08/09/2024 lúc 12:10 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Hội nghị kết nối giao thương quốc tế 2023

Sáng ngày 11/3 tại khách sạn Mường Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023. Đây là một trong 18 hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Tham dự hội nghị có: Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các vị đại sứ, tổng lãnh sự các nước, tổ chức, hiệp hội quốc tế.

Toàn cảnh hội nghị.

Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành hữu quan; đại diện các nhà nhập khẩu, nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, cung ứng cà phê trong và ngoài nước; bên cạnh đó còn có sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí dự và đưa tin.

Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - Kết nối đam mê và khát vọng phát triển”. Hội nghị nhằm xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh năm 2023 và thời gian tới. Đây cũng là dịp để Đắk Lắk quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cà phê đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP của tỉnh nói riêng và các địa phương nói chung.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 8 năm 2023 phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và toàn cầu hóa hiện nay, diễn biến tình hình thế giới biến chuyển khó lường chúng ta cần có nhưng thay đổi liên tục để thích ứng tình hình đó. Hoạt động kinh doanh, xuất khẩu nông sản hay mặt hàng cà phê nói riêng không chỉ là câu chuyện buôn bán thông thường về giá cả hay hương vị, mà còn thể hiện rằng giá trị cà phê, nông sản Việt đã và đang vươn xa, tiếp cận được đến những miền đất mới.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, tiềm năng và nguồn lực trong xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn. Các ngành chức năng và doanh nghiệp địa phương cần phải đưa ra các giải pháp thích hợp như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cà phê UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các doanh nghiệp thu mua nông sản nói chung và cà phê nói riêng phục vụ nhu cầu sản xuất, chế biến. , Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết thêm.

Hội nghị lần này đã có 10 biên bản ký kết giữa các đơn vị.

Tại hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023, đã có nhiều tham luận của các bên, các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã góp phần đóng góp, xây dựng thị trường cà phê Việt Nam hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu đến các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Ngoài ra cũng cần tập trung về các vấn đề đầu tư góp phần nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, phân phối sản phẩm cũng như áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến hướng tới sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chất lượng cao, giúp tăng thêm giá trị sản phẩm.

Hội nghị còn là cầu nối thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác.

Hội nghị còn là cầu nối thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác, các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng cà phê lớn trên toàn cầu. Từ đó thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung, đẩy mạnh tiêu thụ góp phần hiện thực hóa đưa Buôn Ma Thuột là điểm đến của cà phê thế giới.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp; quảng bá về tiềm năng thế mạnh, cơ hội đầu tư vào sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà phê của tỉnh Đắk Lắk và những địa phương khác.

Hội nghị kết nối giao thương quốc tế 2023 là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê, nông sản có tiềm năng lợi thế của tỉnh Đắk Lắk có cơ hội được gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm tới các đối tác trong nước cũng như quốc tế.

Sau hơn 100 năm du nhập vào Đắk Lắk, với những điều kiện thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, Đắk Lắk là địa phương đặc biệt thích hợp với cây cà phê là cây trồng chủ lực và mang tính đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. Hiện tại, Cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thương hiệu cà phê của tỉnh đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng bạ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột (nay là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột) và được bảo hộ tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Tỉnh Đắk Lắk có thế mạnh đặc biệt về phát triển nông nghiệp với diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha xếp thứ 4 cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 627.000 ha lớn nhất cả nước, quỹ đất đỏ bazan chiếm khoảng 40% diện tích với điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cây cà phê, cây cao su, hồ tiêu, sầu riêng, bơ... Trong đó, diện tích cây cà phê khoảng 210.000 ha, sản lượng bình quân hơn 550.000 tấn, cao nhất cả nước với lượng cà phê xuất khẩu hơn 380.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 800 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.

Đình Tiến - Mai Trinh