09/12/2024 lúc 17:20 (GMT+7)
Breaking News

Đất “thép” Quảng Trị kết nối hội nhập

Khả năng Kết nối - Hội tụ - Phát triển của vùng đất Quảng Trị đã, đang thể hiện rõ từ trong quá khứ, đến hiện tại, là tiền đề quan trọng để Quảng Trị vươn lên mạnh mẽ trong tương lai bằng chính sức, lực của mình.
Thành phố Đông Hà vươn mình phát triển

Kết nối để phát triển đồng bộ

Vào một ngày đầu thu trong tiết trời mát dịu so với đợt nắng nóng kéo dài mấy tháng qua, chuyến đi khảo sát thực địa đến các khu công nghiệp, các vùng đất đầy tiềm năng sẵn sàng đón đợi các nhà đầu tư. Có đi mới biết, có đến mới hay, đúng như trong bài viết của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng có trong cuốn sách: “Giải phóng Quảng Trị- Chiến đấu, bảo vệ Thành Cổ năm 1972- Nữa thế kỷ xây dựng đổi mới và phát triển” do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị xuất bản. Tôi đọc kỹ bài viết của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng: Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Trị “hội tụ” các điểm giao thông huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, nhất là có quốc lộ 9 A nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến đường xuyên Á gần nhất và thuận tiện nhất nối Việt Nam với các nước ASEAN qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuận lợi trong giao lưu và phát triển kinh tế khu vực miền Trung và cả nước.

Với lợi thế là cửa ngõ ra Biển Đông của các nước tiểu vùng sông Mê Công, nơi hội tụ, lan tỏa các cơ hội hợp tác, liên kết vùng trong đầu tư và thương mại, tỉnh Quảng Trị tập trung định hướng xây dựng và phát triển các trục kinh tế kết nối Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với hành lang kinh tế Đông - Tây và Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo; từng bước hình thành hành lang đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng nước sâu Mỹ Thủy kết nối với các tỉnh nam Lào và đông bắc Thái Lan.

Từ năm 2020 đến nay, các hoạt động đầu tư nước ngoài tại tỉnh Sa-va-na-khet, nhất là tại huyện Sê-pôn, nơi có Khu kinh tế thương mại Đen-sa-van tiếp giáp với Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) đang trở nên sôi động. Hàng hóa quá cảnh từ cảng Đà Nẵng qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo sang Lào và ngược lại tăng đột biến. Năm 2020, có 620.000 lượt phương tiện với khối lượng hàng hóa 1,53 triệu tấn, trị giá 8,9 tỷ USD. Năm 2021, khối lượng và trị giá hàng hóa quá cảnh tăng trên 30% so với năm 2020. Từ ngày 3-12-2021, tuyến đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Côn Minh (Trung Quốc) chính thức vận hành, mở ra cơ hội hình thành hành lang giao thông Đà Nẵng - Lao Bảo - Viêng Chăn - Côn Minh, kết nối tiểu vùng sông Mê Công (GMS) rộng lớn. Dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2030, các hoạt động đầu tư, thương mại tại khu vực Lao Bảo (Việt Nam) - Đen-sa-van (Lào) sẽ trở nên sôi động. Đón đầu cơ hội này, tỉnh Quảng Trị đang phối hợp với tỉnh Sa-va-na-khet đề xuất chính phủ hai nước cho thí điểm xây dựng khu kinh tế chung trên khu vực biên giới.

Tranh thủ từ những lợi thế kết nối trên, tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, có tính đột phá, như sân bay, cảng biển; các dự án giao thông kết nối ven biển, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9,... Xúc tiến các thủ tục thành lập và đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá (diện tích 215 ha), Khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú (528,97 ha), Khu công nghiệp Quảng Trị - VSIP8 (481,2 ha) với sự tham gia của Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn khu công nghiệp Việt Nam - Xin-ga-po, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, Tập đoàn Sumitomo Corporation. Hiện nay, VSIP8 đang khởi động các bước chuẩn bị triển khai dự án.

Điện gió Quảng Trị. Ảnh: VNE

Biến nguồn “năng lượng” gió Lào thành tài nguyên vô giá

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết Quảng Trị từ ngàn năm nay chịu ảnh hưởng gió Lào xem như là khắc nghiệt. Tuy nhiên, với thời đại phát triển kinh tế toàn phần đa năng, chúng tôi đã xem gió Lào là tiềm năng rất lớn để phát triển các dự án năng lượng, đặc biệt năng lượng tái tạo. Để biến cái bất lợi thành có lợi, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Quảng Trị xác định công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, là trụ cột chính để phát triển kinh tế mạnh mẽ trên đất thép.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (bên phải)  và tác giả

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng, với tốc độ gió trung bình đạt từ 6 - 7 m/s, miền Tây Quảng Trị được đánh giá là vùng rất có tiềm năng trong phát triển điện gió. Vùng đất này đã vào “tầm ngắm” nhiều nhà đầu tư phát triển năng lượng. Ông Hưng phấn khởi khảng định với chúng tôi rằng: Công nghiệp năng lượng đã hiện hữu trên vùng đất đầy nắng, gió và đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, sự quyết tâm của các nhà đầu tư, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị đã có được 31 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2MW, trong đó điển hình 2 dự án công suất 60MW đã đi vào hoạt động; 29 dự án đang triển khai đầu tư. Nếu tính thêm cả 11 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch; thì điện gió gần như phủ kín vùng núi non trùng điệp Miền Tây Quảng Trị này.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ, tỉnh Quảng Trị chúng tôi chắc chắn sẽ trở thành một trung tâm năng lượng của miền Trung, do đây là điểm tiếp nhận khí thiên nhiên từ mỏ Báo Vàng cách đất liền 100km và trong tương lai không xa là mỏ khí Kèn Bầu từ phía biển đông, có trữ lượng lớn nhất từ trước đến nay mới được phát hiện cách đất liền Quảng Trị chưa đầy 80km. “Kho báu” từ gió Tây Nam thổi mạnh bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng gió Lào giúp Quảng Trị thu gom tất cả nguồn tài nguyên vô tận mà thiên nhiên ban tặng.

Phó chủ tịch tỉnh Hà Sỹ Đồng khảng định: "Đến năm 2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đạt khoảng 5.000MW điện từ các nhà máy nhiệt điện, điện khí, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và thủy điện, góp phần tạo động lực mới cho đất thép Quảng Trị phát triển kinh tế đa dạng, phong phú".

Đảo Cồn Cỏ - Tiềm năng du lịch tại Quảng Trị

Đất thép đêm ngày nở hoa

Tính đến nay, về đầu tư trong nước, Quảng Trị có 535 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 175,17 nghìn tỉ đồng. Trong đó, riêng số vốn đầu tư năm 2021 đã chiếm hơn 40% tổng vốn đầu tư. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng qua các năm

Về đầu tư nước ngoài, hiện Quảng Trị có 26 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 2,5 tỉ USD, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố. Một dấu ấn lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Quảng Trị năm 2021 là dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn 1, công suất 1.500 MW với tổng vốn đầu tư trên 2,3 tỉ USD đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là dự án mang tầm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng không chỉ với tỉnh Quảng Trị mà còn với cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Không còn bao nhiêu thời gian nữa Quảng Trị sẽ khởi công xây dưng sân bay. Sân bay Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, dự kiến nhu cầu sử dụng đất hơn 265 hecta.Quy mô sân bay Quảng Trị là cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II. Công suất theo quy hoạch 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.Dự kiến giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình cơ bản của sân bay Quảng Trị đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác của sân bay khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Anh Bình - Phan Tiến 

...