22/01/2025 lúc 08:26 (GMT+7)
Breaking News

Công tác phổ biến hoạt động Logistics tại Việt Nam - Thực trạng và Giải pháp

Trong suốt hành trình đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Một trong những thành tựu góp phần thúc đẩy thị trường hàng hóa, dịch vụ phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều thành quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam đó chính là lĩnh vực logistics. Dịch vụ logistics đang từng bước chuyển mình, ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Tóm tắt: Trong suốt hành trình đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Một trong những thành tựu góp phần thúc đẩy thị trường hàng hóa, dịch vụ phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều thành quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam đó chính là lĩnh vực logistics. Dịch vụ logistics đang từng bước chuyển mình, ngày càng trở nên đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, để logistics trở thành một trong những mục tiêu phát triển quan trọng trong lộ trình phát triển kinh tế đất nước thì việc phổ biến, tuyên truyền logistics là chìa khóa để nhận được nhiều sự quan tâm từ Chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Từ khóa: Phổ biến, tuyên truyền, Logistics, dịch vụ logistics.

1. Đặt vấn đề

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành logistics trong sự phát triển kinh tế, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính Phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021. Một trong những quan điểm của kế hoạch hành động này là nhà nước đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam với mục tiêu hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý tương xứng với trình độ phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Nội dung chính

2.1. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam về logistics

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế. Nhà nước đảm nhiệm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường thuận lợi cho nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Với những quan điểm cụ thể, chính phủ Việt Nam đã đưa ra 6 mục tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu nhằm tổ chức thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics nhằm đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý tương xứng với trình độ phát triển của dịch vụ logistics của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Một trong những công việc cần phải thực hiện cụ thể để đạt được hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics là phổ biến, tuyên truyền về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics để đạt được kết quả là nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về các cam kết quốc tế liên quan đến logistics để áp dụng đúng cam kết này. Công việc này được chính phủ giao cho Bộ Công thương, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải thực hiện liên tục từ khi ban hành quyết định đến năm 2025.

2.2. Tuyên truyền logistics tại Việt Nam

Góp phần thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025, hoạt động phổ biên, tuyên truyền về logistic đã được thực hiện cụ thể thông qua các kênh như sau:

2.2.1. Trang thông tin điện tử về logistics của Bộ Công thương

Trang thông tin điện tử về logistics của Bộ Công thương http://logistics.gov.vn thành lập theo giấy phép số 104/GP-TTĐT ngày 07/5/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm mục đích cung cấp thông tin ngành logistics phục vụ quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực logistics kết nối giao thương, đầu tư cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics. Cụ thể là cung cấp thông tin, tuyên truyền các định hướng, chủ trương, chính sách văn bản pháp luật về lĩnh vực logistics của Việt Nam; Cung cấp thông tin tổng quát và chuyên sâu về tình hình hoạt động của các loại hình logistics, cơ sở hạ tầng logistics trong nước và quốc tế; Cung cấp thông tin về các dịch vụ tiêu biểu của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; Phân tích, dự báo về hoạt động sản xuất, kinh doanh là đối tượng phục vụ của hoạt động logistics trong nước và quốc tế; Cung cấp những thông tin về biến động của kinh tế vĩ mô, thông tin tổng quát về tình hình sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hóa, diễn biến thị trường tài chính tiền tệ tác động đến môi trường kinh doanh của lĩnh vực logistics; Cung cấp, tuyên truyền thông tin về hoạt động của Bộ Công thương, các bộ ngành, địa phương liên quan về lĩnh vực logistics, phổ biến kiến thức trực tuyến về logistics; Dịch vụ logistics: chia tiếp ra theo các loại hình Vận tải (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đa phương thức), kho bãi, giao nhận; Kết nối giao thương và đầu tư giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong lĩnh vực logistics.

Trang thông tin điện tử về logistics của Bộ Công thương đã tổ chức thực hiện và đăng tải các báo cáo nghiên cứu chuyên sâu hàng tháng về thị trường logistics Trung Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu, ASEAN. Từ năm 2021, báo cáo bổ sung thị trường logistics Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Đồng thời đăng tải các quy định, chính sách về logistics của Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, đa phần là các báo cáo có tính phí, trang lại không có các tiểu mục phân biệt các tài liệu tính phí và miễn phí nên rất khó tìm kiếm.

Tính đến ngày 06/10/2022, trang thông tin điện tử về logistics của Bộ Công thương đã thu hút được 2.714.939 lượt truy cập. Tính từ thời điểm được cấp phép tháng 5/2018 đến tháng 10/2022 thì trung bình mỗi năm trang chỉ thu được 795.000 lượt truy cập. Con số này là vô cùng thấp trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay.

2.2.2. Tạp chí Vietnam Logistics Review

Tạp chí Vietnam Logistics Review là tạp chí chuyên ngành, chính thống duy nhất hiện nay về logistics được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo chí. Tạp chí Vietnam Logistics Review có số lượng ấn bản phát hành lớn và điều đặn hàng tháng. Các bài viết chủ yếu tập trung vào vấn đề thực tiễn, các hoạt động, xu hướng phát triển trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thông tin pháp luật, chính sách; cập nhật xu hướng mới của ngành logistics như logistics xanh, chuỗi cung ứng bền vững...; Về chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp, của chính phủ; Các bài viết, thông tin về kết nối, phát triển thương hiệu logistics. Với nội dung phong phú, tạp chí rất hữu ích cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực logistics. Tuy nhiên, trong thời đại kỹ thuật số, các chủ doanh nghiệp không có thời gian đọc báo giấy vì sự bất tiện của nó, không thể đem theo bên mình để dọc được. Bên cạnh đó, phiên bản báo giấy trên trang thông tin điện tử cũng rất khó đọc vì một giao diện hoàn toàn khác với báo điện tử.

2.2.3. Chương trình Việt Nam Logistics trên kênh truyền hình VTV9

Theo báo cáo logistics Việt Nam năm 2021, kênh thông tin truyền hình trực tuyến này được thực hiện các phóng sự, thông tin cập nhật về phát triển ngành, tập trung vào vấn đề chi phí logistics, logistics cho ngành nông sản, bất động sản logistics. Một số chương trình nổi bật trong năm 2021 như: Nhân lực ngành logistics thích ứng với biến động rủi ro; Sàn thương mại điện tử Việt với sứ mệnh giao thương quốc tế; Duy trì chuỗi cung ứng trong tâm dịch; Áp lực giữ giá dịch vụ logistics; Logistics cho điện gió miền Tây; Bệ đỡ cho thương mại điện tử; Giảm chi phí logistics cho trái cây Việt Nam; Sôi động thị trường bất động sản logistics; Xuân mới – vận hội mới cho cảng biển Việt Nam; Năm 2020, ngành logistics tối ưu hóa chi phí; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Doanh nghiệp logistics với công tác quản trị tủi ro; Thiếu container rỗng mùa cao điểm; Doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa quá cảnh lại gặp khó; Tăng phí bốc dỡ và câu chuyện chi phí logistics; Tháo gỡ khó khăn cho hàng chuyển cảnh. Chương trình chuyên về logistics này của VTV có thời lượng là 20 phút, phát sóng lúc 15h40 ngày Chủ Nhật trên kênh VTV9. Các chương trình sau khi phát sóng có đăng tải trên trang nhưng không có tiểu mục riêng, rất khó tìm kiếm. Như vậy, người dùng khi cần thông tin gì thì tìm kiếm để xem chứ không được cập nhật.

2.2.4. Các báo, tạp chí khác viết về logistics

Năm 2021, các báo viết về logistics tập trung ở các mảng chính như: Phát triển cảng biển, cảng biển nước sâu, phát triển khu công nghiệp cảng, phát triển cảng cạn; Phát triển sân bay; Điểm nóng tại các cửa khẩu xuất khẩu nông sản; Vấn đề giải cứu nông sản, logistics tại các vùng dịch Covid-19 (cách ly xã hội, giản cách xã hội); Các ứng dụng IT, chuyển đổi số trong logistics, trong chuỗi cung ứng; Xây dựng các trung tâm logistics; Chiến lược phát triển dịch vụ logistics. Các bài viết này cũng đăng tải theo dạng người dùng có thì xem chứ không được cập nhật, khi cần thì phải tìm kiếm để đọc trên mạng.

2.2.5. Diễn đàn Logistics Việt Nam

Diễn đàn Logistics Việt Nam (VLF-Vietnam Logistics Forum) là sự kiện thường niên được Bộ Công thương tổ chức hàng năm từ năm 2013 đến nay nhằm đẩy mạnh phát triền dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Từ những chủ đề trong các diễn đàn, trong những năm qua, VLF đã kiến tạo thành công diễn đàn cấp quốc gia với một chuỗi các diễn đàn cấp vùng, cấp tỉnh, các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, kết nối quốc tế, đa phương, đề cập, bàn thảo và hiến kế giải pháp vĩ mô và vi mô phát triển ngành logistics Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các diễn đàn thể hiện mạnh mẽ tiếng nói của giới doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, giới chuyên gia, các nhà hoạt động chính sách, nhà quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học và giới báo chí, truyền thông; Thiết lập, củng cố và tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan, tạo sự đồng thuận, thúc đẩy nỗ lực hành động hướng tới mục tiêu chung về phát triển bền vũng ngành logistics Việt Nam từ khâu đào tạo nguồn nhân lực đến doanh nghiệp sử dụng lao động phát triển chuỗi logistics; Tổ chức định kỳ các đoàn tham quan, khảo sát, nghiên cứu thực địa thị trường trong nước và nước ngài giúp các doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ, cập nhật thông tin, nắm bắt xu hướng và tốc độ chuyển động của chuỗi giá trị logistics thế giới; Nghiên cứu, tổng hợp và xuất bản cuốn báo cáo logistics Việt Nam thường niên.

2.2.6. Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam

Tại Diễn đàn logistics Việt Nam (VLF) 2017 tổ chức tại Hà Nội, 16 cơ sở đào tạo trong cả nước đã tham gia Lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo trong lĩnh vực logistics, thành lập nên Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy liên kết giữa các cơ sở đào tạo logistics; chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về logistics, tăng tính kết nối với doanh nghiệp và thực tiễn. Nhằm khắc phục hạn chế của mô hình mạng lưới là thiếu tư cách pháp nhân, không có bộ máy tổ chức để phối hợp các cơ sở đào tạo với nhau và liên kết các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, ngày 07/10/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 3567/QĐ-BGDĐT công nhận Ban Vận động thành lập Hiệp hội Đào tạo Logistics Việt Nam. Sau gần 2 năm vận động, ngày 30/4/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định số 568/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (thay thế cho Hiệp hội Đào tạo Logistics Việt Nam), viết tắt là VALOMA (Viet Nam Asociation for Logistics Manpower Development). Đây là một bước cụ thể nhằm triển khai các nhiệm vụ đã được nêu trong kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 được nêu tại quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

VALOMA là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau có mong muốn đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nhân lực logistics. Hội viên của hiệp hội bao gồm các trường đại học, trường cao đẳng, viện, trung tâm đào tạo, doanh nghiệp logistics, các giảng viên, doanh nhân, chuyên gia trong lĩnh vực logistics. Ngay từ khi mới hình thành cho đến nay, Hiệp hội đã tổ chức được nhiều hoạt động cho các đối tượng hội viên khác nhau như: Tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics” được VALOMA tổ chức thường niên để sinh viên các trường đại học, cao đẳng giao lưu, trò chuyện và lắng nghe các diễn giả là những người sáng lập hoặc điều hành các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, từ đó giúp sinh viên có định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến logistics; Hoạt động “Tham quan, khảo sát thực tế” tại doanh nghiệp, cảng biển, ga đường sắt, các cửa khẩu quốc tế do VALOMA tổ chức nhằm giúp giảng viên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước có cơ hội tiếp cận thực tế ngành logistics, gắn lý thuyết với thực tiễn, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo; Valoma Confest (viết tắt từ Conference và Festival) bao gồm các tọa đàm, hội thảo, hoạt động cộng đồng nhằm lan tỏa giá trị của Hiệp hội tới cộng đồng logistics Việt Nam bắt đầu từ năm 2021 nhằm trao đổi những vấn đề học thuật và thực tiến cập nhật nhất trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, VALOMA CONFEST còn là kênh thông tin tham vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển ngành logistics Việt Nam; VALOMA bảo trợ thành lập “Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics sinh viên Việt Nam nhằm giao lưu, chia sẻ kiến thức, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Tính đến nay, mạng đã thu hứt sự tham gia của 28 trường Đại học, cao đẳng với tổng cộng 813 thành viên là sinh viên; Từ năm 2013, cuộc thi “Tài năng trẻ Logistics Việt Nam” do VALOMA khởi xướng đã trở thành sân chơi uy tín, trí tuệ, góp phần ươm mầm những tài năng trẻ trong lĩnh vực logistics. Năm 2021, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 50 trường Đại học, cao đẳng trên toàn quốc với 549 đội và hơn 2000 thí sinh tham gia dự thi vòng sơ tuyển.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp thị sản phẩm trong thời đại số

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về việc phổ biến, tuyên truyền các chương trình theo kế hoạch của chính phủ trên mạng xã hội nhằm theo kịp sự phát triển của các công nghệ mới. Mỗi kế hoạch thực hiện phải có mục tiêu đạt được rõ ràng, cụ thể bằng số lượt xem hoặc số lượt theo dõi, tương tác trên trang.

Hai là, thành lập các trang chính thống theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời tuyên truyền trang này trên các trang chính thống đã được Bộ thông tin và Truyền thông đồng ý.

Ba là, phối hợp các đơn vị truyền thông có chuyên môn cao và uy tín để tuyên truyền như các Đài Phát thanh và Truyền hình, đặc biệt là những tỉnh, thành phố có ngành logistics đang hoạt động mạnh. Với chuyên môn cao, các Đài Phát thanh và truyền hình sẽ là những đơn vị thực hiện được các nội dung phổ biến, tuyên truyền dưới dạng bài viết, hình ảnh, âm thanh, đồ họa bằng các thiết bị chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cần tham khảo các báo cáo về lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số để sản xuất ra những nội dung theo xu hướng, phù hợp với mạng xã hội được khán giả quan tâm hiện nay bằng các hình thức như kể chuyện (người làm công tác tuyên truyền gửi gắm thông điệp thông qua những câu chuyện nhằm thể hiện sự thấu hiểu và gắn kết); Thực hiện các video ngắn tuyên truyền về ngành, lĩnh vực.

Bốn là, từ những tương tác của khán giả với nội dung, chương trình đăng tải, phát sóng, người phụ trách phổ biến, tuyên truyền kịp thời nắm bắt thái độ của người sử dụng mạng xã hội đối với các vấn đề, sự kiện đang được xã hội quan tâm nhằm kịp thời phát hiện vấn đề mang tính xu hướng để đề ra những nội dung, phương pháp phổ biến, tuyên truyền cho phù hợp với thời đại mới.

Năm là, tăng cường sự tham gia của những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đặc biệt là những người đã giữ vai trò quản trị, điều hành các trang thông tin điện tử; các hội, nhóm, fanpage các nhóm cùng sở thích về vấn đề nào đó nhằm kêu gọi các người dùng đăng bài, tương tác, chia sẻ.

Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để thu hút người dùng mạng xã hội, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, cần mở thêm các fanpage, thành lập các nhóm với từng chủ đề cụ thể trên mạng xã hội theo hướng tăng về số lượng, bảo đảm chất lượng với nhiều địa chỉ để tạo ra nhiều kênh tiếp xúc có chủ đích khác nhau nhằm giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ và tương tác thông tin đúng nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, không ngừng hoàn thiện những trang thông tin mạng xã hội, địa chỉ đã có, tập trung đầu tư nội dung, hình ảnh để nâng cao chất lượng và uy tín để tăng tính hấp dẫn, thu hút được nhiều người truy cập.

Bảy là, nâng cao chất lượng đội ngũ phổ biến, tuyên truyền và các lực lượng khác trong việc tuyên truyền các thông tin ngành logistics như các nhà doanh nghiệp, các giảng viên chuyên ngành, những người đứng đầu các hiệp hội... Đội ngũ này cũng cần phải am hiểu về mạng xã hội, có sự tương tác, mối quan hệ rộng với tất cả các thành viên, các hội nhóm trên mạng xã hội để kịp thời đưa các thông tin phù hợp cho các thành viên chia sẻ, tương tác.

4. Kết luận

Trong những năm qua, hoạt động phổ biến, tuyên truyền về logistics đã được các cấp từ trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện trên các kênh truyền thông như báo chí truyền thống, truyền thanh, truyền hình, các trang thông tin điện tử, các diễn đàn... nhờ đó nhận thức về các chính sách, pháp luật trong nội dung logistics của doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Theo đó, nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics trong nội dung phổ biến, tuyên truyền về các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến dịch vụ logistics thì kết quả cần đạt được là nâng cao hiểu biết của doanh nghiệp về các cam kết quốc tế liên quan đến logistics để áp dụng đúng các cam kết này.

Phạm Quang Triệu – Phạm Quang An

Công ty TNHH TM DV XNK An Phát

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025.
  2. Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025.
  3. Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 – 2025”
  4. Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
  5. Nền kinh tế số, những vấn đề lý luận và thực tiễn (2021). Sách chuyên khảo.
  6. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
  7. Bộ TT&TT sẽ thí điểm đánh giá, công nhận các nền tảng số Việt Nam phục vụ người dân, truy cập ngày 09/4/2022 từ https://ictnews.vietnamnet.vn/bo-tt-tt-se-thi-diem-danh-gia-cong-nhan-cac-nen-tang-so-viet-nam-phuc-vu-nguoi-dan-v2007319.html
...