15/01/2025 lúc 14:08 (GMT+7)
Breaking News

Công tác quy hoạch đô thị phải đáp ứng yêu cầu để đô thị thực sự là động lực phát triển kinh tế

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là Nghị quyết đầu tiên của Bộ Chính trị ban hành về phát triển đô thị Việt Nam bền vững. Ngày 11/11/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.

Theo đó, công tác Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được đặt ra cụ thể nhằm tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các quy hoạch này, vì sự phát triển lâu dài của đất nước.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch ngành quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành lĩnh vực quản lý phát triển hệ thống đô thị, nông thôn theo mô hình "mạng lưới" trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Quan điểm hàng đầu của Quy hoạch là phát triển đô thị trở thành động lực, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Nông thôn là nền tảng để phát triển bền vững đô thị. Không gian đô thị, nông thôn gắn với không gian, phân vùng phát triển kinh tế-xã hội quốc gia, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết hiệu quả với hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.

Yêu cầu phát triển đô thị

Phát triển đô thị được xác định là động lực phát triển của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tích cực chủ động hội nhập hiệu quả. Vì vậy, công tác quy hoạch đô thị cũng phải đáp ứng yêu cầu đó. Nghĩa là,
hệ thống đô thị phát triển theo chuỗi, dài và chùm đô thị; tập trung tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan toả đến các đô thị vừa và nhỏ, đô thị miền núi và hải đảo, thúc đẩy đô thị hóa nông thôn. Phát triển đô thị vừa và nhỏ trong mối quan hệ chặt chẽ, chia sẻ chức năng với các đô thị lớn, giảm dần khoảng cách phát triển giữa các đô thị; chú trọng các đô thị nhỏ, vùng ven đô để hỗ trợ nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị, nông thôn.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ đô thị hóa ở nước ta đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%. 100% huyện có đô thị. Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh.

Với những mục tiêu như vậy, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW đã đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cụ thể hướng tới phát triển đô thị xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, thông minh và phát triển bền vững.

Công tác Quy hoạch phải đi trước một bước

Trong quá trình thực hiện, công tác quy hoạch phải đi trước một bước và cần có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, của tỉnh, của vùng, phát hiện ra những tồn tại yếu kém để giải pháp xử lý phù hợp. Tư tưởng chỉ đạo phải xác định coi trọng công tác quy hoạch, quy hoạch để tạo ra nguồn lực, đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch sẽ tạo ra nguồn lực tối ưu. Nếu không có đầu tư đúng mức cho công tác quy hoạch có thể gây lãng phí nguồn lực trong tổ chức thực hiện, phát triển thiếu bền vững, không tạo được đột phá. Công tác quy hoạch phải tổng thể nhưng thực hiện phải phân kỳ, có nguồn lực đến đâu làm đến đấy, triển khai có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với nguồn lực và thời gian, cần làm đến đâu chắc đến đó, việc nào phải xong việc đó, tránh dàn trải.

Mặt khác, Quy hoạch và phát triển đô thị phải đa dạng hóa nguồn lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực của nhà nước với xã hội, nguồn lực của nhân dân, đẩy mạnh hợp tác công tư. Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực từ con người, đất đai, biển, sông nước, nguồn lực từ truyền thống lịch sử, văn hóa. Phân bổ, khai thác và sử dụng nguồn lực phải đảm bảo hiệu quả, hợp lý.

Thời gian qua Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng kể trong công tác quy hoạch đô thị. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nhiều đồ án quy hoạch đô thị được thiết lập, nhiều khu vực đô thị được xây dựng, chất lượng nhiều đô thị được nâng cao, kể cả nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Đến tháng 6/2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41%. Toàn bộ 883 đô thị ở Việt Nam đã được lập quy hoạch chung, đây là những định hướng để chỉ đạo các đô thị phát triển trong tương lai, đồng thời làm cơ sở cho các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. So với tổng diện tích đất xây dựng tại các đô thị trên cả nước, quy hoạch phân khu đô thị đạt khoảng 70 - 90% đối với các đô thị loại đặc biệt và loại I, khoảng 40 - 50% đối với các đô thị loại II, III, IV. Tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết đạt khoảng 40% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92,8%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17%; tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt khoảng 15%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,2 m2 sàn/người…

Thách thức đặt ra là làm thế nào để tăng trưởng của các đô thị không gây áp lực lên nguồn lực đất đai có hạn, không áp lực lên cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện có, không phát triển phân tán thiếu bền vững, không làm hạn chế các cơ hội của thế hệ tương lai; nâng cao chất lượng quy hoạch, chất lượng đô thị, quản lý phát triển đô thị, thực hiện thành công mục tiêu cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị hiện hữu, bảo tồn di sản, khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển, tạo lập các nguồn lực mới cho đô thị phù hợp quy định và tình hình mới; thúc đẩy sự hình thành và phát triển mới các mô hình đô thị bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn ở đô thị, ngày càng nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng với những rủi ro không báo trước.

Giải pháp trọng tâm

Để các mục tiêu đề ra trở thành hiện thực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Bộ Xây dựng phải tích cực hướng dẫn, chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình xây dựng chương trình hành động cụ thể của địa phương. Kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chương trình quốc gia về đô thị nhằm tích hợp các nguồn lực, không để tình trạng quy hoạch phân tán, nhiều chương trình triển khai chồng chéo, thiếu hiệu quả; đồng thời phối hợp kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ.

- Các Bộ ngành Trung ương chủ động xây dựng và giám sát các chỉ tiêu có liên quan đến phát triển đô thị. Thực hiện chế độ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên để Chính phủ có chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời; xem xét xây dựng cơ chế, tạo điều kiện, hướng dẫn để xác định, tạo lập nguồn lực thực hiện; hướng dẫn địa phương về bố trí, phân bổ nguồn lực để triển khai Chương trình hành động tại địa phương.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị trên cả nước là chủ thể trực tiếp quản lý, tổ chức triển khai Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình  hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Sự thành công của Chương trình hành động này phụ thuộc vào sự chủ động, sáng tạo trong đổi mới tư duy cấp địa phương. Do vậy, địa phương cần quán triệt sâu sắc Chương trình hành động của Chính phủ, bổ sung các chỉ tiêu vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy, xây dựng cơ chế thực hiện nghiêm túc; bám sát các chỉ tiêu; giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện./.

Ths. Nguyễn Tiến Anh

...