23/11/2024 lúc 10:08 (GMT+7)
Breaking News

Thương hiệu làng nghề

VNHN - Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với tổng số 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% cả nước). Song ngay với số đông người Hà Nội cũng chỉ có thể kể ra một số cái tên quen thuộc, như: Làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã (nay là khu phố)...

VNHN - Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với tổng số 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% cả nước). Song ngay với số đông người Hà Nội cũng chỉ có thể kể ra một số cái tên quen thuộc, như: Làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã (nay là khu phố)...

Làng gốm sứ Bát Tràng 

Nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội cũng chỉ có thể kể tên những đặc sản, như: Giò chả Ước Lễ, bánh giầy Quán Gánh, bánh cuốn Thanh Trì, bún Phú Đô, xôi Phú Thượng, sữa tươi Ba Vì… 

Cũng không là lạ, bởi ngay chính các đoàn khảo sát du lịch Hà Nội cảm thấy ngỡ ngàng khi gần đây mới khám phá ra nhiều làng nghề, nhiều làng, xã không chỉ có các sản phẩm thủ công độc đáo mà còn có khả năng trở thành những điểm du lịch hấp dẫn. Câu chuyện thương hiệu trở thành cửa miệng của giới kinh doanh và các nhà quản lý nhiều năm nay, nhưng thực tế làm chưa được bao nhiêu.

Hóa ra, đặc sản chè uống Ba Trại (Ba Vì) rất ngon mà bấy lâu nay phải núp bóng thương hiệu chè Thái Nguyên để ra thị trường; và phong cảnh những đồi chè xanh mướt nối tiếp nhau cùng cách thức hái chè, sao chè rất sinh động nơi đây lại chỉ được những người buôn bán nhỏ và các phượt thủ biết đến. 

Tương tự, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) lâu nay đã xuất sản phẩm đi nhiều nước, như: Anh, Nga, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản…; vậy nhưng đã mấy người Hà Nội truyền tai nhau?

Người dân ở các làng nghề xưa nay vẫn tự hào "hữu xạ tự nhiên hương", cứ lo cần mẫn theo nghề ông cha từ xa xưa truyền lại, nhưng thời thương mại không quảng bá, không xây dựng thương hiệu thì ai biết đấy là đâu. 

Tiếng lành, tiếng tốt không thể đồn xa, không thể mở rộng việc bán hàng. Với những người kinh doanh và các nhà quản lý không ai không nhận ra tiềm năng "trăm hoa đua nở" của các làng nghề. Họ biết rằng "có bột" rồi đấy và đã từng bước tìm cách "gột nên hồ". Hàng loạt cuộc khảo sát, hội thảo chuyên sâu đã diễn ra. 

Các cuộc triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm kế tiếp nhau được tổ chức từ mùa thu sang mùa đông năm nay cùng các hình thức xúc tiến, kết nối, cấp chứng nhận làng nghề, nghệ nhân, điểm du lịch… Tuy nhiên, song song với những hoạt động trên rất cần sự đầu tư quy hoạch, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Nếu như muốn có các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn phải có các khu, vùng sản xuất tập trung, các cánh đồng lớn để tạo năng suất cao, sản lượng lớn đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, thì các làng nghề cũng phải có các khu sản xuất tập trung để thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển, thực hiện kiểm soát chất lượng, ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái, bảo đảm cung cấp điện, nước, nguyên vật liệu... 

Đặc biệt, vấn đề môi trường, càng phát triển sản xuất kinh doanh thì nguy cơ ô nhiễm môi trường càng cao. Với đặc điểm làm ăn theo mùa vụ nên hàng hóa cuối năm, hàng tết những ngày tháng này bung ra rất khó kiểm soát, nếu như không muốn nói là "bó tay" các cơ quan chức năng. 

Làng nghề cung cấp cho xã hội số lượng các loại hình sản phẩm nhiều, phong phú, đa dạng bao nhiêu thì hàng giả, hàng nhái cũng theo đó nhiều lên bấy nhiêu, làm nhiễu loạn thị trường, gây tổn hại đến người tiêu dùng và đến tiếng tăm làng nghề.

Theo con số thống kê mới nhất, cả nước hiện có 4.823 sản phẩm lợi thế là cơ sở thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Sự liên kết hay cố kết trong làng nghề để sản xuất, tiêu thụ, giữ chữ tín với khách hàng là thế mạnh vốn có của các làng nghề. 

Xây dựng thương hiệu chính là động lực đưa làng nghề lên nấc thang phát triển mới. Đó cũng là mục tiêu và động lực của sự phát triển công nghiệp sáng tạo, văn hóa làng nghề, gắn kinh doanh làng nghề với du lịch./.

Theo Qdnd.vn