26/11/2024 lúc 15:56 (GMT+7)
Breaking News

Dịch Covid-19: WHO kêu gọi G7 đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine, EU hối thúc xuất khẩu vaccine nội địa

Ngày 7/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ưu tiên đảm bảo việc tiếp cận công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Ngày 7/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ưu tiên đảm bảo việc tiếp cận công bằng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.

Trên khắp thế giới, số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục tăng trong tuần thứ chín liên tiếp, trong khi số ca tử vong tăng tuần thứ sáu liên tiếp.

Phát biểu họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đặc biệt quan ngại khi dự báo ngày càng nhiều nước sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tương tự như tình hình nghiêm trọng hiện nay tại Ấn Độ, Brazil, Nepal và những nước khác.

Ông Ghebreyesus cảnh báo tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo sẽ không giúp "xóa sổ" đại dịch Covid-19.

Theo ông, tình trạng này "không thể chấp nhận được", không chỉ "vì vấn đề đạo đức, mà còn bởi chúng ta sẽ không đánh bại được virus SARS-CoV-2 trong một thế giới chia rẽ".

Đối với G7, điều quan trọng và cấp bách nhất hiện nay là hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 cũng như đảm bảo "sự công bằng vaccine". Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh việc chia sẻ vaccine là lợi ích của mỗi quốc gia trên thế giới.

Theo kế hoạch, G7 sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 11-13/6 tới ở Cornwall, Tây Nam nước Anh. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ chủ trì sự kiện này.

Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) cho thấy gần 1,25 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Khoảng 45% trong số đó đã được sử dụng tại những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.

Trong khi đó, Chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 của WHO (ACT-A) vẫn còn thiếu 19 tỷ USD so với mục tiêu 22 tỷ USD trong năm nay.

Ngoài ra, khoảng 35-45 tỷ USD vẫn cần được huy động vào năm tới để đảm bảo hầu hết người trưởng thành trên khắp thế giới được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Tổng Giám đốc WHO hy vọng các nước G7 - gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ - sẽ nỗ lực tìm ra giải pháp cho vấn đề tài chính trên.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi Mỹ và các nước sản xuất vaccine lớn khác xuất khẩu vaccine nội địa tương tự như Liên minh châu Âu (EU), thay vì tính tới việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19 .

Phát biểu họp báo, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh các cuộc thảo luận về việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa Covid-19 sẽ không giúp sản xuất một loại vaccine một liều chỉ trong ngắn hạn đến trung hạn.

Theo bà, vấn đề này cần được xem xét toàn diện trong bối cảnh "chúng ta cần vaccine cho toàn thế giới ngay thời điểm hiện nay".

Chủ tịch EC cho biết, EU là khu vực duy nhất đang xuất khẩu vaccine với quy mô lớn trên thế giới. Khoảng 50% vaccine ngừa Covid-19 do châu Âu sản xuất được xuất khẩu sang gần 90 quốc gia, bao gồm cả những quốc gia trong chương trình tiếp cận công bằng vaccine COVAX do WHO khởi xướng.

Do đó, EU kêu gọi các quốc gia muốn thảo luận về dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine ngừa Covid-19 cũng đưa ra cam kết sẵn sàng xuất khẩu chế phẩm này. Chỉ có tăng cường sản xuất, dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu và chia sẻ vaccine mới có thể góp phần nhanh chóng đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Bà Ursula von der Leyen nêu rõ: "Điều cần thiết trong ngắn hạn và trung hạn đó là trước hết phải chia sẻ vaccine. Thứ hai là xuất khẩu vaccine đang được sản xuất. Thứ ba là đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất vaccine".

Trong khi đó, giới chức Canada cùng ngày 7/5 cho biết nước này đã sẵn sàng thảo luận về đề xuất dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19 và sẽ không gây cản trở cho vấn đề trên dù vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các bằng sáng chế.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Trudeau nói, Canada đang phối hợp với các đối tác tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tìm kiếm một giải pháp dựa trên sự đồng thuận và sẵn sàng thảo luận các đề xuất, đặc biệt là về vaccine ngừa Covid-19 .

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc dỡ bỏ toàn cầu đối với bằng độc quyền sáng chế vaccine ngừa Covid-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO.

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết mặc dù quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên Washington "ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa Covid-19".

Theo bà Tai, đây là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch Covid-19 cần các biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tại WTO sẽ mất thời gian do phải dựa trên sự đồng thuận của thể chế và mức độ phức tạp của các vấn đề liên quan.