Phát huy tiềm năng, vươn mình trở thành trung tâm kinh tế vùng
Tọa lạc tại cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Ninh Bình, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh với các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Gia Viễn đã từng bước tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng, vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế vùng, đóng vai trò động lực trong sự phát triển chung của tỉnh.
Đầm Vân Long trên địa bàn huyện Gia Viễn là một thắng cảnh thu hút khách du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng cùng các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh; đồng thời nằm trên trục giao thương quan trọng khu vực đồng bằng Sông Hồng, giúp huyện mở rộng tiềm năng phát triển công nghiệp và giao lưu kinh tế. Gia Viễn đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng chiêm trũng được quy hoạch và thiết kế làm vùng phân lũ, chậm lũ sông Hoàng Long vốn đầy khó khăn thành huyện phát triển năng động của tỉnh.
Kinh tế tăng trưởng bền vững với mức trung bình trên 25%/năm; quy mô kinh tế đạt trên 40.000 tỷ đồng, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ (chiếm 97%). Trong phát triển công nghiệp, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư hiệu quả. Hiện nay, Gia Viễn là trung tâm công nghiệp của tỉnh với 1 khu công nghiệp (Gián Khẩu) và 3 cụm công nghiệp (Gia Phú, Gia Lập, Gia Vân), thu hút gần 60 doanh nghiệp và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.
Huyện Gia Viễn nỗ lực thực hiện các tiêu chí nhằm thay đổi diện mạo nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt nhiều kết quả. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ đã góp phần hiện đại hóa diện mạo nông thôn. Năm 2020, Gia Viễn đạt chuẩn NTM, đến nay có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, và 101 thôn, xóm đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu.
Song song, ngành du lịch - dịch vụ cũng có bước tiến mạnh mẽ, với các điểm đến nổi tiếng như Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu du lịch suối khoáng Kênh Gà cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử khác. Lượng khách du lịch năm 2024 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 5,3% so với năm 2023, góp phần thúc đẩy kinh tế toàn diện.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Năm 2024, Huyện uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Gia VIễn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các mặt công tác, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh. Công tác quy hoạch được quan tâm đẩy mạnh, đạt kết quả tốt.
Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Phạm Văn Tam nhấn mạnh: “Huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực, cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu và phát triển đô thị hóa.”
Thực hiện Nghị quyết số 1318/NQUBTVQH15 ngày 10/12/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Gia Viễn đang tập trung tái cơ cấu hành chính, sắp xếp các đơn vị xã, thị trấn để mở rộng không gian và tăng dư địa phát triển. Sau sắp xếp, huyện có 18 đơn vị hành chính, gồm 17 xã và 1 thị trấn. Đặc biệt, thị trấn Thịnh Vượng và xã Tiến Thắng - hai đơn vị hành chính mới sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025, mở ra trang mới trong lộ trình phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện.
Nghị quyết của Huyện ủy Gia Viễn đã đề ra những mục tiêu đầy tham vọng nhưng rất khả thi: trở thành thị xã vào năm 2030. Để hiện thực hóa điều này, huyện đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đầu tư hạ tầng và phát triển đô thị xanh. Hướng tới năm 2030, Gia Viễn đặt mục tiêu trở thành thị xã, đô thị loại IV. Đây là chiến lược phát triển toàn diện, gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại và phát triển hạ tầng hiện đại.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Huyện uỷ Gia Viễn Hoàng Mạnh Hùng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho các đồng chí Lưu Thị Huyền và Phạm Văn Tam.
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại IV, Gia Viễn đã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Phát triển hạ tầng đô thị: đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông, điện, nước, và các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, và khu vui chơi. Tập trung xây dựng các khu đô thị mới và nâng cấp các khu dân cư hiện có, đảm bảo đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng. Gia Viễn chú trọng phát triển kinh tế bền vững trọng tâm phát triển các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Gián Khẩu, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Xây dựng các khu dân cư văn minh, hiện đại, phù hợp với quy hoạch đô thị.
Với sự cố gắng không ngừng, huyện Gia Viễn đã có 2 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 3 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều cá nhân được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công tác xây dựng Đảng và Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Dân vận; nhiều tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024 đã được Ban Thường vụ Huyện ủy khen thưởng.
Hành trình vươn lên thành đô thị loại IV của huyện Gia Viễn là một minh chứng cho ý chí, khát vọng và sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và toàn thể nhân dân địa phương. Với tiềm năng sẵn có cùng chiến lược phát triển đúng đắn, Gia Viễn hứa hẹn sẽ không chỉ là một đô thị hiện đại mà còn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.