30/12/2024 lúc 01:37 (GMT+7)
Breaking News

Cộng đồng ASEAN: Gắn kết để vững bước

VNHN - Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong năm 2020 sẽ là đóng góp cùng ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây cũng là dịp để chúng ta tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN và cácđối tác, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế đất nước và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

VNHN - Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong năm 2020 sẽ là đóng góp cùng ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây cũng là dịp để chúng ta tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN và cácđối tác, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế đất nước và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Ngày 08/8/2019, ASEAN bước sang tuổi thứ 52. Chặng đường hình thành và phát triển của ASEAN hơn 5 thập kỷ qua được tiếp nối bởi những nỗ lực bền bỉ của các nước thành viên với kim chỉ nam là hiện thực hóa tinh thần Tuyên bố Băng Cốc “vì một khu vực Đông Nam Á hòa bình-tự do-thịnh vượng”.          

Một Cộng đồng vững mạnh về chính trị, gắn kết về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau

Với dân số hơn 642 triệu người và diện tích hơn 1,7 triệu ki-lô-mét vuông, ASEAN là một thị trường nhiều tiềm năng. Dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Cộng đồng ASEAN đã bước vào năm thứ 4 hình thành và phát triển, kể từ mốc 31/12/2015 và đang nỗ lực hiện thực hóa Tầm nhìn đến 2025, bước đầu đạt được những tiến triển đáng khích lệ.

Vì môi trường khu vực hòa bình, an ninh và ổn định, các nước ASEAN đã và đang nỗ lực đề cao đối thoại, tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin, thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các giá trị, chuẩn mực chung được thừa nhận trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Hiến chương ASEAN, Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)… ASEAN cũng thể hiện vững vàng bản lĩnh và khả năng duy trì đoàn kết, thống nhất trước các vấn đề tác động đến hòa bình, an ninh khu vực như tình hình Biển Đông, vấn đề người Hồi giáo ở bang Rakhai (Mi-an-ma), Bán đảo Triều Tiên… Hợp tác ngăn ngừa các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục được đẩy mạnh.

Các nỗ lực hợp tác kinh tế nội khối và với các Đối tác đã đem lại cho ASEAN tăng trưởng kinh tế ổn định, năm 2019 dự báo đạt 4,9%, cao gần gấp đôi mức trung bình của thế giới. Tổng GDP đạt khoảng 3000 tỷ USD và không gian thị trường rộng mở vươn tới những đối tác kinh tế hàng đầu thông qua các Hiệp định thương mại tự do riêng rẽ (FTA+1) và cả khối (RCEP)[1] với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Niu Di-lân v.v. Các sáng kiến về Kết nối ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển hay Bầu trời mở ASEAN đang dần hiện thực hóa mục tiêu của ASEAN về phát triển bao trùm và bền vững. ASEAN cũng trở thành điểm đến du lịch rất hấp dẫn với số lượng du khách nội khối đạt gần 50 triệu người và du khách quốc tế đạt gần 130 triệu năm 2018.

Điều đáng mừng hơn cả là người dân đã và đang được đặt vào trung tâm trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các quyền lợi của người dân khu vực được thúc đẩy thông qua hoạt động hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhóm yếu thế, tự do di chuyển không cần thị thực giữa các quốc gia ASEAN trong 15-30 ngày, tự do tìm kiếm việc làm thông qua các Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề nghiệp, được hỗ trợ lãnh sự khi gặp khó khăn ở các nước thứ ba nơi không có cơ quan đại diện ngoại giao của nước mình...

Vững vàng vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực rộng mở

Nằm ở vị trí địa - chiến lược quan trọng, là trung tâm của khu vực rộng lớn kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ASEAN đã phát huy được vai trò trung tâm trong kiến tạo một cấu trúc hợp tác khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, gắn kết và hài hòa quan hệ cùng có lợi với các đối tác. Các diễn đàn do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt[2] ngày càng thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các nước và trung tâm quyền lực lớn trên thế giới. 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc đều nằm trong các đối tác đầy đủ của ASEAN[3]. Ngày càng có nhiều đối tác bên ngoài mong muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN và tham gia Hiệp ước TAC. Trong chiến lược khu vực của các nước lớn như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Vành đai và Con đường, chính sách “Hành động hướng Đông”… vai trò trung tâm của ASEAN luôn được nhấn mạnh và coi trọng.

Gắn kết để thích ứng

Lịch sử hơn 5 thập kỷ tồn tại chứng kiến không ít lần bó lúa vàng ASEAN phải gồng mình qua giông bão. Nhưng qua đó, ASEAN lại trưởng thành, tự cường và vững vàng hơn trước. Chìa khóa thành công và sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết.

Để trụ vững và thích ứng hiệu quả trước những biến động phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, ASEAN hơn lúc nào hết, cần vững vàng duy trì khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường về kinh tế, khả năng ứng phó chủ động và nhanh nhạy trước các thách thức nảy sinh.

Dưới tinh thần chủ đề của năm 2019 về “Tăng cường đối tác vì sự bền vững” và tiếp nối tinh thần năm 2018 về “Tự cường và sáng tạo”, ASEAN tiếp tục thể hiện năng lực chủ động và khả năng thích ứng của mình. Với việc thông qua Tài liệu quan điểm chung của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) tại Cấp cao ASEAN lần thứ 34 (tháng 6/2019), ASEAN đã thể hiện vai trò trung tâm và khả năng chủ động của mình trong những biến động đan xen ở khu vực. Phát triển thành phố thông minh, ứng phó rác thải biển, gắn kết Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến 2030, ứng phó với an ninh mạng, già hóa dân số… là các dấu ấn đáng ghi nhận của ASEAN thời gian qua.    

Mới đây, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (tháng 8/2019), trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực, các Bộ trưởng tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, bày tỏ quan ngại về vụ việc nghiêm trọng hiện nay. Trước diễn biến căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn và xu hướng bảo hộ gia tăng, ASEAN cam kết đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư nội khối, sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định RCEP và củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Chừng nào ASEAN còn giữ được đoàn kết và thống nhất, còn gắn kết được bởi những giá trị và lợi ích chung vượt lên trên những khác biệt của sự đa dạng, Cộng đồng ASEAN sẽ còn vững bền và trường tồn.

Năm 2020: Dấu mốc quan trọng với Việt Nam

Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và cũng là dịp kỷ niệm 25 năm chúng ta gia nhập ASEAN. Bước sang năm thứ 8 triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và năm thứ 2 triển khai Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam có nhiều cơ hội để khẳng định vị thế mới của mình trong khu vực và quốc tế. Cùng với nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN, năm 2020, Việt Nam cũng đồng thời thực hiện vai trò kép là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong năm 2020 sẽ là đóng góp cùng ASEAN thực hiện thành công các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Đây cũng là dịp để chúng ta tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN và các đối tác, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế đất nước và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.

Để làm được điều này, chúng ta rất cần huy động sự ủng hộ, đồng thuận của các nước ASEAN và các nước bạn bè, đối tác của ASEAN, sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Dưới sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban Quốc gia về năm Chủ tịch ASEAN 2020, công tác chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 đang được tích cực triển khai. Việt Nam đang làm tất cả để thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, chung tay xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, gắn bó chặt chẽ và chủ động thích ứng với các thời cơ, thách thức đặt ra./.

[1] Đang trong quá trình thương lượng, hướng tới hoàn tất trong năm 2019.

[2] ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF)…

[3] theo các khuôn khổ ASEAN+1 với Trung Quốc, Nga, Mỹ, và với Anh, Pháp trong khuôn khổ ASEAN+1 với EU

Phạm Bình Minh

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao