23/12/2024 lúc 03:09 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Kỳ họp Thứ 5, HĐND tỉnh khóa X thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng

Trong 2 ngày làm việc (Ngày 7 và 8/12), các đại biểu đã tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng, tiến hành thảo luận theo tổ, thảo luận tại Hội trường, dưới sự tập trung cao độ, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao. Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Theo đó, vào ngày 7/12 dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND tỉnh - Huỳnh Thị Chiến Hòa và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Trần Phú Hùng. Các đại biểu đã tiến hành xem xét, đánh giá, thẩm tra các dự thảo Nghị quyết như: Quy định nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2023 - 2025; Danh mục các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng phải thu hồi đất; công trình dự án khác có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng kế hoạch năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025; Bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: CTTĐT.

Các đại biểu cũng xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự tỉnh về kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; các báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2022; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà trình bày tờ trình, dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp - Ảnh: CTTĐT.

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 8/12 các đại biểu đã tiến hành chia 3 tổ thảo luận, tập trung vào các nhóm vấn đề về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; hoạt động của các cơ quan Tư pháp trong năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; công tác giải ngân vốn đầu tư công; thảo luận, góp ý vào nội dung các dự thảo Nghị quyết.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022, đồng thời đề xuất một số ý kiến nhằm triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm 2023 như: cần đề ra các giải pháp để tăng cường công nghiệp, xây dựng nhằm đạt hiệu quả công nghiệp hóa – hiện đại hóa cao; cần triển khai bố trí vốn sớm cho các công trình, dự án trên địa bàn nhằm đảm bảo tiến độ khi triển khai, đồng thời quan tâm hơn nữa đến việc đánh giá tác động về môi trường nhằm đảm bảo sức khỏe, đời sống người dân khi triển khai dự án; cần khẩn trương xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột; đẩy nhanh tiến độ khởi công sửa chữa Tỉnh lộ 9 và Tỉnh lộ 12…

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Hoài Dương phát biểu tại phiên làm việc - Ảnh: CTTĐT.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đa số đại biểu đề nghị cần đề ra nhiều cơ chế, chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo sự liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và nông dân; cần xây dựng cơ chế, chính sách để cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài…

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách, quy hoạch cụ thể, xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, đặc biệt là đối với sầu riêng nhằm tránh tình trạng người dân tập trung trồng sầu riêng mà chặt bỏ (hoặc không đầu tư thêm) các loại cây khác, tạo thành “điệp khúc trồng - chặt” như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh - Nguyễn Tuấn Hà thông tin về những nội dung đại biểu phản ánh - Ảnh: CTTĐT.

Đặc biệt, đại biểu cho rằng, thời gian qua, cà phê luôn được xác định là cây trồng chủ lực và chiến lược của Đắk Lắk, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển KT-XH của địa phương, do đó cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đầu tư trồng, giữ cây cà phê vì hiện nay tình trạng người dân chặt bỏ cây cà phê sang trồng các loại cây ăn trái cho năng suất, thu nhập cao khác đang xảy ra ở nhiều địa phương.

Đại biểu cũng nêu rõ: Có hai xu hướng mà người dân đang chuyển đổi là chuyển đổi theo đúng theo kế hoạch và chuyển đổi theo phong trào, kỳ vọng thay thế một loại cây khác có giá trị cao hơn và hiện nay tốc độ chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng sầu riêng đang diễn ra rất nhanh, điều này cũng dễ gây rủi ro. Đại biểu mong muốn công tác truyền thông cũng như quản lý Nhà nước cần định hướng để đảm bảo cây cà phê vẫn là cây trồng và là sản phẩm chủ lực, bền vững.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, các đại biểu cho rằng công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua còn chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị cần tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong thực hiện các dự án đầu tư công; đồng thời gắn trách nhiệm và tăng cường hơn nữa vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư trong giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm giải quyết việc làm cho các lao động trở về địa phương sau dịch bệnh COVID-19, nhất là các lao động nữ, dân tộc thiểu số; quan tâm bố trí biên chế nhằm đảm bảo số lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị hành chính cấp huyện; quan tâm xây dựng chính sách, chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ ở cấp cơ sở; quan tâm nâng cao thu thập, đời sống cho đội ngũ giáo viên…

Đại biểu Tô Thị Tâm – Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: CTTĐT.

Tiếp tục phiên làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, năm 2022, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, qua đó đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu đề ra. Trong đó có 6 chỉ tiêu nổi bật, vượt kế hoạch gồm: tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước đạt 58.355 tỷ đồng, bằng 103,65% kế hoạch (KH); GRDP đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 56,7 triệu đồng/người (KH: 55 triệu đồng/người); tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 35.738 tỷ đồng, bằng 109% KH; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.500 triệu USD, bằng 125% KH; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 93.000 tỷ đồng, bằng 102,76% KH; tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.152 tỷ đồng, tăng 11,53% so với năm 2021.

Các hoạt động văn hóa, thể thao, giải quyết việc làm và an sinh xã hội, giảm nghèo tiếp tục được quan tâm thực hiện, cơ bản ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng cường, giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn KH đề ra; giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao làm ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất và thu nhập của người dân, doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; các vụ vi phạm pháp luật, trật tự an toàn xã hội tại một số thời điểm còn xảy ra trên một số địa bàn...

Về lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cũng nhất trí với đề xuất của đại biểu rằng cần quy hoạch, xây dựng và cấp mã vùng trồng sầu riêng, đồng thời quản lý, giám sát chặt chẽ, để không xảy ra tình trạng gian lận mã số vùng trồng, góp phần tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Đại biểu tham gia biểu quyết thông qua các Nghị quyết - Ảnh: CTTĐT.

Cuối cùng, sau 2 ngày làm việc kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Khóa X đã tiến hành xem xét, thảo luận và thống nhất biểu quyết thông qua 23 nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2023 với các chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh 2010) phấn đấu đạt 62.900 - 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,8-8% so với ước thực hiện năm 2022; GRDP đầu người (theo giá hiện hành) đạt 62,3 triệu đồng/người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.200 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1.600 triệu USD, tăng 6,67% so với ước thực hiện năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 95.300 tỷ đồng, tăng 2,5% so với ước thực hiện năm 2022; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 10,36% so với ước thực hiện năm 2022...

Kỳ họp cũng thông qua các nghị quyết như: Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Dự toán và phân bổ dự toán ngân sách năm 2023; Điều chỉnh, bổ sung quyết định chủ trương đầu tư dự án Định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc; Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; Danh mục các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải thu hồi đất; công trình dự án khác có sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng kế hoạch năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quy định mức vốn đối ứng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Giao dự toán thu, chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2022 cho các đơn vị…

Chủ tịch HĐND tỉnh - Huỳnh Thị Chiến Hòa phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: CTTĐT.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Chiến Hòa nhấn mạnh: Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ thời gian tới, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm 2023 nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp và tập trung nguồn lực để thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh trên các lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tăng cường quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; nâng cao chất lượng cải cách hành chính; đôn đốc, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh việc thi hành án hành chính; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…

Đối với HĐND tỉnh, trong năm 2023 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát chuyên đề; tăng cường các hoạt động giám sát đối với việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, các quy định pháp luật và giải quyết các vấn đề bức xúc nổi cộm được dư luận, cử tri và người dân quan tâm; triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các ngành, các cấp triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước; động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó, tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

Võ Hà - Mai Trinh