Theo truyền tụng, đây vốn là một ngôi miếu nhỏ thờ thần núi, thần rừng. Ngôi miếu này trở thành đình vào thời Lê và đến triều Nguyễn thì đổi thành đền.
Cũng theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi miếu này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản lập mường, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ đã phong bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc. Đền Đông Cuông còn có tên là đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Ngoài thờ Mẫu Đệ nhị Thượng ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ quốc - các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…là những người từng lãnh đạo nhân dân nơi đây chống giặc Mông – Nguyên, bị tử trận.”
Đền Đông Cuông là cụm Di tích gồm 4 điểm: Ngoài Đền chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông tọa lạc bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi Đền Chính. Đền và khu vực đền có liên quan đến Đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ). Trong đền chính có cung cấm thờ 2 ngôi tượng. Sau cung mẫu có cung chúa, bên phải là cung Sơn Trang, bên trái thờ Trần Triều. Cấu trúc nhà đền còn có miếu thần linh và động sơn trang. Đây là ngôi đền cổ từ xua đến này vẫn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao Đông Cuông.” Lễ hội đền Đông Cuông huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái từ lâu nay luôn giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng các tộc người ở địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ ra các cộng đồng lân cận.
Lễ hội đền Đông Cuông dù được tổ chức với quy mô lớn hay nhỏ, các yếu tố truyền thống vẫn luôn được bảo tồn, duy trì bên cạnh những yếu tố hiện đại, dù được thể hiện ở dưới hình thức nào cũng không thể thiếu sự biểu dương các giá trị văn hóa và sức mạnh cố kết cộng đồng. Lễ hội là nơi hội tụ đa sắc thái văn hóa, với khởi đầu là tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc, Thành hoàng làng, mà đỉnh cao là tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng được coi là tôn giáo - tín ngưỡng nội sinh của người Việt, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.
Hạt nhân tín ngưỡng của lễ hội xoay tục thờ Thủy thần, Mẫu Thượng Ngàn (Bà chúa Rừng) - Đông Cuông Công chúa, chúa Đất, kết hợp với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, anh hùng dân tộc (Thần Vệ Quốc, Hà Bổng, Hà Đặc, Hà Chương…) và nhiều tín ngưỡng dân gian khác. “Thời điểm thiêng” để tổ chức lễ hội cũng được định rõ qua truyền thuyết và lịch sử, theo thông lệ “xuân thu nhị kỳ”, với hội Xuân được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của mùa Xuân.
Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt. Và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng Ngàn. Hàng năm, cứ xuân thu nhị kỳ, vào đầu năm bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và cuối năm vào từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch, các thanh đồng trên mọi miền đất nước thường về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và "bắc ghế hầu Thánh". Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và thờ Mẫu Thượng ngàn nói riêng trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Văn Yên, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, nhất là khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Lễ hội đền Đông Cuông được mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu và chư vị thần linh, với lệ từ xa xưa - đầu năm trâu trắng (ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng. Lễ mổ trâu trắng được cử hành vào giờ Tý - thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm. Trâu dùng để tế phải là trâu đực trắng, to khỏe, được tuyển chọn thật kỹ lưỡng từ nhiều ngày trước khi làm lễ. Tới giờ “thiêng” (thời khắc đầu tiên của ngày Mão), ông Mo bước từ cung cấm ra, cùng các trai đinh và dân bản cử hành làm lễ hiến sinh, cầu mong mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, cầu cho linh hồn các anh hùng đã hy sinh tại thác Ghềnh Ngai. Các công đoạn mổ trâu được tiến hành rất nhanh gọn, trong không gian thiêng và kín đáo. Sau đó, chủ lễ đem 12 chén tiết xuống bến sông hành lễ. Sau khi trâu trắng được làm sạch, theo hiệu lệnh của chiêng, trống, giai chay (các trai đinh) sẽ khiêng lễ vật (trâu trắng, để nguyên cả con) cùng với lòng, tiết vào gian chính của đền để bày lễ, tế trâu. Khi lễ vật đã chuẩn bị xong thầy Mo bắt đầu khấn thỉnh mời Thánh Mẫu, chư vị Thần linh về thụ hưởng.
Kết thúc, thầy Mo xin âm - dương; sau khi xin được âm – dương xin cho phép hạ lễ để mang trâu xuống chế biến, chuẩn bị lễ cúng tế sáng hôm sau.
Sau lễ Mổ trâu tế Mẫu và chư vị Thần linh là lễ rước Mẫu qua sông - Kiệu Mẫu được trai đinh chuẩn bị và được các tín nữ trang trí từ hôm trước. Đúng 8 giờ sáng, Lễ rước Mẫu qua sông được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức trang trọng và linh thiêng nhất của nhà đền. Thầy Mo và những người giúp việc trong trang phục truyền thống của người Tày Khao làm thủ tục sửa soạn những vận dụng cần thiết cho Mẫu. Các giai chay đưa kiệu đã lau rửa sạch sẽ ra giữa gian chính điện (cung Công Đồng) để lắp kiệu. Lắp kiệu trang trí xong thì di chuyển tượng Mẫu (Vua Mẹ) và tượng Vua Báo (con trai) từ cung cấm ra kiệu. Tượng Vua Mẹ và Vua Báo được cuốn xung quanh bằng vải nhiễu đỏ; các giai chay rước bát hương lớn, hộp sắc, cơi trầu và bát đựng 2 quả trứng vịt nhuộm mầu đỏ hồng và một mâm lễ từ cung cấm ra cung Công Đồng.
Dân bản rước kiệu Mẫu từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh thăm Đức Ôn với Cờ ngũ hành, Cờ hội, Chiêng, Trống, Đội múa dân tộc, Lễ vật, Đôi vật, Chủ lễ, thầy mo (bê hòm sắc phong), Kiệu Mẫu, Nhạc bát âm, Kiệu vua Páo Quan viên và đông đảo nhân dân thôn bản, du khách, thiện tín thập phương…
Một thuyền lớn hoặc một bè/mảng lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu Vua Con ở lại trên bờ, chỉ có kiệu vua Mẹ xuống thuyền cùng 11 người sang miếu Ghềnh Ngai. Khi mọi thủ tục cúng tế xong đúng 10h kiệu Mẫu và kiệu vua con lại tiếp tục được rước quay về đền và an vị trong cung cấm.
Khi tượng Mẫu và vua con an vị thì nhà đền tiến hành lễ Dâng hương tế Mẫu. Lễ dâng hương cúng tiệc chính gồm 36 mâm với các lễ vật có rượu, thịt trâu luộc chín, xôi, trầu cau, dấm bỗng, tiền dương, tiền âm, 6 bát, 6 đôi đũa, 6 chén rượu. Một điều đặc biệt trầu cau phải đặt hướng đầu lá trầu vào trong hướng cung cấm. Thầy Mo dâng hương, dâng rượu 3 lần. Sau khi kết thúc lễ dâng hương kết thúc thì nhân dân cùng du khách thập phương cùng nhau thụ lộc của Mẫu với mong ước những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm...
Khi tất cả các nghi lễ kết thúc thầy Mo thực hiện nghi lễ cuối cùng là đóng cửa cung cấm và cửa chính của đền kết thúc lễ hội đầu Xuân của đền Đông Cuông.
Trong tâm thức của người dân nơi đây, đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn đã gắn liền với sông núi, hóa thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho đồng bào các dân tộc trong vùng qanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành, hạnh phúc.Trên mảnh đất linh thiêng này, mỗi dịp lễ hội muôn dân trăm họ từ mọi miền của Tổ quốc về đây để tỏ lòng thành kính dâng lên Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và các vị thần linh, các anh hùng, nghĩa sỹ phù hộ, chở che để muôn dân được ấm no, hạnh phúc.
Với những huyền tích và nghi lễ cổ xưa mang đậm vản sắc dân tộc, đền Đông Cuông đã được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào tháng 1/2009; Tín ngưỡng thờ mẫu thượng ngàn tại đền Đông Cuông đã được UNESCO vinh danh và công nhận; Tháng 1/2023, Lễ hội Đền Đông Cuông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là điểm tựa để huyện Văn Yên bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội truyền thống Đền Đông Cuông và các di sản văn hóa khác trên địa bàn theo phương châm "lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của các hoạt động”, "biến di sản thành tài sản” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc duy trì lễ hội đền Đông Cuông ở huyện Văn Yên đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa tộc người địa phương, vùng miền và dân tộc. Nét đẹp và sức sống mãnh liệt của bản sắc văn hóa tộc người, vùng miền trong lễ hội Đông Cuông mãi được duy trì, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự lưu truyền này không chỉ thể hiện trong những hoạt động hội mà còn nằm trong chính tâm thức của mỗi người và cộng đồng.
Sự tồn tại và phát triển, lan tỏa của lễ hội đền Đông Cuông là minh chứng sống động cho vai trò nuôi dưỡng và phát triển nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng, phần nào thể hiện thái độ ứng xử hòa hợp với thiên nhiên, mong muốn được thiên nhiên ưu đãi, che chở và đón nhận... Thông qua lễ hội, cộng đồng dân cư thường gửi gắm trọn niềm tin vào thần linh để cùng hướng đến một cuộc sống bình an, khỏe mạnh và sung túc… Đó là ước vọng muôn đời, muôn thưở gắn với cư dân nông nghiệp Việt mà chúng ta cần đặc biệt chú ý trong các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống. Trong xu thế phát triển chung của xã hội hiện nay, lễ hội đền Đông Cuông còn góp phần đáng kể vào sự phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch về nguồn, phục vụ nhu cầu của cộng đồng địa phương và khách thập phương./.