22/06/2025 lúc 09:03 (GMT+7)
Breaking News

Đề án 06: Đồng Tháp nhân rộng mô hình phục vụ hiệu quả

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã chủ động triển khai nhiều mô hình điểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đồng Tháp quyết liệt cải cách hành chính đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử và chính quyền số - Ảnh: TL

Một số mô hình điểm tiêu biểu phải kể đến như mô hình “Trạm tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính lưu động” bằng việc tổ chức các xe lưu động đến tận xã, phường giúp người dân thực hiện các thủ tục như cấp CCCD, đăng ký khai sinh, khai tử, cấp trích lục, đăng ký thường trú… Hỗ trợ đặc biệt cho người cao tuổi, người khuyết tật, người dân vùng sâu vùng xa.

Hay mô hình “Công dân số”, như triển khai thí điểm tại các xã/phường, phổ cập kỹ năng số cho người dân như: tạo tài khoản định danh điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng mô hình “Kết nối dữ liệu phục vụ công tác quản lý”, tích hợp dữ liệu dân cư với các lĩnh vực như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, giúp cải cách thủ tục hành chính nhanh chóng và minh bạch.

Song song với đó, để thực hiện hiệu quả Đề án 06 tại Đồng Tháp đã chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành và địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho cán bộ, công chức và người dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ, giám sát tiến độ và chất lượng giải quyết TTHC. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc triển khai CCCD gắn chip, định danh điện tử mức độ 2. Nhờ vậy đã bước đầu mang lại những giá trị tích cực, từng bước xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch và hiện đại.

Đặc biệt vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã có thay đổi lớn trong công tác triển khai thực hiện 40 mô hình điểm của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 332 của Tổ công tác. Ngoài ra, tỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 03 ngày 20/02/2025 của Hội đồng nhân dân về việc thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp một cách cẩn trọng. Cụ thể, có tất cả 7 mô hình trọng điểm như triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên VneID; Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà ở công vụ trên địa bàn tỉnh; Đảm bảo điều kiện công dân số trên địa bàn tỉnh; Triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VneID; Triển khai tuyên truyền chính sách, hỗ trợ pháp lý qua ứng dụng VneID, Call Centrer; Số hóa tạo lập dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; Phân tích tình hình dân cư trên địa bàn. Ngoài ra, Công an tỉnh còn tiếp nhận thêm 3 mô hình từ các sở, ngành gồm: “Cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VneID” từ Sơ Tư pháp; “Triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe” từ Sở Xây dựng (trước đây là Sơ Giao thông vận tải); “Trung tâm Giám sát an ninh mạng SOC tỉnh” từ Sở Khoa học và Công nghệ (trước đây là Sở Thông tin và Truyền thông).

Tỉnh Đồng Tháp đã chủ động triển khai nhiều mô hình điểm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp - Ảnh: TL

Triển khai các mô hình điểm theo Đề án 06, tỉnh đã phân công cụ thể theo từng ngành, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với chức năng và thực tiễn địa phương. Như Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện 4 mô hình được chuyển giao từ Sở Thông tin & Truyền thông trước đây như xây dựng tối thiểu 20 dịch vụ công không dùng hồ sơ giấy; lưu trữ, chứng thực tài liệu điện tử; chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO); nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP). Đồng thời, giảm 3 mô hình do đã chuyển cho Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Công an tỉnh.

Sở Y tế tiếp tục chủ trì 4 mô hình là đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip/VneID; đăng ký lưu trú bệnh nhân nội trú qua ứng dụng ASM; tích hợp thông tin Sổ sức khỏe điện tử lên VneID; lắp đặt Kiosk khám chữa bệnh tự phục vụ.
Ngoài ra, đồng chủ trì với Sở Nội vụ mô hình “Quản lý an sinh xã hội qua VNeID” và tiếp nhận mô hình “Phân tích tình hình lao động”. Sở Tư pháp tiếp tục mô hình “Triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực”, giảm 1 mô hình chuyển sang Công an tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch triển khai mô hình “Camera AI kiểm soát ra vào khu du lịch”, đồng thời tiếp nhận 2 mô hình truyền thông từ Sở KH&CN là truyền thông nội bộ cho công chức, viên chức; truyền thông chính sách qua hệ thống LED, pano, áp phích, truyền thanh cơ sở và nền tảng số. Sở Xây dựng tiếp nhận 1 mô hình từ Sở GTVT: “Sử dụng CCCD gắn chip thanh toán vé tàu xe không dùng tiền mặt”.

Sở Giáo dục & Đào tạo tiếp tục triển khai mô hình “Quản lý trường học bằng hệ thống số hóa”. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiếp nhận mô hình từ Sở TN&MT: “Quản lý thông tin đất đai, tài sản gắn liền với đất qua dữ liệu dân cư”.

Sở Công Thương tiếp tục mô hình: “Phát triển du lịch gắn với đặc sản vùng miền, ứng dụng dữ liệu dân cư trong phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế số”. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tạm dừng mô hình “Camera AI tại khu công nghiệp” do chưa có giải pháp kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia và khó khăn về kinh phí.

Toàn tỉnh huy động sự tham gia của các sở, ban ngành, chính quyền các cấp, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, đảm bảo mô hình triển khai đồng bộ, chất lượng, đúng tiến độ. Dù còn một số khó khăn, Đồng Tháp vẫn đang nỗ lực tháo gỡ “điểm nghẽn” để người dân và doanh nghiệp thực sự hưởng lợi từ hiệu quả mà Đề án 06 mang lại./.

Trí Đức - Hoàng Châu