25/11/2024 lúc 12:19 (GMT+7)
Breaking News

COP26 bế mạc với thỏa thuận lịch sử

Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact).

Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact).

Các đại biểu chụp ảnh sau khi Hội nghị COP26 kết thúc. Ảnh: Reuters

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris.

Ông Alok Sharma, Chủ tịch hội nghị, không thể giấu nổi sự rất xúc động khi tuyên bố rằng không có quyền phủ quyết nào từ gần 200 phái đoàn quốc gia có mặt tại Glasgow, từ các siêu cường sử dụng nhiên liệu than và khí đốt đến các nhà sản xuất dầu mỏ và các đảo ở Thái Bình Dương.

Financial Times đưa tin ngày 14/11 (giờ địa phương), qua hiệp ước Glasgow, 197 quốc gia thành viên trong hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris cam kết “tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém”.

Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Hiệp ước bao gồm một nội dung quan trọng, kêu gọi việc “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", đồng thời thừa nhận "sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”. Đây là được xem là bước ngoặt lớn bởi lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của Hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ.

Hiệp ước yêu cầu các quốc gia vào cuối năm 2022 phải "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030, “có tính đến các hoàn cảnh quốc gia khác nhau", để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu  ở mức "dưới 2 độ C" hoặc 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Đây là một bước tiến bởi theo các thỏa thuận khí hậu trước đây của LHQ, các quốc gia được yêu cầu đệ trình các kế hoạch này, còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết (NDC), 5 năm một lần.

Hiệp ước nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỷ USD mỗi năm; đồng thời thúc giục các nước phát triển khẩn trương hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã cam kết cũng như mục tiêu đến năm 2025, và nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết của các nước này.

Hiệp ước cũng thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019. Trong khi các nước phát triển chịu trách nhiệm đối với phần lớn khí thải nhà kính, các nước đang phát triển lại chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Tổn thất và thiệt hại - một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển - đã được đưa vào Hiệp ước, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

Hiệp ước khẳng định tính cấp thiết của việc mở rộng quy mô hành động và hỗ trợ, nếu phù hợp, bao gồm tài trợ, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực, để thực hiện các phương pháp tiếp cận nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và giải quyết tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tác động này.

“Kỷ nguyên của than đá đang kết thúc”

Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết thỏa thuận đã đặt trọng tâm "chưa từng có" vào tổn thất và thiệt hại theo nguyên tắc các nước giàu, vốn chịu trách nhiệm chính về sự nóng lên toàn cầu, nên bồi thường cho những nước nghèo do tác động của biến đổi khí hậu. Ông cũng cho hay Hiệp ước dù “không hoàn hảo” nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ”.

Các nhà quan sát đánh giá Hiệp ước khí hậu Glasgow là một chiến thắng với việc lần đầu tiên một thỏa thuận của LHQ đã đề cập rõ ràng tới than đá, nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Trong 14 ngày diễn ra Hội nghị, các nước tham dự đã đưa ra một loạt các cam kết quan trọng, trong đó nổi bật là hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, gồm Brazil, quê hương của rừng nhiệt đới Amazon. Gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan, được xem là một trong những cách tốt nhất để giảm nhanh sự nóng lên toàn cầu.

Ngoài ra, đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than - chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019 - và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu. Một liên minh mới các quốc gia cam kết đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ và khí đốt đồng thời ngừng cấp giấy phép thăm dò mới cũng được ra mắt tại COP26.

Tại Hội nghị, Mỹ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, theo đó hai nước cam kết sẽ hợp tác trong thập kỷ tới để xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, đồng thời giải quyết các vấn đề về phát thải khí mêtan, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải carbon. Thỏa thuận giữa hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới được xem là một bước quan trọng để đạt mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C đề ra trong Hiệp định Paris.

COP26 cũng chứng kiến cam kết của 450 tổ chức tài chính, quản lý tổng số tài sản trị giá 130 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, trong việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và loại bỏ tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Các nhà quan sát đánh giá Hiệp ước khí hậu Glasgow là một chiến thắng với việc lần đầu tiên một thỏa thuận của LHQ đã đề cập rõ ràng tới than đá, nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính lớn nhất.

Theo Reuters, thỏa thuận đã mang lại cho các quốc gia nghèo nhất những cam kết lớn lao hơn, khi kêu gọi các nước giàu tăng gấp đôi tài chính cho thích ứng với khí hậu vào năm 2025 từ mức năm 2019, cung cấp tài trợ vốn là nhu cầu chính của các quốc đảo nhỏ tại hội nghị.