Tham dự có: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Y Giang Gry Niê Knơng; Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Hoài Dương; đại diện của một số bộ, ngành Trung ương, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; ngoài ra còn có sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân trên địa bàn huyện Krông Pắc; bên cạnh là sự góp mặt của đại diện Cơ quan Thông tấn Báo chí đóng chân trên địa bàn tỉnh cũng tới tham dự và đưa tin.
Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắc – năm 2022 nhằm giới thiệu tiềm năng lợi thế của địa phương về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, cung cấp danh mục các dự án trọng điểm tới các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, các chuyên gia về nông nghiệp, xuất khẩu nông sản sẽ trao đổi với hội nghị những vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững, với mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, ông Đinh Xuân Diệu cho biết: Huyện Krông Pắc có gần 29.000ha cây trồng lâu năm, gần 35.000ha cây trồng hàng năm. Trong đó, một số cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, chuối, tiêu… được trồng đại trà và xen canh trong diện tích cà phê. Từ 800ha ban đầu, nay diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện đã lên gần 4.000ha, với sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm. Xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp vừa là trung tâm, động lực phát triển trên các lĩnh vực. Thời gian qua, huyện đã trân trọng mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, khảo sát và đầu tư hiệu quả, trong đó có 70 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn huyện.
Với mục tiêu phát triển, huyện luôn chào đón và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư, thu mua, xuất khẩu nông sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà huyện có lợi thế cạnh tranh như: Đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích đất quy hoạch mỗi xã 30ha trở lên; đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân Tiến gần nút giao với cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột với tổng diện tích 320ha; thu hút đầu tư các dự án nhà máy thu mua, sơ chế, đóng gói xuất khẩu nông sản có công suất từ 5.000 - 10.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy sản xuất bao bì túi xách, trung tâm thương mại huyện; đầu tư các dự án nhà ở đô thị; tạo điều kiện phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu du lịch tâm linh Thiền Viện Trúc lâm Từ Giác, khu di tích lịch sử đồn điền CaDa…
Huyện Krông Pắc chào đón và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, thu mua, xuất khẩu nông sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà huyện có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng khác biệt, Ông Đinh Xuân Diệu nhấn mạnh.
Ngay tại hội nghị GS.TS. Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia sinh học chia sẻ: rất vui mừng khi được tham gia Lễ hội Sầu Riêng Krông Pắc. GS.TS. Nguyễn Lân Hùng cho biết trái sầu riêng có tiềm năng rất lớn, việc tỉnh Đắk Lắk chọn Krông Pắc là điểm đột phá để phát triểu sầu riêng là rất đúng đắn. Bên cạnh đó chính quyền, doanh nghiệp, nông dân phải có tiếng nói chung, phải đảm bảo chất lượng sầu riêng, cùng với đó xây dựng quy trình chăm sóc, canh tác, phát triển nghiên cứu các loại thuốc cho cây sầu riêng sau khi sử dụng không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. GS.TS. Nguyễn Lân Hùng hy vọng trong tương lai gần trái sầu riêng không chỉ xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc mà còn phấn đấu vươn ra các thị trường thế giới khó tính hơn.
Cũng tại hội nghị các chuyên gia đã trả lời những câu hỏi, thắc mắc với doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã về sản xuất, phát triển nông nghiệp cũng như các vấn đề liên quan đến chăm sóc, đảm bảo chất lượng, mã vùng trồng sầu riêng.
Hiện nay trong giai đoạn 2021-2025, huyện Krông Pắc ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây có thế mạnh của huyện như: lúa, cà phê, sầu riêng, dược liệu, phát triển chăn nuôi trang trại gia súc gia cầm... gắn với công nghiệp chế biến.
Ngay trong hội nghị UBND huyện Krông Pắc cũng đã ký và trao biên bản cam kết ghi nhớ cho 24 nhà đầu tư đăng ký dự án trên địa bàn huyện.
Ông Chen Shu Nan - Cty CP Wanbang Việt Nam chia sẻ “Lần này tới Đắk Lắk tham dự lễ hội sầu riêng Krông Pắc, Tôi cảm thấy rất vui, qua 3 - 5 năm đàm phán thương mại và rất nhiều công tác chuẩn bị, Tổng cục Hải Quan và Bộ Nông nghiệp hai nước cuối cùng đã đi đến tiếng nói chung. Vừa qua, tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra công văn số 66 năm 2022, công bố về các tiêu chí yêu cầu trong trồng trọt, gia công chế biến, sản xuất đóng gói riêng cho sầu riêng Việt Nam. Tôi cho rằng đây là thành quả nỗ lực không ngừng trao đổi thương thảo của chính phủ hai nước cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp. Theo những tìm hiểu của tôi, sầu riêng Việt Nam hiện đang chiếm thị phần khá lớn trong thị trường sầu riêng Trung Quốc, bởi vì trước đây đa số sầu riêng Việt Nam đều dán mác Thái Lan để xuất sang Trung Quốc. Thế nên tới đây, sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch, tôi cho rằng đây là xu hướng phát triển rất tốt, góp phần lớn trong việc quảng bá nhãn hiệu và nâng cao giá trị sầu riêng Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc. Đây cũng chính là kế hoạch công việc sắp tới của công ty chúng tôi.”
Hình ảnh ghi nhận bên lề Hội nghị:
Đình Tiến - Mai Trinh