25/11/2024 lúc 18:46 (GMT+7)
Breaking News

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Mười năm – Một chặng đường bảo tồn và lan tỏa giá trị Di sản

Xứ Nghệ từ lâu đã trở thành vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó, Dân ca ví, giặm là tiếng lòng, là hơi thở tâm hồn của người Nghệ Tĩnh, sinh ra từ cuộc sống lao động, sinh hoạt đời thường. Những câu hò, điệu ví gắn liền với mảnh đất và con người nơi đây, nuôi dưỡng cốt cách và tâm hồn mỗi thế hệ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho 5 tập thể, 5 cá nhân xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm trong giai đoạn 2014-2024.

Tự hào Di sản văn hóa quê hương xứ Nghệ

Ví, giặm Nghệ - Tĩnh đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014. Những ca từ, giai điệu mộc mạc, dân dã được thể hiện trong ngữ âm, xứ Nghệ đã làm nên chất riêng của dân ca ví, giặm thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, con người và tình yêu đôi lứa, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã.

Ra đời cách đây hàng trăm năm, Ví, giặm trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến ở xứ Nghệ từ TK XVIII. Lịch sử tồn tại và phát triển hơn hai thế kỷ là khoảng thời gian chưa quá dài, song cũng đủ để định hình, thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người. Bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động, nên từng làn điệu, câu hát trong ví, giặm đều tương ứng với mỗi ngành nghề. Đây là hai lối hát dân ca không nhạc đệm, được cộng đồng xứ Nghệ sáng tạo ra, ca từ có nội dung đa dạng, phản ánh mọi mặt của cuộc sống.

Ví, giặm có đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát; được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối, hát cuộc. Mỗi cuộc hát thường có ba chặng: hát dạo, hát đối và hát xe kết, nổi bật nhất là hát giao duyên. Ca từ bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể (hát ví), 5 chữ (hát giặm), cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát. Hát ví có âm điệu tự do phụ thuộc vào lời ca, bối cảnh và tâm tính của người hát, âm vực không quá một quãng 8; Hát giặm có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, nhịp 3/4 và 6/8. Hai lối hát này luôn xen kẽ cùng nhau. Đây cũng là những nét riêng có của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Chính sắc thái riêng biệt trong phát âm, tạo nên đặc trưng giọng Nghệ, tiếng Nghệ đã là một yếu tố tạo nên nét đặc trưng vùng miền trong ví, giặm, làm cho dân ca vùng này không trộn lẫn với các vùng khác. Đối với người Nghệ - Tĩnh, âm thanh, giọng nói ấy đã thấm sâu vào máu thịt, cho nên, nghe dân ca ví, giặm là nghe thấy sự gần gũi, tha thiết, thân thương như tiếng lòng mình.

Trải dài, phủ rộng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, từ miền núi đến đồng bằng ven biển và hai bên bờ sông Lam, dân ca ví, giặm thực sự là đặc sản văn hóa riêng có của vùng đất này. Vì thế, ra khỏi vùng đất xứ Nghệ, chia tách khỏi người xứ Nghệ, ví, giặm khó tồn tại, phát triển. Đây là một nét rất riêng, cho thấy bên cạnh khung cảnh thiên nhiên, tâm hồn điệu sống, sinh hoạt văn hóa của cư dân xứ Nghệ có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển của loại hình này.

Ở một góc nhìn khác, khi nói về giá trị, hát ví, giặm trở thành phương tiện nghệ thuật phổ biến để người dân giãi bày tâm tư, tình cảm; để trai gái thể hiện tình yêu đôi lứa; cộng đồng thể hiện sự gần gũi, gắn kết; con người thể hiện tình yêu quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm còn thể hiện tính địa phương cao độ, cho phép biểu đạt tối đa về tư tưởng, tình cảm của người hát bằng ngôn ngữ địa phương mà chưa có loại dân ca nào ở Việt Nam lại mang đậm chất phương ngữ, thổ ngữ như vậy. Và, dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể có nội dung và giá trị nhân văn sâu sắc.

Các bài dân ca ví, giặm đều góp phần giáo huấn con người trên mọi phương diện đạo đức, luân lý, lối sống, đề cao lòng hiếu thảo, kính trọng cha mẹ, ca ngợi tình yêu chung thủy, cuộc sống nghĩa tình, tấm lòng trung thực, cao thượng, nhân ái… Do vậy, nó là một công cụ hữu hiệu góp phần giữ gìn, trao truyền những thuần phong mỹ tục, lối ứng xử tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống…

Trải qua năm tháng, thời gian, dân ca ví, giặm đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và bảo tồn các giá trị văn hóa làng quê xứ Nghệ. Qua đó, nhiều giá trị tinh thần được lưu giữ và phát triển đến ngày nay.

Chương trình nghệ thuật là sự kết tinh trí tuệ, tâm hồn, khí chất con người Nghệ Tĩnh qua di sản văn hóa Dân ca Ví, Giặm, làm nền tảng, chất liệu cho việc tạo dựng những giá trị văn hóa hiện đại.

Chương trình kỷ niệm – Một Lễ hội nghệ thuật thấm đẫm giá trị của di sản

Tối 23/11/2024, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong chặng đường 10 năm qua, dân ca Ví, Giặm đã chứng minh sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ qua các hoạt động truyền dạy, trao truyền di sản trong cộng đồng; Mở rộng mạng lưới câu lạc bộ, đưa Ví, Giặm đến với cả nước và quốc tế; Thể hiện được cam kết trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chương trình kỷ niệm 10 năm là dịp để tôn vinh những giá trị trường tồn của ví, giặm; đồng thời tri ân những người đã cống hiến hết mình cho sự phát triển của di sản này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm

Trình bày Diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đã khẳng định, Dân ca ví, giặm không chỉ là di sản của riêng vùng đất Nghệ Tĩnh mà là tài sản quý giá của toàn dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, thể hiện tính cách, tâm hồn và sự kiên cường của con người nơi đây. Đây là niềm tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn của đất nước, đặc biệt khi ví, giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Để Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thực sự lan tỏa và trường tồn, tỉnh Nghệ An chủ động, tích cực, phối hợp tốt hơn nữa với tỉnh Hà Tĩnh và các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan hữu quan, các cộng đồng và nhân dân cả nước thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu tại Lễ Kỷ niệm

Cũng với tâm niệm ấy, khi phát biểu tại buổi lễ, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL khẳng định: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là mảng màu đặc sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam, vừa là tài sản tinh thần của người dân xứ Nghệ vừa là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam. Di sản này đã vượt khỏi phạm vi vùng miền, trở thành niềm tự hào chung của quốc gia khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cũng nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và toàn xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện Công ước 2003 của UNESCO…

Sau buổi lễ là chương trình nghệ thuật đặc biệt, cũng là điểm nhấn của sự kiện mang tên "Ví, Giặm hồn quê tỏa sáng", được chia làm ba chương: "Hồn quê"; "Ví, Giặm nuôi lớn những anh tài" và "Hội tụ và tỏa sáng".

Chương trình Lễ kỷ niệm không chỉ là một lễ hội nghệ thuật mà còn là lời khẳng định giá trị của di sản trong đời sống đương đại. Hồn quê Ví, Giặm sẽ mãi chảy trôi, hòa nhịp cùng sự phát triển của đất nước, để không chỉ người dân xứ Nghệ mà cả nhân loại cùng thưởng thức và trân quý./.

Nguyệt Hằng