19/01/2025 lúc 06:18 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Đầy đủ sắc màu tại Ngày thơ Việt Nam

Vừa qua, sáng ngày 24/2, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 tại Đắk Lắk với chủ đề “Bản hoà âm trên Cao nguyên”.

Tham dự có các đồng chí: Huỳnh Thị Chiến Hoà – Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Chiến Thắng – Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nhà văn Niê Thanh Mai – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Trưởng Ban tổ chức; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột; văn nghệ sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắk Nông; cùng đông đảo văn nghệ sĩ, người yêu văn, thơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng có mặt tham dự.

Đại biểu tham dự.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 với chủ đề “Bản hoà âm đất nước” được diễn ra đồng loạt trong cả nước vào dịp Rằm Tháng Giêng năm Giáp Thìn đã mang đến bản hoà âm thơ ca muôn màu về cuộc sống của con người Việt Nam. Đồng thời Ngày thơ Việt Nam là dịp để giới thiệu, tôn vinh những tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ dân tộc hoặc tác phẩm viết về thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam. Cũng như tôn vinh thơ ca chính là tôn vinh đất nước, tôn vinh con người, tôn vinh văn hóa Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cho biết, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 tại Đắk Lắk với chủ đề “Bản hoà âm trên cao nguyên” với nội dung mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc, góp thêm vào hoạt động văn hóa vốn nhiều chiều sâu mà sôi động của tỉnh nhà, từ đây lan tỏa tình yêu với văn học nghệ thuật đến với nhiều tầng lớp của công chúng. Đặc biệt, năm 2024 là năm tỉnh Đắk Lắk hướng đến chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk, 22/11/1904- 22/11/2024, chắc chắn Ngày thơ Đắk Lắk với chủ đề “Bản hoà âm trên cao nguyên” sẽ mang lại nhiều cảm xúc cho mỗi chúng ta.

Nhà văn Niê Thanh Mai - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát biểu khai mạc.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, hơn 22 năm qua, Ngày thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm theo quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày thơ của đất nước năm nay với chủ đề “Bản hoà âm đất nước”, tại Đắk Lắk ngày thơ được mang tên “Bản hoà âm trên cao nguyên”; đây là một hoạt động ý nghĩa chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2024); triển khai các hoạt động chuẩn bị cho tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (22/111904- 22/11/2024); hướng đến tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 tổ chức với nhiều hình thức phong phú, giàu bản sắc văn hoá của các dân tộc sẽ khởi động cho các hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh nhà, góp phần lan toả vẻ đẹp đời sống và văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu và đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk.

Tại Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk diễn ra nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: Diễn tấu cồng chiêng; triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, trưng bày sách; trưng bày, giới thiệu các tập thơ của tác giả trong và ngoài tỉnh; thư pháp, đan móc nghệ thuật; tò he dân gian; múa lân sư rồng; trích diễn các đoạn tác phẩm văn học của các em học sinh đến từ các trường học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngày thơ còn là cơ hội biểu dương những thành tựu to lớn của quân và dân tỉnh Đắk Lắk nói chung trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Cũng như khắc hoạ hình ảnh đất nước và con người với những thành quả của nhân dân tỉnh Đắk Lắk trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Bên cạnh đó, Ngày thơ còn là sân chơi để giao lưu, tìm hiểu kết nối giữa nhà thơ với người yêu thơ, công chúng yêu văn học nghệ thuật và mong muốn bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu văn học nghệ thuật và tình yêu cuộc sống đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời cũng là ngày hội lan toả vẻ đẹp đời sống và văn hoá của các dân tộc trong và ngoài tỉnh thông qua thơ ca.

Đại biểu tham gia nghi thức thả thơ trong Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk.

Cũng nhân dịp này, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã phát động đợt sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk và trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải đồng hạng tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật Marathon “Mùa xuân trên thành phố Buôn Ma Thuột”; thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Cũng tại buổi lễ, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã trao tặng bộ chiêng cho đội chiêng Mường, xã Hòa Thắng.

Một vài hình ảnh tại Ngày Thơ Việt Nam tại Đắk Lắk:

Đại biểu và các văn nghệ sĩ tham quan các gian hàng trưng bày tác phẩm văn học, thơ, đan móc nghệ thuật.

Ông Huỳnh Chiến Thắng – Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Nhà văn Niê Thanh Mai – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk tham gia nghi thức mời rượu tại lễ khai mạc.

Những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc.

Các em học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng cùng văn nghệ sĩ, khán giả tham gia múa sạp.

Các em học sinh xin chữ ký các nhà văn, nhà thơ yêu thích ngay trong chương trình.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Buôn Ma Thuột, phòng Văn Hoá đã trao tặng bộ chiêng cho đội chiêng Mường, xã Hòa Thắng.

Khán giả, các em nhỏ tham gia trải nghiệm những nhạc cụ dân tộc.

 

Đình Tiến