngày 6-3-2022, https://laodongcongdoan.vn/giai-quyet-van-de-di-cu-lao-dong-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-hien-nay-74726.html
(4) Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) về tình hình di cư  tự do, di cư  theo kế hoạch và di cư lao động của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer trên địa bàn huyện An Phú, tháng 1-2020, tr. 3

(5) Đề tài KX (2020): “Di dân các dân tộc thiểu số, những vấn đề đặt ra và giải pháp, nghiên cứu tại 10 tỉnh trên cả nước”, tr. 70
(6) Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) về tình hình di cư các dân tộc thiểu số, tháng 1-2020, tr. 4