Ngày 11/12, tại xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã đến dự lễ khởi công Khu nghiên cứu và trình diễn các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đắk Nông.
Dự án Khu nghiên cứu và trình diễn các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Cty TNHH MTV Vạn Thương Đắk Nông có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2022.
Tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 6/2022.
Dự án có 02 hợp phần gồm. Khu nghiên cứu nhân giống, cấy mô thực vật quy mô 5.000m2. Khu bảo tồn, lưu trữ các giống cây thực vật quý hiếm, cây bản địa, cây đầu dòng, trình diễn các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp thông minh có diện tích 6,5ha.
Các loại giống dự kiến sẽ được thực hiện nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống cấy mô, gồm: Nhóm cây ăn quả, cây dược liệu, cây rau màu, cây gia vị, cây hoa lan và cây cảnh quan…Cty TNHH MTV Vạn Thương Đắk Nông đặt mục tiêu sẽ trở thành trung tâm sản xuất, lai tạo và phân phối cây giống, đặc biệt là giống cấy mô cho thị trường Tây Nguyên và các vùng lân cận.
Khu nghiên cứu nhân giống, cấy mô thực vật quy mô 5.000m2.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đề nghị nhà đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ như đã cam kết, tuân thủ đúng quy định về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười mong muốn nhà đầu tư phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, liên kết chặt chẽ với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác triển khai các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển ngành nông nghiệp của địa phương. UBND tỉnh Đắk Nông cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án.
Trong dịp này, UBND tỉnh cũng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Cty cổ phần vật liệu bền vững Việt Nam thuộc tập đoàn Vạn Thương Sài Gòn là chủ đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm tre ép VSM tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.