28/04/2024 lúc 20:08 (GMT+7)
Breaking News

CỦ CHI vùng đất đan lát LÂU ĐỜI CỦA TP.HCM

VNHN - Nói đến Củ Chi, nhiều người biết đến đây là vùng đất thép trong thời kỳ chiến tranh, với hệ thống địa đạo ngầm trong lòng đất dài 250km. Tuy nhiên, Củ Chi còn nổi tiếng với nghề đan lát lâu đời với các sản phẩm dân dụng như: bồ, nong, nia, thúng, rổ, rá... tiêu thụ tại Sài Gòn và các tỉnh ĐBSCL.

VNHN - Nói đến Củ Chi, nhiều người biết đến đây là vùng đất thép trong thời kỳ chiến tranh, với hệ thống địa đạo ngầm trong lòng đất dài 250km. Tuy nhiên, Củ Chi còn nổi tiếng với nghề đan lát lâu đời với các sản phẩm dân dụng như: bồ, nong, nia, thúng, rổ, rá... tiêu thụ tại Sài Gòn và các tỉnh ĐBSCL.

MỖI ĐỊA DANH MỘT LÀNG NGHỀ

Ở Việt Nam, các làng nghề đan mây tre dân dụng được làm ở nhiều nơi, nhưng với phía Nam thì tập trung nhiều tại huyện Củ Chi. Các mặt hàng mây tre đan ở đây khá đẹp, bền và được trau chuốt tỉ mẫn.

Theo các nghệ nhân cao tuổi, trước đây, vùng đất Củ Chi có hơn 20 xã lớn nhỏ, mỗi nơi làm kinh tế gia đình khác nhau nhưng có đến khoảng 50% số gia đình làm nghề đan lát trừ hơn 50 năm nay cho ra đời hàng loạt các mặt hàng tre đan độc đáo.

Làng nghề mây tre đan giỏ trạc, nong, nia, thúng, rổ... đã phân chia mỗi ấp, mỗi xóm sản xuất một sản phẩm chuyên biệt. Như ấp Mỹ Khánh thì chuyên đan giỏ, đan dần, sàng; ấp Bình Hạ thì đan rổ, đan thúng… hay như ấp Cây Trôm chuyên làm bồ cật, bồ ruột; xã Tân An Hội thì làm rổ, rá... và đến nong, nia, thúng được sản xuất ở xã Thái Mỹ.

Các sản phẩm được đan bằng trúc có giá thành cao hơn loại bằng tre, vì trúc thành phẩm rất bền. Nhiều sản phẩm được đan khít bằng các nan được vót (chuốt) kỹ lưỡng có thể dùng làm cửa nhà rất đẹp.

Vận chuyển hàng đan lát từ Củ Chi đi khắp nơi

CÒN LẠI LÀNG NGHỀ ĐAN LÁT THÁI MỸ

Tuy nhiên, qua quá trình phát triển kinh tế xã hội, sự cạnh tranh của các mặt hàng được làm từ nhựa và các vật liệu khác khiến các làng nghề dần co cụm lại và hiện chỉ còn nghề đan lát ở xã Thái Mỹ. Đồng thời, theo thời cuộc, những thế hệ sau ở làng Thái Mỹ dần bỏ nghề của cha ông để tìm công việc khác có thu nhập ổn định hơn.

Thực tế, chỉ có khoảng 300 hộ dân còn bám trụ với nghề, chiếm khoảng 10% trong tổng số dân trong xã. Do thu nhập không cao, với các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ chỉ mang lại mức thu nhập thấp khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Các cơ sở chuyên sản xuất và cung ứng nguyên liệu đan xuất khẩu thì mức thu nhập của công nhân cũng được khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Ở xã Thái Mỹ, không chỉ có hai sản phẩm nổi tiếng xưa nay là nia và thúng, mà còn có giỏ trạc (cần xé), rổ, rá... đồng thời nơi đây được cho là “độc quyền” trong sản xuất tại Củ Chi, bởi không có nơi nào cạnh tranh được về kỹ thuật và chất lượng.

Khách hàng nơi đây đến từ miền Tây Nam Bộ là chính, đến Thái Mỹ đặt hàng rồi theo ghe xuôi về miệt dưới bỏ mối cho các đại lý. Bởi vùng ĐBSCL thiếu tre, trúc nên không tự sản xuất được các sản phẩm này, phải mua chủ yếu tại Thái Mỹ. Thị trường tiêu thụ nia, thúng, giỏ cần xé vì thế mà khá rộng và còn triển vọng phát triển.

Tại đây, nhà nào có đất là trồng tre trúc, cây mọc khắp quanh vườn, ngoài đồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất tại chỗ. Khi cần nguyên liệu đan, người ta sẽ chọn những cây có đủ độ tuổi (trung bình khoảng 5 năm) và cỡ cây phù hợp với loại sản phẩm họ làm, rồi đốn hạ và thực hiện nhiều công đoạn khác nhau để tạo ra nguyên liệu.

Theo quy trình đan lát như chặt trúc, cưa đoạn, ra vóc, chẻ nan, đan thành phẩm, cuối cùng là hoàn thành sản phẩm. Các loại nong, nia, thúng nơi đây đều được đan bằng trúc, đòi hỏi kỹ thuật và mỹ thuật  cao hơn. Chị Nguyễn Thị Ba, đường Cây Trôm, ấp Mỹ Khánh A cho biết, một thợ giỏi cũng phải đan cả tuần mới xong cặp thúng. Một người thợ có thể làm số lượng bao nhiêu trong một ngày tùy từng loại sản phẩm và tay nghề lâu năm.

Từ hơn 100 năm qua, làng nghề đan lát Thái Mỹ được xem là cái nôi cho ra đời những sản phẩm đan lát bằng mây, tre, trúc như: thúng, nia, dần, sàng, giỏ trạc… Đến nay, các hộ trong xã vẫn sản xuất các mặt hàng này, không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu sang các nước khác.