28/11/2024 lúc 04:49 (GMT+7)
Breaking News

Đề nghị Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine Covid-19, thuốc điều trị và các thiết bị y tế

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến 6/8.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến 6/8.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis. 

Sáng ngày 5/8, tại cuộc hội đàm với Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine, thuốc điều trị Covid-19 cũng như các thiết bị y tế cần thiết khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhiệt liệt chào mừng Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis tới thăm Việt Nam và tin tưởng chuyến chăm của Ngài Ignazio Cassis vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao sẽ góp phần thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Thụy Sỹ.

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Ignazio Cassis cảm ơn Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã dành cho ông và đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo. Nhân dịp này, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ignazio Cassis chuyển lời chúc mừng Việt Nam có Ban Lãnh đạo nhiệm kỳ mới và chúc mừng Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, tái bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ignazio Cassis vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam và Thụy Sỹ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là những thành tựu trong 30 năm thực hiện chương trình hợp tác phát triển của Thụy Sỹ đối với Việt Nam, Thụy Sỹ đã hỗ trợ khoảng 600 triệu franc Thụy Sỹ dành cho Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục ưu tiên cung cấp vốn ODA cho Việt Nam trong giai đoạn tới, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực bảo vệ môi trường và cải cách kinh tế.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Sỹ năm 2020 và các năm 2016-2018 duy trì ở mức khoảng 1 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu luôn gấp gần 1,5 đến 2 lần xuất khẩu.

Hai bên tiến hành hội đàm. 

Để tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ song phương tương xứng với tiềm năng của hai nước, hai Bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi về định hướng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Theo đó, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao và giữa các bộ, ngành, địa phương, qua đó làm sâu sắc hơn nữa hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thực chất cho giai đoạn hậu Covid-19.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, hai bên tiếp tục khẳng định chủ trương tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau; chia sẻ nỗ lực sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho trao đổi thương mại, đầu tư tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Nhất trí cần tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ignazio Cassis trao đổi về các biện pháp thúc đẩy các dự án nghiên cứu chung trong khuôn khổ Nghị định thư giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Ủy ban Nhà nước về các vấn đề giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sỹ đã tặng Việt Nam 500.000 bộ kít thử nhanh, 300.000 khẩu trang kháng khuẩn và 30 máy thở oxy (tổng trị giá khoảng 117 tỷ VNĐ), khẳng định đây là sự hỗ trợ vô cùng quý báu và kịp thời của phía Thụy Sỹ dành cho Việt Nam, thể hiện quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Thụy Sỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vaccine, thuốc điều trị Covid-19 cũng như các thiết bị y tế cần thiết khác.

Chia sẻ với những khó khăn của Việt Nam, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ sớm vượt qua làn sóng đại dịch Covid-19 và nhất trí hai nước cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm phòng chống Covid-19 gắn với lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế và củng cố hợp tác song phương trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí cần tiếp tục hợp tác và tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, trong đó có ASEAN và Liên hợp quốc. Khẳng định sự ủng hộ dành cho vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc ở khu vực, Bộ trưởng Ignazio Cassis chúc mừng thành công của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.

Trong lĩnh vực đầu tư, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2021, Thụy Sỹ có 177 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20 trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ Ignazio Cassis gặp gỡ báo chí sau hội đàm. (Ảnh: Tuấn Anh

Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sỹ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ, làm cầu nối để Thụy Sỹ tăng cường hợp tác với ASEAN.

Hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình tại Biển Đông, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là khung pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cảm ơn và đề nghị Chính phủ Thụy Sỹ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ hội nhập tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thụy Sỹ, cũng như góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Kết thúc hội đàm, hai Bộ trưởng đã có buổi gặp gỡ báo chí để chia sẻ về nội dung, kết quả của buổi hội đàm.