23/01/2025 lúc 06:21 (GMT+7)
Breaking News

Đảm bảo an toàn trường học tại Tp Thanh Hoá, bài toán cần phải giải đáp ngay.

VNHN - Sau sự việc đối tượng Đỗ Mãnh Chiếu Minh, đột nhập vào Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, dùng dao đâm 6 người thương vong . Vấn đề đảm bảo an ninh trong các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói chung và địa bàn Tp. Thanh Hoá nói riêng, đã trở thành chủ đề nóng hơn bao giờ hết và thu hút không ít sự quan tâm từ phía dư luận.

VNHN - Sau sự việc đối tượng Đỗ Mãnh Chiếu Minh, đột nhập vào Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh,  dùng dao đâm 6 người thương vong . Vấn đề đảm bảo an ninh trong các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói chung và địa bàn Tp. Thanh Hoá nói riêng, đã trở thành chủ đề nóng  hơn bao giờ hết và thu hút không ít  sự quan tâm từ phía dư luận.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: Liệu chúng ta đã thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này hay chưa? Đâu là nguyên nhân khiến các nhà trường  hiện nay không tuyển được lực lượng bảo vệ trẻ, khoẻ và nhiệt huyết? và liệu có giải pháp nào để khắc phục tình trạng nói trên? để làm sáng tỏ việc này, Pv đã có những tìm hiểu, trao đổi, làm việc với lãnh đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn Tp. Thanh Hoá.


Đối tượng Đỗ Mãnh Chiểu Minh và hung khí gây ra vụ án mạng tại trường TH Đồng Lương

Hiện nay trên địa bàn Tp. Thanh Hoá có 147 trường học, thuộc sự quản lý của phòng GD & ĐT, trong đó tập trung nhiều ở khối Mầm non, Tiểu học và THCS. Nói về thể lực, các em học sinh rất khó để chống chọi trước các tình huống  xấu xảy ra, hay nói cách khác, khả năng tự vệ của các em, gần như không có. Người đứng ra bảo vệ các em trước những tình huống này, chỉ trông chờ vào các thầy, cô giáo, đặc biệt là lực lượng bảo vệ nhà trường. Tuy nhiên theo tìm hiểu, gần hết lực lượng bảo vệ hiện nay đã hết tuổi lao động, già yếu, mắt đã mờ, chân đã chậm và không có nghiệp vụ về bảo vệ. 
Trước câu hỏi của Pv về việc liệu lực lượng bảo vệ như vậy, có đảm bảo sức khoẻ để can thiệp trước các tình huống tương tự như vừa xảy ra tại Trường Tiểu học Đồng Lương, Lang Chánh hay không? ông Tạ Hồng Lựu - Trưởng phòng giáo dục đào tạo nhận định: Đa số lực lượng bảo vệ hiện nay, trước khi làm bảo vệ nhà trường, họ đã nghỉ hưu và  chỉ làm nhiệm vụ trông coi, mở cổng trường là chính. Ông cũng cho biết: Thực trạng đáng lo ngại như vậy, nhưng không có cách nào khác, bởi bảo vệ không nằm trong quân số biên chế của nhà trường, nên những người còn trẻ, còn khoẻ, họ không mặn mà với công việc này. Hơn nữa chế độ tiền công, tiền lương chi trả cho họ là rất thấp, đây là hai nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn trong  việc tuyển dụng.


Hầu hết bảo vệ các trường học trên địa bàn Tp đã cao tuổi

Đem những bất cập về chế độ đãi ngộ hiện nay đối với lực lượng bảo vệ trường học trao đổi với ông Lê Mai Khanh, Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch TP, ông Khanh cho biết: Hiện đang có hai nguồn tiền để chi trả cho lực lượng này, một là từ nguồn thu học phí của các nhà trường, hai là đối với những trường thuộc diện chưa phải thu học phí theo quy định, Tp sẽ hỗ trợ bằng hai suất lương cơ bản.
Như vậy có thể khẳng định: Việc không được biên chế và chế độ đãi ngộ thấp là hai nguyên nhân sâu xa, dẫn tới việc các nhà trường không tuyển được lực lượng bảo vệ trẻ, khoẻ, nhiệt tình, có đủ năng lực để bảo vệ cơ sở vật chất cũng như tính mạng cho các em học sinh và thầy, cô giáo. 
Lời giải không khó.
Có một thực tế là, trên địa bàn Tp. Thanh Hoá hiện nay, các doanh nghiệp họ lại đang sử dụng lực lượng bảo vệ đa số là  trẻ, khoẻ. Lực lượng này chủ yếu được thuê từ các công ty dịch vụ bảo vệ, vệ sỹ, họ cũng thường xuyên được huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ và cũng hoàn toàn không được biên chế. Lý do khiến những đơn vị này làm được như vậy là bởi vì họ trả lương cao và có chế độ đãi ngộ khác phù hợp với người lao động. Đến đây ta có thể khẳng định thêm một điều rằng, việc biên chế hay không được biên chế vào quân số của nhà trường, chưa phải là yếu tố quyết định, để giải đáp bài toán về lực lượng bảo vệ già, yếu hiện nay trong các trường học trên địa bàn. 
Vậy nếu là vấn đề kinh tế, thì lời giải cho bài toán này đâu có khó? Hiện nay hàng năm, nhà trường vẫn tiến hành các hoạt động xã hội hoá như: Mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất khác…thì tại sao không tiến hành xã hội hoá về việc đảm bảo  an ninh, trật tự? đây là việc làm liên quan tới tính mạng của con em, chắc chắn các bậc phụ huynh không ai lại không ủng hộ. Lấy một phép tính đơn giản: Một trường học có 600 em học sinh, xã hội hoá mỗi em 10.000đ/tháng. Như vậy nhà trường đã có thêm 6.000.000đ/tháng, số tiền này, cộng với khoản tiền đang chi trả lâu nay cho hai bảo vệ, chắc chắn rằng hoàn toàn có thể đủ sức thu hút những bảo vệ trẻ, khoẻ, nhiệt tình và gắn bó lâu dài với công việc.
Ngoài việc xã hội hoá, các ngành, các cấp liên quan cũng nên có những hộ trợ thêm về mặt ngân sách cho các nhà trường. Dẫu biết rằng tỉnh và Tp đang có rất nhiều việc cần phải làm, phải quan tâm, tuy nhiên tính mạng con người nói chung và tính mạng con em nói riêng phải luôn luôn  là sự quan tâm số một. Mặt khác, để đảm bảo tốt hơn về an ninh trật tự, an toàn trường học, các trường cũng nên trang bị thêm hệ thống camera giám sát, xây thêm hệ thống tường bao và cổng trường kiên cố.
Sinh thời Bác Hồ kính yêu đã từng nói:

Trẻ em như búp trên cành  
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan. 

Trẻ em ngoan nhưng nếu môi trường giáo dục không an toàn, luôn bị đe doạ đến tính mạng, thì cũng sẽ trở nên không có ý nghĩa. Rất mong tỉnh Thanh Hoá nói chung và Tp. Thanh Hoá nói riêng, tiếp tục có những cơ chế phù hợp hơn nữa, nhằm giải quyết tình trạng nói trên.