25/12/2024 lúc 22:21 (GMT+7)
Breaking News

Đề xuất giải pháp quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới

Nước là nguồn tài nguyên quý giá quyết định sự tồn tại của con người cũng như sự sống của sinh vật trên trái đất. Nước không chỉ có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người mà còn có ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống người dân, sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Trong xây dựng nông thôn mới, việc bảo đảm cung cấp nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng.

Ngày 01/11, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững Nước sạch và Vệ sinh môi trường tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới”.

tm-img-alt

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự và chủ trì hội thảo có Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững Nước sạch và Vệ sinh môi trường Lê Văn Căn; Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường tỉnh Thái Nguyên Hoàng Cường Quốc.

tm-img-alt

Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cho biết, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo đảm nước sạch khu vực nông thôn. Trong đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030 đạt 80% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

Thời gian qua, công tác phát triển hạ tầng cấp nước ở nông thôn đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên còn nhiều vùng nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn để đạt chuẩn về cung cấp nước sạch; tình trạng công trình nước sạch được đầu tư chậm, khai thác chưa hiệu quả, hư hỏng, gây lãng phí còn khá phổ biến. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp chính sách nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước sạch trong xây dựng nông thôn mới… Ông Nguyễn Quyết Chiến phát biểu.

Đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Văn Căn Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững Nước sạch và Vệ sinh môi trường cho biết, sau gần 40 năm từ khi Việt Nam tăng cường đầu tư các công trình nước sạch, lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.

tm-img-alt

Ông Lê Văn Căn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững Nước sạch và Vệ sinh môi trường phát biểu đề dẫn Hội thảo

Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác tổ chức, quản lý, vận hành các công trình cấp nước sạch tập trung xuất hiện nhiều bất cập. Tình trạng quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì các công trình cấp nước sạch tập trung tại các địa bàn nông thôn mới, nhất là tại các tỉnh trung du, miền núi còn nhiều khó khăn. Nhiều công trình cấp nước sạch tập trung chưa phát huy hiệu quả, tỷ lệ không hoạt động còn cao, có tình trạng xuống cấp do đã được đầu tư xây dựng từ lâu. Việc lựa chọn mô hình công nghệ, quy mô công trình, mô hình quản lý, vân hành chưa phù hợp. Biến đổi khí hậu cũng là một trong những yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các công trình hạ tầng cơ sở nông thôn nói chung và công trình cấp nước sạch nói riêng.

Lê Văn Căn gợi ý các nội dung thảo luận chính của Hội thảo về đánh giá hiện trạng tổ chức, quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn xây dựng nông thôn mới; Đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả sử dụng công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn nông thôn mới.

tm-img-alt

Ông Phạm Kiến Quốc, đại diện Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường Thái nguyên phát biểu tại Hội thảo

Đại diện Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường Thái nguyên, Ông Phạm Kiến Quốc cung cấp thông tin về thực trạng mô hình quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Theo đó, toàn quốc có 18.104 công trình cấp nước sạch, tuy nhiên trên 80% công trình có quy mô nhỏ, rất nhỏ; gần 4.000 công trình đã được đưa vào khai thác sử dung trên 20 năm, chiếm hơn 20%.

Ông Quốc cho rằng công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch còn một số tồn tại, bất cập. Việc lựa chọn mô hình quản lý vận hành, bảo dưỡng chưa phù hợp. Nhiều mô hình quản lý thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn, quy định mô hình tổ chức quản lý. Năng lực kỹ thuật, chuyên môn còn yếu, công tác đào tạo nâng cao năng lực chưa được quan tâm. Thu không đủ bù chi nên thiếu kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng. Công tác bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp có nơi còn thực hiện không đúng tiêu chuẩn, quy định dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Trước mắt, cần tập trung vào giải pháp các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách về cấp nước sạch nông thôn; Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch duy trì bền vững các công trình cấp nước nông thôn tập trung đến năm 2030; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông minh trong giám sát nguồn nước, chất lượng nước, tự động hóa công tác quản lý vận hành công trình. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát trong quản lý dịch vụ cấp nước nông thôn, Ông Phạm Kiến Quốc phát biểu.

tm-img-alt

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên giới thiệu 5 mô hình quản lý, vận hành, khai thác công trình nước sạch gồm: Các đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp, tư nhân; UBND xã; Hợp tác xã; và UBND xã giao cộng đồng quản lý, vận hành. Đa số các công trình nước sạch được quản lý theo mô hình giao cho UBND xã quản lý hoặc được UBND xã giao cho cộng đồng quản lý, vận hành, khai thác, chiếm hơn 70%.

Mỗi mô hình đều có ưu, nhược điểm riêng nhưng việc áp dụng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương sẽ mang lại những hiệu quả đáng kể, đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của người dân. Tuy nhiên, hiệu quả cấp nước đến từng hộ gia đình vẫn chưa cao, còn xảy ra tình trạng thất thoát nước. Việc lựa chọn mô hình phù hợp không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn mang lại hiệu quả đầu tư cũng như mức độ bền vững của công trình. Ông Trường phát biểu.

tm-img-alt

Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái nguyên chia sẻ với Hội thảo

Về vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ đối với vấn đề bảo đảm nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái nguyên cho biết Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “5 không 3 sạch”…

Bà Giang cho biết, bên cạnh các phong trào thi đua, Hội đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, thông tin, giáo dục, tuyên truyền về vệ sinh nước sạch, hạn chế lãng phí nguồn nước; xây dựng và thực hiện các mô hình điển hình về bảo vệ môi trường, ưu tiên những mô hình hoạt động hiệu quả, kinh phí cho các mô hình chủ yếu vận động từ người dân và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Các mô hình do Hội triển khai đã đạt kết quả và được nhân rộng, có sức lan tỏa đã trở thành phong trào Kết quả đạt được đã góp phần cùng các cấp các ngành thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

tm-img-alt

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nước sạch Phú Xuyên cung cấp thông tin về thực tiễn cung cấp nước sạch trên địa bàn

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều thông tin về tình hình nước sạch, sử dụng nước sạch hiện nay ở Thái Nguyên, đồng thời đề đề xuất nhiều giải pháp như tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông để tăng nhu cầu tiếp cận với sử dụng nước sạch và vệ sinh của người dân trong vùng, hạn chế lãng phí nguồn lực đầu tư trong bối cảnh ngân sách ngày càng hạn hẹp hiện nay…

Lê Như Quân

Ban Ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội;

Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam

...