10/11/2024 lúc 03:48 (GMT+7)
Breaking News

Đắk Lắk: Cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”

Thích ứng với bối cảnh mới, Việt Nam cần thúc đẩy nông nghiệp xanh, là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nông nghiệp xanh bảo đảm phát triển hài hòa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh; Đắk Lắk cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường...Đồng thời, chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”; chuyển từ “phát triển đơn ngành” sang mục tiêu “phát triển tích hợp liên ngành”, từ mục tiêu “đơn giá trị” sang mục tiêu “tích hợp đa giá trị”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Với lợi thế nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đường biên giới 73 km, là điểm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao thương, hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Đắk Lắk là nơi tập trung các cơ quan hành chính cấp vùng.

Theo đó, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn, phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà phục vụ phát triển kinh tế nông thôn; du lịch nông nghiệp, nông thôn.. Đắk Lắk cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý bài bản, khoa học các khâu canh tác, sản xuất, thu hoạch, phân phối. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nông dân, nâng cao dân trí nông dân, hướng đến thái độ sống tích cực, khuyến khích tinh thần tự lực, tự chủ, liên kết và hợp tác.

Năm 2022, nền kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà phục hồi ổn định, đan xen cơ hội và thách thức. Vì vậy tỉnh Đắk Lắk cần tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng đến một nền nông nghiệp tích hợp “đa giá trị”, sớm đưa Đắk Lắk thành tỉnh phát triển trong khu vực Tây Nguyên.

Đắk Lắk khẳng định với chủ trương nhất quán, xuyên suốt, tỉnh sẽ luôn song hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

“Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, du lịch sinh thái, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia”, đây là phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Đắk Lắk khẳng định với chủ trương nhất quán, xuyên suốt, tỉnh sẽ luôn song hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ngày 28/4/2022, Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp này được tỉnh Đắk Lắk tổ chức nhằm “Thu hút đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”. Hội nghị nhằm giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về thực trạng, tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản tỉnh Đắk Lắk; tạo diễn đàn cho các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác phát triển; thu hút đa dạng hóa các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh.

Đắk Lắk đã kêu gọi đến cộng đồng doanh nghiệp Danh mục các dự án, khu vực thu hút đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh này với 109 dự án thuộc các lĩnh vực: trồng trọt; chăn nuôi; thủy sản; lâm nghiệp; nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; chế biến nông, lâm thủy sản; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững…UBND tỉnh cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng; trao 8 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng giá trị cam kết đầu tư là trên 23.000 tỷ đồng.

Theo thống kê, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 xấp xỉ 75 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,64%/năm, cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước; đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm được đẩy mạnh với 72 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao.

UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đắk Lắk đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường. Những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển trên đây đã được tỉnh đang được thể hóa trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và hàng năm, đồng thời, tập trung bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Tỉnh cũng đã và đang xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đắk Lắk khẳng định với chủ trương nhất quán, xuyên suốt, tỉnh sẽ luôn song hành, hỗ trợ, lắng nghe và hợp tác để phục vụ tốt nhất cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững. Tỉnh luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư qua việc thực hiện nhất quán chính sách ưu đãi và hỗ trợ thuế đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, tỉnh luôn thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động, cung cấp đủ lao động có chất lượng, phù hợp với hoạt động đầu tư, đảm bảo an ninh trật tự khi doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Hương