VNHN- 10 năm trở lại đây, số phụ nữ người Hải Phòng kết hôn với người nước ngoài có xu hướng gia tăng. Hầu hết những trẻ em này được sinh ra tại nước ngoài và được cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài theo người cha. Tuy nhiên, đa số trẻ em Việt Kiều này đều được đưa về Việt Nam gửi người thân chăm sóc và gặp khó khăn bởi các chính sách pháp luật về vấn đề cư trú trẻ em mang quốc tịch nước ngoài.
Hội thảo thực trạng và hỗ trợ phụ nữ hồi hương, trẻ em Việt - Hàn cư trú tại Việt Nam
Thực tế cho thấy, các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng có những khó khăn nhất định. Những khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán của các cô dâu Việt ở nước sở tại; những khó khăn về đời sống kinh tế đã dẫn tới nhiều trường hợp trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài được gửi về nước để ông bà ngoại và người thân chăm sóc. Khác với số trẻ em về thăm thân nhân vào các dịp lễ, Tết; những trẻ em là người nước ngoài sống với người thân ở Việt Nam hầu như không được sự quan tâm, chăm sóc của cha, mẹ. Vì hầu hết cha, mẹ các em đều đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài. Nhóm trẻ em này chủ yếu là người Đài Loan, Hàn Quốc và cư trú chủ yếu ở các địa bàn huyện Kiến Thụy, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.
Việc cư trú của người nước ngoài hiện nay được quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cũng theo quy định của luật này, về nguyên tắc mọi trường hợp người nước ngoài nhập cảnh được tự do đi lại, cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với trẻ em là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc, bảo vệ việc nhập cảnh của các em luật cũng quy định chặt chẽ phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ, người được ủy quyền thì mới được nhập cảnh Việt Nam. Việc xuất cảnh tuy không quy định phải có cha, mẹ hoặc người giám hộ, người được ủy quyền nhưng theo quy định về thủ tục hàng không, các hãng hàng không cũng từ chối vận chuyển đối với hành khách là trẻ em không có người lớn đi cùng.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam phải được khai báo tạm trú. Việc này trước hết nhằm đảm bảo các quyền lợi của người nước ngoài khi nhập cảnh, cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; mặt khác để thực hiện các yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, do trẻ em người nước ngoài có mẹ là người Việt Nam nên tại nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng trẻ em là người nước ngoài không có thông tin khai báo tạm trú. Việc này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của những trẻ em này trong giải quyết các thủ tục về nhập cảnh, xuất cảnh, gia hạn tạm trú, thực hiện bảo hộ công dân của cơ quan chức năng nước ngoài tại Việt Nam.
Một đặc điểm chung của nhiều gia đình có phụ nữ kết hôn với người nước ngoài tại Hải Phòng hiện nay thường có điều kiện kinh tế khó khăn, hiểu biết pháp luật hạn chế dẫn tới việc thực hiện các quy định liên quan đến quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam rất khó khăn. Một số trường hợp phụ nữ Việt Nam do mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân đã đưa con là người nước ngoài về cho thân nhân chăm sóc. Do nhận thức pháp luật hạn chế, bản thân những phụ nữ này và thân nhân không nắm rõ các quy định của pháp luật nước ngoài tại Việt Nam nên đã có trường hợp cơ quan đại diện nước ngoài đã thông qua các cơ quan chức năng của Việt Nam để yêu cầu tìm kiếm, thậm chí còn tố cáo là bắt cóc trẻ em.
Buổi trao đổi, thảo luận về các quyền lợi của trẻ em là con của công dân Việt Nam và người nước ngoài
Đối với trẻ em người nước ngoài là con chung của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài được gửi cho thân nhân ở Việt Nam chăm sóc, việc thực hiện quyền của trẻ em có nhiều vướng mắc.
Thứ nhất: Đây đều là những trường hợp có tính thiểu số, nhiều cơ sở giáo dục chưa có kinh nghiệm giải quyết hồ sơ xin học đối với nhóm đối tượng này. Do vậy, có nhiều trường hợp đưa ra các yêu cầu về thành phần hồ sơ như Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đối với trẻ em là người nước ngoài. Việc người nước ngoài nói chung, trẻ em là người nước ngoài nói riêng khi nhập cảnh Việt Nam, việc cư trú được xác định bằng chứng nhận tạm trú phù hợp với thời hạn của thị thực. Khi hết hạn tạm trú, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh sẽ căn cứ vào điều kiện của từng trường hợp cụ thể để gia hạn tạm trú hoặc có thể được cấp thẻ tạm trú với thời hạn 03 năm.
Nếu trẻ em là người nước ngoài tham gia các chương trình học tại các trường quốc tế thì tại Hải Phòng mô hình trường này vẫn còn khá hạn chế; học phí cao nên nhiều gia đình có trẻ em là người nước ngoài không có điều kiện tham gia. Khi trẻ em người nước ngoài tham gia các chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam thì không có điều kiện tiếp cận chương trình học tập, ngôn ngữ của nước mà các em mang quốc tịch.
Thứ hai là trong Luật bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện mới chỉ có quy định áp dụng việc mua bảo hiểm y tế đối với lao động là người nước ngoài, còn đối với trẻ em là người nước ngoài thì chưa có quy định cụ thể. Do vậy, nhiều trường hợp thân nhân trẻ em người nước ngoài muốn mua bảo hiểm y tế nhưng không đủ điều kiện để tham gia. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi trực tiếp của trẻ em là người nước ngoài và đặt áp lực lên những gia đình có trẻ em là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
Thứ ba là trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam hiện nay cũng quy định đối tượng bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh khá hạn chế. Nên nhiều trường hợp ông, bà hoặc cô, dì, chú, bác ruột của trẻ em người nước ngoài ở trong nước không thể bảo lãnh để trẻ em là người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú. Việc này dẫn tới một số quyền, lợi ích hợp pháp như đã nêu ở trên của trẻ em bị ảnh hưởng.
Một số đề xuất trong điều chỉnh các quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em là người nước ngoài tại Việt Nam như sau:
Đối với một số quy định liên quan đến giáo dục và chăm sóc y tế nên điều chỉnh các quy định về thủ tục và xác định thêm đối tượng điều chỉnh, đối tượng chịu tác động của những quy định này là trẻ em người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy vừa đảm bảo tính tương đồng của pháp luật Việt Nam với thế giới, vừa đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật quốc tế về quyền trẻ em. Đặc biệt là thu hẹp khoảng cách, hạn chế ranh giới giữa trẻ em Việt Nam và con em của công dân Việt Nam với người nước ngoài. Từ đó giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của những trẻ em người nước ngoài có tính đặc thù này.
Đồng thời, Bộ Công an cần căn cứ vào các quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để hướng dẫn và quy định việc giải quyết một số thủ tục về nhập cảnh, cư trú của các trường hợp trẻ em người nước ngoài là con chung của công dân Việt Nam với người nước ngoài. Trong đó, cho phép thân nhân là ông, bà, cô, dì, chú, bác ruột có thể làm thủ tục bảo lãnh để trẻ em là người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú và có điều kiện tạm trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam.
Cần có quy định cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, ban, ngành có liên quan trong công tác phối hợp với ngành Công an về thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Làm tốt công tác thống kê nhà nước và hướng dẫn pháp luật để các quy định liên quan đến quá trình cư trú, sinh sống của trẻ em người nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện nghiêm túc và đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp./.