26/11/2024 lúc 19:26 (GMT+7)
Breaking News

Đảm bảo phản ánh kiến nghị về các chính sách pháp luật được thực hiện hiệu quả

VNHNO – Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc xử lý sau kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân được kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại...

VNHNO – Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc xử lý sau kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về trách nhiệm xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân được kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại...

Ngày 5/10, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức Tọa đàm: Thực trạng thi hành và kiến nghị nội dung sửa đổi Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Đánh giá 5 năm thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy cho rằng, công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật dần dần đi vào nền nếp, thì thực tiễn cũng cho thấy văn bản này cũng đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Trong đó, quy định nhiều chủ thể có quyền, trách nhiệm trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; quy định về phạm vi nội dung theo dõi thi hành pháp luật hiện nay quá rộng, không rõ ràng nên dẫn đến khó khăn, lúng túng cho các chủ thể thực hiện.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: TH.

Mặt khác, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng, cụ thể và thống nhất về trình tự, thủ tục theo dõi thi hành pháp luật nên có sự lúng túng trong việc tổ chức thực hiện công tác này ở các bộ, ngành, địa phương; chưa có quy định về cách thức tổ chức công tác phối hợp; khó khăn trong việc bố trí kinh phí triển khai hoạt động theo dõi thi hành pháp luật…

Từ thực tế công tác, bà Ngô Thị Tuyết (Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ ra nội dung theo dõi thi hành pháp luật còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm của từng năm; còn lúng túng về phương pháp triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất, cân nhắc thu hẹp nội dung theo dõi thi hành pháp luật, chỉ yêu cầu các nội dung có khả năng thực hiện được như: Tình hình ban hành văn bản chi tiết, các hành vi vi phạm chủ yếu của các đối tượng chịu sự tác động; sửa đổi thời hạn báo cáo về theo dõi thi hành pháp luật cho tương đồng với thời gian báo cáo của các hoạt động khác về công tác pháp chế.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cũng cho rằng, nội dung theo dõi chưa được quy định cụ thể, còn định tính, thiếu tiêu chí cụ thể để đảm bảo việc đánh giá chính xác thực trạng thi hành pháp luật, dẫn đến khi thực hiện việc thu thập thông tin liên quan đến công tác này để đánh giá gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, kết quả theo dõi, đánh giá về tình hình thi hành pháp luật chưa được xử lý kịp thời; các kiến nghị chỉ được tiếp thu trong quá trình tổng kết, sửa đổi xây dựng luật, nên hiệu quả công tác này còn hạn chế. Do vậy, vấn đề chính sách được xây dựng trong Nghị định cần được làm rõ hơn nhóm vấn đề cần giải quyết; đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan trong các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật; đảm bảo cơ chế phản biện, tiếp nhận phản ánh kiến nghị về các quy định pháp luật, thủ tục hành chính, chính sách pháp luật … được thực hiện có hiệu quả, tác động tích cực đời sống.

Theo đại diện Bộ Công an, khi phát hiện được những khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật, thì cơ quan theo dõi thi hành pháp luật cũng chỉ dừng lại ở việc kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật và kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác này. Việc xem xét, giải quyết các kiến nghị phải qua nhiều tầng nhiều nấc, nhiều cơ quan, cá nhân, vì vậy, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật không có tác dụng kịp thời đối với các vấn đề bức xúc mà thực tiễn đặt ra.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc xử lý sau kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Nghị định sửa đổi cần bổ sung quy định về trách nhiệm xử lý của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra và trách nhiệm của cơ quan, cá nhân được kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại và xử lý hành vi được phát hiện trong quá trình kiểm tra…/.

Thu Hằng/ĐCS