VNHN - Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn kêu khó trong việc tìm kiếm đơn hàng. Lượng đơn hàng năm 2020 mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2019, mặc dù chịu nhiều tác động từ tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Điều này thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng năm 2019 ước đạt 29,89 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Tuy kim ngạch xuất khẩu không đạt được như kỳ vọng đầu năm là 40 tỷ USD nhưng ngành vẫn có mức tăng trưởng ước khoảng 7,55% so với năm 2018; kim ngạch xuất khẩu dự kiến là 39 tỷ USD. Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đó là thị trường EU, Trung Quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Thông thường, quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó, nhưng năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, theo quý.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, nguyên nhân của tình trạng này là do dòng chuyển dịch đơn hàng sang một số quốc gia mới nổi ở châu Phi khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn. Cùng với đó là cuộc cạnh tranh với các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh ngày một khốc liệt. Nhiều đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia. Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, gia công may mặc, các đơn vị ngành sợi cũng gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp FDI và các đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia.
Nhiều doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng.
Trước đó, những tháng đầu năm, nhiều chuyên gia nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và việc ký thêm các Hiệp định thương mại tự do sẽ giúp gia tăng đơn hàng từ Việt Nam, song thực tế lại ngược lại. Hai lý do được các nhà phân tích đưa ra, đó là sự tăng trưởng của kinh tế thế giới sụt giảm, ảnh hưởng tới sức mua chung; doanh nghiệp chưa có giải pháp hay chiến lược để đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ khi các FTA có hiệu lực. Cùng với đó, ngành dệt may Việt Nam đang chịu sức ép về nguồn cung khi phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc, trong khi áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu không nhỏ.
Dệt may Việt Nam đang mất dần lợi thế về giá nhân công so với một số nước. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho hay, hàng loạt hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết tham gia, trong đó có Hiệp định CPTPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã tạo ra sân chơi có tính toàn diện cho ngành dệt may. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực vải, sợi đang chờ đợi hiệp định này có hiệu lực, tạo đột phá trong phát triển dệt may vào thị trường châu Âu, bởi đây là thị trường truyền thống, giá trị gia tăng cao, mẫu mã, chủng loại sản phẩm đa dạng, quan trọng hơn cả là mức tăng trưởng được duy trì đều đặn.
Theo ông Giang, để có thể hưởng ưu đãi từ các hiệp định, doanh nghiệp dệt may cần thực hiện một cách nghiêm ngặt những yêu cầu về quy tắc xuất xứ sản phẩm. Theo đó, hàng dệt may khi xuất khẩu vào EU phải sử dụng vải sản xuất tại Việt Nam, cắt may doanh nghiệp Việt hoặc các nước khu vực châu Âu. Để khắc phục tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp dệt may cần chuẩn hoá quy trình sản xuất, cắt giảm chi phí, tích cực tìm kiếm đối tác, bạn hàng mới; Doanh nghiệp cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA cũng như tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững, thu hút nhiều đơn hàng trong năm mới.