24/11/2024 lúc 07:35 (GMT+7)
Breaking News

Đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiện nay

Đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm, thể hiện rõ qua các kỳ Đại hội Đảng và cụ thể hóa trong các chính sách của Nhà nước, nhất là trong những năm gần đây.

Ảnh minh họa - TL 

1. Chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài

Quan điểm của Đảng về đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài được thể hiện thống nhất và xuyên suốt trong rất nhiều kỳ Đại hội. Văn kiện Đại hội VI, VII của Đảng đã xác định nhiệm vụ của giáo dục là “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Các văn kiện Đại hội X, XI và XII tiếp tục cụ thể hóa chủ trương này trong bối cảnh và tình hình mới. Đại hội X nêu rõ: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng”(1). Đại hội XI nâng cao một bước: “có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước và hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài”(2). Đại hội XII tiếp tục khẳng định “Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước”(3), coi đây là giải pháp quan trọng trong thực hiện chiến lược cán bộ. Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài”(4), ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước và tiếp tục khẳng định nhiệm vụ quan trọng này: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài.

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về chính sách đào tạo, sử dụng, thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008, tại Điều 6 quy định rõ: Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Đến năm 2019, Luật này đã bổ sung thêm trường hợp: sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng có thể dự tuyển công chức thông qua hình thức xét tuyển tại Khoản 5 Điều 1.

Chính phủ đã ra một số nghị định nhằm cụ thể hóa Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức: Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng. Cốt lõi của các quy định pháp luật này có liên quan trực tiếp đến chế độ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ đối với nhân tài.

"Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài”, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Ngày 31-7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và ban hành khung chính sách nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài. Các lĩnh vực hướng tới của chiến lược này tương đối toàn diện, bao gồm: khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học xã hội; thể dục, thể thao; quân sự, quốc phòng và an ninh quốc gia, thông tin và truyền thông, quản lý, lãnh đạo... Chiến lược này là cơ sở vững chắc để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng đều có các chính sách thu hút, đào tạo và đãi ngộ nhân tài theo cách riêng của mình. Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh, để thu hút chuyên gia vào làm việc tại khu công nghệ cao, khu nông nghiệp cao, các viện khoa học công nghệ, trung tâm công nghệ sinh học đã có Quyết định 5715- QĐ-UBND ngày 21-11-2014 thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ đến làm việc tại đây. Thủ đô Hà Nội đã có các chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng tài năng trẻ, có các chính sách trọng dụng nhân tài, thu hút các chuyên gia, những người tài năng nhằm thúc đẩy sự nghiệp xây dựng Thủ đô theo hướng bền vững. Nhiều tài năng là giảng viên, giáo viên, bác sĩ nội trú, bác sỹ chuyên khoa cấp 2, dược sỹ chuyên khoa cấp 2 được thu hút về làm việc tại Hà Nội thông qua Quyết định 91/2009/QĐ-UBND.

Thực hiện quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về nhân tài, công tác đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài đã đạt được những thành tựu, trong đó có công tác đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài của ngành giáo dục Việt Nam.

2. Thực trạng đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài trong lĩnh vực giáo dục

Đảng có chủ trương đặc biệt quan tâm đội ngũ trí thức, Nghị quyết số 45/NQTW ngày 24-11-2023 Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã khẳng định: “cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, trọng dụng, tôn vinh, đãi ngộ nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức tiếp tục được hoàn thiện. Đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế”.

Thực tế, đội ngũ trí thức có khả năng làm việc độc lập, tiếp cận và làm chủ các tri thức hiện đại, có thái độ tự tin, tự chủ và lòng tự tôn dân tộc. Trí thức là đội ngũ tiên phong, nòng cốt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và nhân văn trong sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia.

Lĩnh vực giáo dục từ bậc phổ thông đến giáo dục đại học đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Người làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi cả trình độ chuyên môn và khả năng sư phạm, truyền dạy tri thức, có tư duy độc lập, sáng tạo, có khả năng phản biện và khả năng dự báo, “vừa hồng vừa chuyên”, có lòng yêu nước, trung thành với lý tưởng cộng sản, gắn bó với Đảng với nhân dân. Đặc biệt, khi thực hiện đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay, đội ngũ này có những đóng góp quan trọng vào xây dựng đất nước, cống hiến cho xã hội. Chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện qua:

Chính sách đào tạo nhân tài. Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhân tài được hình thành từ hai phương thức tự học và đào tạo cơ bản ở các trường đại học. Đặc biệt, trong những qua, các chương trình cử người đi đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước đã được thực hiện. Một số trường đại học đã thực hiện tốt chính sách này, như Đề án 911 (năm 2016), Đề án 89 (năm 2019), Đề án 322 (năm 2000). Sau nhiều năm, hơn 7.100 người tham gia, trong đó có gần 4.600 người đi đào tạo ở nước ngoài (2.300 người học bậc tiến sĩ). Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước là hơn 3.000 người (gần 1.100 tiến sĩ). Đây là lực lượng đóng góp vào sự thay đổi cơ bản nền học thuật Việt Nam, sau khi tiếp thu tinh hoa của thế giới và áp dụng vào các lĩnh vực khoa học ở Việt Nam.

Với quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, Đảng và Nhà nước đã tiến hành đổi mới hướng tới việc đào tạo một cách cơ bản từ phổ thông đến đại học.

Đào tạo ở bậc học phổ thông, công đoạn phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh năng khiếu ở bậc học phổ thông được tiến hành. Ngay từ khi còn nhỏ, nhiều học sinh đã bộc lộ tài năng trong một số lĩnh vực đặc thù như các môn khoa học tự nhiên: toán, lý, hóa, sinh. Trong khoa học xã hội như văn, sử, ngoại ngữ. Các ngành liên quan đến năng khiếu như hội họa, thể thao, âm nhạc… Trong thời kỳ bao cấp, khó khăn về kinh tế, Nhà nước đã nhận thức được việc đào tạo nhân tài là rất quan trọng, các tỉnh, thành phố đều mở ra các trường chuyên để tuyển chọn học sinh tài năng, như Hà Nội có chuyên Amsterdam, Nam Định có chuyên Lê Hồng Phong, Hải Phòng chuyên Trần Phú, Nghệ An chuyên Phan Bội Châu, Thanh Hóa có chuyên Lam Sơn, Hà Tây cũ có chuyên Nguyễn Huệ... đào tạo các thế hệ học sinh chất lượng cao, nòng cốt từ phổ thông, lực lượng trẻ này sau khi tốt nghiệp phổ thông nhiều người đã đi du học đại học ngay.

Đào tạo đại học, nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học và hệ sau đại học chủ yếu là trẻ tuổi. Một số trường đại học tham gia vào mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á và châu Á, đã dần dần đạt chất lượng ngang bằng với các trường trong khu vực như một số trường thành viên của 2 đại học lớn là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, một số viện nghiên cứu chuyên ngành. Thông qua quá trình kiểm định chất lượng đào tạo AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance) là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá toàn diện chương trình đào tạo trên nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác bảo đảm chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, và doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng của toàn bộ chương trình đào tạo.

Ngoài hệ thống các trường đại học, có các Viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành là cái nôi đào tạo của những người nghiên cứu trẻ, có thành tích khoa học xuất sắc. Những người này đều tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, là thế hệ nối bước các nhà khoa học đã thành danh, góp phần vào xây dựng đội ngũ trí thức kế cận đông về số lượng và mạnh về chất lượng chuyên môn.

Điều 8 Nghị định 109/2022/NĐ-CP đã quy định các điều kiện và tiêu chí thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học. Trên thực tế, một số trường như: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thành lập 4 nhóm nghiên cứu mạnh như: Công tác xã hội và An sinh xã hội; Giới; Dân số và Môi trường; Biển và thương mại châu Á; Chính trị Việt Nam; Pháp quyền và Tôn giáo. Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có một số nhóm nghiên cứu mạnh như: Công nghệ môi trường xanh và tái chế chất thải; Hóa học phức chất và hóa sinh vô cơ; Mô hình hóa khí hậu khu vực và biến đổi khí hậu; Sóng trong môi trường đàn hồi... Vai trò của các nhóm nghiên cứu mạnh này rất đa dạng bao gồm công bố ổn định các bài tạp chí và đạt mức trung bình hàng năm trong các cơ sở dữ liệu Web of Science, xuất bản giáo trình và sách chuyên khảo, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, chuyển giao công nghệ cho các địa phương...

Chính sách trọng dụng nhân tài. Từ sau Đại hội VII, đội ngũ trí thức trong lĩnh vực giáo dục ngày càng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến... Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”. Những năm tiếp theo, Đảng ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển đội ngũ trí thức, phát triển khoa học và công nghệ. Các kỳ Đại hội của Đảng đều nhất quán quan điểm trọng dụng, đãi ngộ đối với lực lượng này.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII xác định: Tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo; trọng dụng nhân tài, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức. Với việc xác định vị trí và vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức, nhân tài trong giáo dục, Đảng và Nhà nước đã trao nhiều trọng trách và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này cống hiến tài năng, sức lực trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ cho đất nước.

Đối với đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, việc sử dụng thể hiện ở các phương diện sau:

Một là, thực hiện vai trò sáng tạo và truyền bá văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt là sau Nghị quyết Trương ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đề cao việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, biến văn hóa thành nguồn lực quốc gia, những trí thức và nhân tài trong lĩnh vực giáo dục liên quan đến các hoạt động âm nhạc, hội họa đã có nhiều hoạt động nhằm đưa di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, những giá trị văn hóa của Việt Nam đến với thế giới. Đặc biệt là trong các lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, di sản, các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã có rất nhiều các công trình vật chất, cũng như các tác phẩm thể hiện đời sống mới. Đóng góp vào giữ gìn nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc và từng bước thực hiện quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Đời sống văn hóa xã hội của Việt Nam ngày càng trở nên phong phú. Những kết quả đó phản ánh chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chính sách trọng dụng nhân tài.

Hai là, đưa khoa học và giáo dục lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới

Đại hội XI của Đảng đã xác định và từng bước thực hiện 3 đột phá chiến lược đó là thể chế, hạ tầng và nhân lực. Các đột phá chiến lược được thúc đẩy rất mạnh mẽ. Với các trụ cột hướng đến sự phát triển là đối ngoại và hội nhập có mối quan hệ hữu cơ và tác động sâu tới giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao dân trí. Với truyền thống coi hiền tài là vốn quý của quốc gia, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước lớn trên thế giới trong đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài, các chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam ngày càng được coi trọng.

Ba là, hoạch định và thực thi chính sách

Đảng và Nhà nước rất coi trọng giới trí thức với vai trò tư vấn, phản biện chính sách trong các tổ chức nghiên cứu khoa học. Các tổ chức khoa học và công nghệ công lập gồm cả các tổ chức nghiên cứu thuộc tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học với số lượng lớn và chất lượng cao. Các tổ chức và cá nhân này trực tiếp tham gia nghiên cứu, cung cấp các luận cứ khoa học cho hoạch định chính sách. Các tư vấn này cũng đến trực tiếp với các nhà quản lý và quản trị đất nước và nhằm giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho xã hội và nền kinh tế. Ngoài ra, với tự do học thuật, hiện nay xuất hiện nhiều tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách ở khối tư nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia cao cấp, ngày 28-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1120/QĐ-TTg thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng tư vấn về các vấn đề phát triển kinh tế. Tổ này gồm 15 thành viên là những chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và quốc tế. Đây là lực lượng nòng cốt tư vấn cho Chính phủ những quyết sách quan trọng về kinh tế, luôn luôn đi trước, đón đầu, dự đoán các xu hướng và xu thế kinh tế thế giới. Nhóm nghiên cứu này cũng trực tiếp tư vấn cho các bộ, ban, ngành trong những công việc cụ thể trong việc điều hành và quản lý kinh tế cấp vĩ mô và vi mô.

Bốn là, chính sách đãi ngộ nhân tài

Thực hiện chủ trương của Đảng về thu hút và trọng dụng nhân tài đã tạo ra nhiều cơ hội và ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút và giữ chân những cá nhân có tài năng trong các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội và phát triển quốc gia. Các chính sách này đã được cụ thể hóa và đưa vào hành động thông qua việc ban hành các luật, nghị định, tạo ra một cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tại các cấp, ngành và địa phương. Nhiều địa phương đã dựa vào hoàn cảnh cụ thể để xác định các mục tiêu và phương pháp thu hút nhân tài phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Các lĩnh vực như y tế, công nghệ, kinh tế, giáo dục đã được ưu tiên đặc biệt và các ưu đãi cụ thể như chính sách tuyên dương, chế độ tuyển thẳng và các phúc lợi khác đã được áp dụng để thu hút nhân tài vào làm việc. Mức lương hấp dẫn và môi trường làm việc thuận lợi cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thu hút nhân tài. Điều này đã dẫn đến việc một số địa phương áp dụng mức lương và chính sách đãi ngộ cao hơn so với trung bình quốc gia để thu hút nhân tài vào làm việc.

Tổng quan, các chính sách thu hút nhân tài đã có những bước tiến mạnh mẽ tại các địa phương, góp phần quan trọng vào việc thu hút những người có trình độ cao và đáp ứng nhu cầu của nhiều ngành và lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt là một số trường đại học tự chủ, như: Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Lạc Hồng, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện nhiều chính sách thu hút người giỏi và những người có chức danh GS, PGS đầu ngành, ngoài tặng khoản tiền hỗ trợ lần đầu từ 100 - 500 triệu đồng với các GS, PGS trẻ, đầu ngành về với trường, còn có cơ chế khen thưởng, khuyến khích và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học với mức chi từ 50 - 150 triệu đồng/bài báo khoa học đăng trên tạp chí danh tiếng quốc tế.

Các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đều đang hướng tới các mục tiêu nhằm đãi ngộ nhân tài một cách tốt nhất để tạo ra các đột phá như: có môi trường làm việc tốt có thể cung cấp cho người tài giỏi một nơi làm việc an toàn và hỗ trợ để phát triển kỹ năng và kinh nghiệm. Chế độ lương, thưởng tốt là một yếu tố để thu hút và giữ chân người tài giỏi. Phát huy quyền được quyết định và sáng tạo trong công việc, cho phép người tài sử dụng tối đa các kỹ năng và kinh nghiệm. Điều kiện làm việc tốt giúp một người tài giỏi cảm thấy thoải mái, làm việc tốt hơn.

3. Một số yêu cầu và rào cản trong đào tạo, sử dụng và thu hút nhân tài

Thứ nhất, cần thể chế hóa các quy định mang tính pháp lý về đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, đây là điều bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học. Khi đã có thể chế rồi cần cụ thể hóa hơn nữa các điều khoản, các qui định để thực hiện một cách bài bản các chính sách trên. Cần có sự thống nhất và đồng bộ về mặt thể chế đối với nhân tài, từ trung ương đến các bộ, ban, ngành.

Thứ hai, cần minh bạch hóa, công khai hóa khâu tuyển dụng nhân tài, tránh rơi vào chủ nghĩa hình thức khi tuyển dụng người tài vào các cơ sở giáo dục đại học. Nhân tài trong lĩnh vực giáo dục đại học thường lấy thước đo là các công trình nghiên cứu chuyên sâu, chuyên ngành có ảnh hưởng trong giới nghiên cứu trong nước và quốc tế. Khi đã được cộng đồng khoa học và xã hội thừa nhận, ghi nhận, người đó chắc chắn là người tài.

Thứ ba, khâu sử dụng người tài là rất quan trọng, “dụng nhân như dụng mộc” nên công tác bố trí, phân công nhiệm vụ phải đúng người, người đúng việc. Đặt người tài vào các vị trí làm việc sao cho nhân tài có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tinh thần khoa học của họ. Đặc biệt là giới trí thức tinh hoa khi đảm nhận được các vị trí cần cống hiến họ sẽ tận hiến, chứ chưa hẳn đã đòi hỏi các quyền lợi. Thực tế cho thấy trong nhiều cơ quan khoa học hoặc cơ sở giáo dục đại học, việc thăng cấp những cá nhân có kỹ năng chuyên môn vượt trội lên các vị trí lãnh đạo và quản lý được xem như một chính sách đãi ngộ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, vì nhiều người có kỹ năng, chuyên môn xuất sắc chưa chắc đã có khả năng quản lý tốt. Thậm chí, một số không quan tâm đến việc tham gia vào các hoạt động quản lý hành chính, mà lại mong muốn một hệ thống phúc lợi phù hợp với chuyên môn của họ, để họ yên tâm tận hiến hết khả năng của mình trong hệ thống chuyên môn, những yếu tố đó còn tạo ra các xung lực có giá trị hơn.

Thứ tư, một rào cản lớn trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài trong ngành giáo dục ở Việt Nam là về vấn đề tiền lương, đãi ngộ. Nhiều giảng viên và cán bộ quản lý trong ngành giáo dục phải đối mặt với tình trạng lương thấp so với chi phí sinh hoạt, không đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Mức lương trung bình của một viên chức mới tốt nghiệp đại học quá thấp đang tạo ra một thực tế khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của họ, đặc biệt là đối với những viên chức sinh sống tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tiền lương của những nhân tài trẻ, có khả năng và năng lực ở các lĩnh vực giáo dục và y tế thường được quy định theo hệ thống thang, bảng lương chung đối với công chức, viên chức. Tuy nhiên, các thang bảng lương này thường được thiết kế dựa trên các yếu tố như kinh nghiệm làm việc và thời gian hoạt động trong ngành, thay vì dựa vào chất lượng công việc thực tế của các nhân tài.

Tình trạng lương thấp và chính sách đãi ngộ không bảo đảm và không phản ánh đúng giá trị của sức lao động, gây ra hiện tượng nhiều nhân tài, đặc biệt là những người trẻ, muốn rời bỏ lĩnh vực công để tìm kiếm cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp. Hậu quả của việc này không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân tài trong các ngành giáo dục và y tế, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và sản phẩm của chúng.

Thứ năm, môi trường làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng trong quá trình thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài. Các điều kiện làm việc không chỉ ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên mà còn ảnh hưởng đến khả năng của họ trong việc thực hiện nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng kiến thức của họ. Môi trường làm việc không đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu và sáng tạo sẽ gây khó khăn trong việc thu hút nhân tài. Đặc biệt, các điều kiện về thời gian và không gian làm việc cần được tối ưu hóa để tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo.

Ngoài ra, môi trường làm việc không tốt có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, bao gồm sự giảm chất lượng và hiệu quả làm việc, mất đoàn kết và sự chuyển biến của nhân viên có trình độ và năng lực cao. Do đó, để thu hút và giữ chân nhân tài, các cơ sở giáo dục đại học cần đầu tư vào cải thiện môi trường làm việc, bao gồm điều kiện vật chất, trang thiết bị, chế độ đào tạo và bồi dưỡng năng động và hiện đại.

4. Một số giải pháp

Thứ nhất, thể chế hóa các quy định về đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện các chính sách. Xây dựng, ban hành các quy định, quy chế, quy trình về đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài phù hợp với thực tiễn, bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu quả. Các quy định này cần được ban hành với sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo và các cơ quan, tổ chức liên quan. Tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có thành tích, năng lực tiêu biểu, có ý tưởng và đổi mới sáng tạo được phát triển, thăng tiến. Từ đó, tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, có tư duy sáng tạo và năng động, có khả năng thích ứng với các nhu cầu của xã hội và thị trường.

Cử các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo có uy tín tham gia các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, giảng dạy, hướng dẫn, cố vấn để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong giáo dục. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đồng bộ để phục vụ công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục. Hệ thống này cần phải bảo đảm độ chính xác, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các cơ sở giáo dục đại học, các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác đào tạo và sử dụng nhân tài. Xây dựng trung tâm đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài chuyên trách, có năng lực, có kinh nghiệm trong việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục. Trung tâm này cần phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ trong công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực giáo dục. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà giáo có thể tham gia các hoạt động.

Thứ hai, bảo đảm minh bạch và công khai trong công tác tuyển dụng nhân tài vào các cơ sở giáo dục đại học: Tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo được tham gia vào các hội đồng tuyển dụng, xét tuyển, đánh giá, giới thiệu nhân tài vào các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, cần bảo đảm tính minh bạch, tiêu chí, tiêu chuẩn trong quá trình tuyển dụng, đánh giá. Sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình tuyển dụng, đánh giá, giới thiệu nhân tài. Các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp cho các nhà giáo, chuyên gia đánh giá chính xác, công bằng các đối tượng trong quá trình tuyển dụng, đánh giá nhân tài. Cấp giấy chứng nhận, chứng thực cho các đối tượng đã được cộng đồng khoa học và xã hội thừa nhận. Ghi nhận này sẽ là bằng chứng quan trọng trong quá trình tuyển dụng, đánh giá nhân tài vào các cơ sở giáo dục đại học.

Xây dựng hệ thống đánh giá, xét tuyển nhân tài vào các cơ sở giáo dục đại học theo tiêu chí, tiêu chuẩn có sự đồng thuận của các chuyên gia, nhà giáo trong ngành và cộng đồng khoa học quốc tế. Tăng cường công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng nhân tài, bằng cách đăng các thông tin tuyển dụng nhân tài trên các trang web của các cơ sở giáo dục đại học, các phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai này sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng có thể nộp đơn, ứng tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học. Công tác tuyển dụng nhân tài vào các cơ sở giáo dục đại học cần phải bảo đảm công bằng, minh bạch, công khai, dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, có sự chấp nhận của cộng đồng khoa học và xã hội.

Thứ ba, công việc trong một cơ quan, cơ sở giáo dục đại học lớn rất nhiều, đòi hỏi người làm việc có chuyên môn cao phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm khác nhau. Tuy nhiên, việc bố trí, phân công nhiệm vụ cho nhân tài phải được thực hiện khoa học, bảo đảm người tài được phát huy tối đa tiềm năng của mình trong lĩnh vực chuyên môn đã được đào tạo. Để giải quyết vấn đề này, có một số giải pháp sau:

Rút ngắn chu trình sử dụng nhân tài. Trong quá trình sử dụng nhân tài, cần ưu tiên việc chọn các cá nhân có chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, có khả năng thích ứng, học hỏi nhanh với công việc phải thực hiện. Đưa người tài vào các vị trí có yêu cầu đòi hỏi khả năng sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.

Đưa các cá nhân có chuyên môn cao vào các vị trí lãnh đạo và quản lý. Một số cá nhân có chuyên môn cao, thường có sức tác động lớn đến công việc chuyên môn trong các cơ quan, cơ sở giáo dục đại học. Các nhân tài này này được xem là tiềm năng để đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và quản lý. Tuy nhiên, cần quan tâm đến khả năng quản lý của các cá nhân này, để họ có thể bảo đảm vai trò lãnh đạo và quản lý của mình, giúp cho việc sử dụng nhân tài có hiệu quả.

Đưa các cá nhân có chuyên môn cao vào các vị trí có yêu cầu cao và phức tạp, giúp cho việc thực hiện công việc chuyên môn có hiệu quả, giúp cho việc sử dụng nhân tài có hiệu quả. Cung cấp hệ thống phúc lợi phù hợp với chuyên môn của họ có thể giúp cho họ an tâm tận hiến cho công việc chuyên môn của mình trong tổ chức, giúp cho việc sử dụng nhân tài có hiệu quả.

Thứ tư, tăng lương cơ bản cho giảng viên và cán bộ quản lý trong ngành giáo dục. Điều này sẽ giúp cho nhân tài cống hiến cho việc giảng dạy, nghiên cứu, hoàn thành các mục tiêu giáo dục và góp phần tạo ra các thế hệ học sinh, sinh viên giỏi. Tăng tiền thưởng cho nhân tài trong ngành giáo dục để khích lệ nhân tài hoàn thành các mục tiêu giáo dục. Việc này sẽ giúp cho nhân tài có động lực để nỗ lực hoàn thành các mục tiêu giáo dục.

Cung cấp các khoản phúc lợi thiết thực cho nhân tài trong ngành giáo dục: Điều này sẽ giúp cho nhân tài yên tâm cống hiến cho việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Cung cấp các khoản phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ giáo viên và nhân viên trong việc phát triển năng lực của họ.

Thứ năm, tạo ra một môi trường làm việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo: Có thể là các hình thức tài trợ cho các nghiên cứu và sáng tạo, tạo ra các chương trình đào tạo và phát triển tài năng, bảo đảm các điều kiện làm việc hỗ trợ sự phát triển chuyên môn của nhân tài.

Cung cấp thêm các hỗ trợ cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo: Người sử dụng lao động có thể cung cấp các thiết bị, vật liệu và nguồn lực tài chính để các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo được thực hiện một cách tích cực, giúp cho quá trình nghiên cứu và sáng tạo được đẩy nhanh.

Tạo ra không gian riêng cho các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo: Khi tạo các không gian riêng cho các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, giúp cho nhân tài có thể tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo một cách hiệu quả, quá trình nghiên cứu và sáng tạo sẽ được đẩy nhanh.

Cung cấp sự hỗ trợ từ cộng đồng chuyên môn: Sức mạnh của cộng đồng chuyên môn là một nguồn lực quan trọng và cần được ưu tiên. Người sử dụng lao động có thể tạo ra các mạng lưới và cộng đồng chuyên gia để cung cấp sự hỗ trợ và tư vấn cho các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, giúp cho quá trình nghiên cứu và sáng tạo nhanh hơn và chất lượng hơn.

GS, TS HOÀNG ANH TUẤN
ThS ĐOÀN VIỆT HẢI
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

_________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 296.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 242.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 161.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 110.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hà Cường: Ngân sách chi cho giáo dục đại học chỉ chiếm 0,27% GDP, nâng chất lượng thế nào, https://vtc.vn/.
  2. Nguyễn Thị Hương: Thực trạng và giải pháp chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công, https://tapchicongthuong.vn/
  3. Bùi Minh: Thu hút và trọng dụng nhân tài, quan trọng nhất là chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn và môi trường làm việc chuyên nghiệp, Tạp chí Hội nhập, số 318, tháng 10 -2023.
  4. Nguyễn Thanh Nga, Lê Quang Thuận: Phát triển các tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công, https://vjst.vn/vn/.
  5. Nguyễn Thị Cẩm Ngọc: Đào tạo và sử dụng đội ngũ tri thức tinh hoa Việt Nam trong thời kì đổi mới: Những thành tựu và vấn đề đặt ra, https://www.tapchicongsan.org.
  6. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-11-2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về tiếp tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
  7. Dương Tâm: Những đề án ngàn tỷ, https://vnexpress.net/.
  8. Anh Tú: Thu hút, trọng dụng nhân tài: Tín hiệu tích cực của giáo dục Đại học, https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/.
...