23/01/2025 lúc 02:45 (GMT+7)
Breaking News

Cuba 'rộng cửa' đón vốn đầu tư từ Việt Nam

Mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước cùng sự quan tâm ngày càng tăng của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường Cuba là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước cùng sự quan tâm ngày càng tăng của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường Cuba là cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Ảnh minh họa - Internet

Dư địa lớn cho hợp tác kinh tế, đầu tư

“Từng bước đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương lên ngang tầm mối quan hệ chính trị tốt đẹp” là một trong những nội dung trọng tâm được lãnh đạo Việt Nam - Cuba thảo luận. Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Thanh Tùng đã chia sẻ điều này trước thềm chuyến thăm chính thức Cuba đang diễn ra của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Với mối quan hệ hợp tác đặc biệt, truyền thống lâu đời giữa hai nước và đặc biệt là những thay đổi về chính sách quản lý kinh tế, môi trường đầu tư của Cuba, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến Cuba, cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam - Cuba có nhiều thuận lợi.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện có 4 dự án đầu tư tại Cuba với tổng vốn 44,33 triệu USD, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Tiêu biểu trong đó là việc Công ty TNHH ViMariel (thuộc Tổng công ty Viglacera - CTCP) được thành lập năm 2018 nhằm phát triển Khu công nghiệp ViMariel rộng 256 ha nằm trong Đặc khu Phát triển Mariel (ZEDM).

Được biết, trong hành trình xúc tiến đầu tư vào ZEDM, Cuba đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên, mà Chính phủ Cuba, ngoài mong muốn thu hút vốn từ Việt Nam, còn là tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài.

Số liệu từ Bộ Ngoại giao cho biết, trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2020 đạt 178,5 triệu USD, giảm 21,3% so với năm 2019 do tác động của Covid-19. Trước đó, kim ngạch hai chiều đạt trung bình 170 triệu USD/năm từ năm 2012 đến 2014; năm 2015 đạt 218 triệu USD; năm 2016 và 2017 duy trì mức 230 triệu USD, năm 2018 đạt 335,8 triệu USD. Hai bên phấn đấu đạt 500 triệu USD vào năm 2022.

Do đó, có thể nói, dư địa hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Cuba là rất rộng.

Theo Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung, hai bên có các ngành hàng có thể bổ sung nhau. Cuba có nhu cầu lớn về các mặt hàng công nghiệp, máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng thiết yếu, nông nghiệp phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ logistics, mà đây là các ngành mà Việt Nam có lợi thế. Ở chiều ngược lại, Cuba có nhiều thế mạnh về dược phẩm, đào tạo, y tế, xây dựng… có khả năng hợp tác với Việt Nam.

Cơ chế đã rất thoáng

Trong giai đoạn 2017-2018, các chính sách đầu tư nước ngoài của Cuba còn khá nhiều bất cập, khó khả thi cho nhà đầu tư (chưa cho phép thế chấp tài sản để vay vốn; phải bán sản phẩm qua công ty trung gian của Cuba....).

Tuy nhiên, trong năm 2020, Cuba đã điều chỉnh hàng loạt chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, đã ban hành sắc lệnh về cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai của dự án để huy động vay vốn nước ngoài. Cuba bắt đầu thực hiện hợp nhất đồng tiền từ ngày 1/1/2021; chấp nhận các hình thức đầu tư liên doanh, 100% vốn nước ngoài.

Theo bà Irima Perojo, Tham tán Thương mại và Kinh tế Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam, dòng vốn đầu tư vào Cuba ngày càng gia tăng kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài mới của nước này có hiệu lực. Năm 2020, Cuba thu hút được 503 dự án, trong đó có 44 dự án thuộc ZEDM.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba ký ngày 9/11/2018 và chính thức có hiệu lực từ 1/4/2020 đã đề ra nhiều cam kết ưu đãi thương mại, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa song phương.

Với 14 chương, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba bao gồm các quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật… Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.

Do đó, chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không chỉ là dịp để Việt Nam khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Cuba, làm sâu sắc hơn nữa tinh thần đoàn kết Việt Nam - Cuba trong giai đoạn mới, mà cũng là dịp để hai bên triển khai tích cực các chương trình, dự án hợp tác song phương, sớm đưa hợp tác kinh tế, thương mại phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Chuyến thăm “đa mục tiêu, nhiều ý nghĩa”

Nhận lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cuba từ ngày 18 đến này 20/9/2021. Ngay sau đó, từ ngày 21 đến ngày 24/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.

Chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có mục tiêu bao trùm, đó là triển khai ở cấp cao đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại” được thông qua tại Đại hội Đảng XIII.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, đây là chuyến thăm “đa mục tiêu, với nhiều ý nghĩa hết sức quan trọng”.