25/04/2024 lúc 06:10 (GMT+7)
Breaking News

Cơn đại dịch và nỗi lòng những kẻ hồi hương

Ngày ra đi, mang theo bao ước mơ, hoài bão, kỳ vọng về tương lai nơi miền đất hứa, họ đã tìm thấy ở Sài Gòn ánh sáng niềm tin về cuộc sống đủ đầy và hi vọng về một bến đỗ nơi thị thành hoa lệ. Thế nhưng cơn đại dịch mang tên SAR-COV-2 đã ập đến và cuốn phăng tất cả. Sau bao ngày cầm cự nơi xa xứ mong qua cơn bĩ cực nhưng tất cả vượt xa tầm kiểm soát, đành liều bước hồi hương vì thế cùng lực kiệt. Ngày họ trở về, hành trang của bao năm chẳng có gì ngoài nước mắt và một trạng thái rã rời mệt mỏi.

VNHN - Ngày ra đi, mang theo bao ước mơ, hoài bão, kỳ vọng về tương lai nơi miền đất hứa, họ đã tìm thấy ở Sài Gòn ánh sáng niềm tin về cuộc sống đủ đầy và hi vọng về một bến đỗ nơi thị thành hoa lệ. Thế nhưng cơn đại dịch mang tên SAR-COV-2 đã ập đến và cuốn phăng tất cả. Sau bao ngày cầm cự nơi xa xứ mong qua cơn bĩ cực nhưng tất cả vượt xa tầm kiểm soát, đành liều bước hồi hương vì thế cùng lực kiệt. Ngày họ trở về, hành trang của bao năm chẳng có gì ngoài nước mắt và một trạng thái rã rời mệt mỏi. Đất xa quê mưa tầm tã ngày về…

Và sau những kỳ vọng, giờ đây, điều duy nhất còn lại nơi những đứa con xa xứ là quê hương, là gia đình – nơi mà họ đã dứt áo ra đi với đau đáu hi vọng ngày về hiển vinh, no ấm.

Khăn gói dắt díu nhau vào Nam sau tết nguyên đán vì miếng cơm manh áo. (Ảnh: minh họa).

Rời quê hương mang theo những kỳ vọng…

Năm nào cũng vậy, sau cái tết đoàn viên, cứ vào độ giêng hai, suốt dọc dài dải đất miền trung các tỉnh từ quảng Bình, Quảng Trị trở ra, người ta chứng kiến cảnh từng đoàn người với lỉnh kỉnh hành lý bắt xe vào Nam để làm ăn, sinh sống. Với nhiều người, các tỉnh phía Nam như là quê hương thứ hai của họ, bởi đó là nơi họ gửi gắm ước mơ về một cuộc sống mới, đủ đầy hơn, tươm tất hơn. Lẽ tất nhiên, cuộc sống mưu sinh ở đâu cũng không hề đơn giản, nhưng với đặc thù là khu vực thành phố, các khu công nghiệp, người ta tin, đến đó, sẽ có cơ hội tìm việc làm, sẽ chẳng khi nào thất nghiệp, sẽ có được thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình. Đó cũng là mong muốn, là khát vọng chính đáng của những người ở nông thôn một đời lam lũ, tất bật.

Dứt áo ra đi, mỗi người có một định hướng riêng cho bản thân và gia đình. Người sẽ vào xí nghiệp nhà máy làm công nhân, làm bảo vệ, người buôn bán, người đi làm thuê, làm giúp việc… nhưng có lẽ ai trong họ cũng mong muốn có cuộc sống đủ đầy hơn so với ở quê “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quanh năm mà không đủ sống. Gặp năm trời đất chẳng thuận hòa, coi như mất trắng. Vậy nên “Nam tiến” có thời điểm đã trở thành phong trào của người miền Trung nói chung và nhất là khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Không phủ nhận rằng, cuộc “Nam tiến” đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình, cuộc sống cũng phần nào cải thiện. Đã có những cái tết họ trở về quê hương với niềm vui ấm cúng, no đủ từ những khoản thưởng, khoản lương cuối năm bằng cả năm bươn bả ở quê. Và nếu không có gì xảy ra, có lẽ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ trở thành quê hương thứ hai của nhiều người, là nơi chôn rau cắt rốn của nhiều đứa trẻ…

Thế nhưng, những kỳ vọng sau bao năm của những con người tha hương đó đã bị đổ vỡ bởi một cơn bão sinh học toàn cầu, đó là cơn bão vi rút Corona. Nó đã đến và chặn đứng mọi hoạt động sinh hoạt, giao thương, sản xuất của con người. Nhà máy đóng cửa, dịch vụ trực tiếp không hoạt động, người dân đóng cửa ở trong nhà. Trên phố chỉ còn tiếng còi hú của những chuyến xe y tế mà đâu đó ngoài kia những con virut vẫn chưa thể khống chế triệt để. Những kỳ vọng về thu nhập ổn định cũng bắt đầu lung lay khi những đồng tiền chắt bóp, những hạt gạo, những gói mì cuối cùng cũng cạn dần…

Những ngày cầm cự nơi xứ người

Những ngày đầu tháng 7, TP.HCM bắt đầu bước vào một quyết định khó khăn nhất đó là thực hiện giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị thị 16, tiếp theo đó là Bình Dương, Đồng Nai… những tỉnh thành có các khu công nghiệp lớn, có đông công nhân và người lao động. Đây được xem là biện pháp mạnh nhằm triệt để khoanh vùng, tập trung truy vết và dập dịch trong cộng đồng. Người dân dù sẽ gặp nhiều khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt nhưng đều đồng thuận với các biện pháp mà chính quyền thực hiện nhằm nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Cầm cự nơi xứ người mong cho qua mau đại dịch. (Ảnh: Minh họa).

Tuy nhiên sau 3 tháng thực hiện giãn cách, cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người lao động từ các tỉnh lẻ tại các khu công nghiệp rơi vào tình huống lao đao khó có thể cầm cự.

Có mặt tại chốt kiểm soát Khe nước Lạnh Nghi Sơn, gặp vợ chồng chị Chị L.T.T- một người dân tỉnh Thanh Hóa đang ngồi nghỉ cạnh chiếc xe máy. Chị T chia sẻ: cả gia đình tôi chỉ trông chờ vào đồng lương của hai vợ chồng, tôi làm công nhân, còn ông xã là bảo vệ, con cái gửi ở quê cho ông bà. Nhưng 3 tháng nay không đi làm được, tiền cũng cạn, hai vợ chồng ăn uống cầm cự, nhưng chúng tôi không thể cầm cự thêm nữa. Đầu năm bọn trẻ đi học chúng tôi còn chưa biết sẽ lấy tiền đâu cho bọn trẻ đóng học đầu năm nên quyết định rời Sài Gòn về quê.

Và những cuộc hồi hương bất đắc dĩ bắt đầu. (Ảnh: Trung Linh).

Là công nhân làm việc lâu năm tại một công ty đóng trên quận Bình Tân, vợ chồng chị P. T. H (Quê Thái Bình) chưa bao giờ thấy cuộc sống công nhân của người tha hương, đi thuê trọ lại khó khăn như những ngày vừa qua. Trước đây, với mức lương công nhân đều đặn hàng tháng cũng đủ để hai vợ chồng chị trang trải cuộc sống và gửi về quê cho gia đình và lo cho con ăn học. Nhưng từ khi dịch bệnh ập đến, khu trọ phong tỏa, không đi làm cuộc sống gia đình trở nên eo hẹp. Tiền hai vợ chồng đi làm tiết kiệm được không nhiều cũng đã tiêu hết. Số lương thực, thực phẩm dự trữ ăn những ngày cách ly cũng không còn, gia đình chị đã rơi vào trạng thái khủng hoảng, muốn về quê nhưng cũng không thể về vì TP đang phong tỏa, mà ở quê cũng đang phải chống dịch, chị H chia sẻ.

Trên chiếc xe máy cũ, chúng tôi nhìn thấy một gia đình 4 người trong bộ áo mưa rách tơi tả. Đứa nhỏ ngồi ở giữa ngủ gà ngủ gật, tôi xin phép bắt chuyện vội vàng: “Trong đó gỡ phong tỏa rồi, thành phố đã được hoạt động trở lại, sao anh chị không ở lại đi làm mà đưa các cháu về vất vả như vậy”, người chồng đá chân chống xe, đỡ đứa lớn ngồi trước xuống rồi trả lời: Chúng tôi không còn gì để ở lại, mà dịch bệnh đang phức tạp, mỗi ngày cũng đang còn cả nghìn ca, chúng tôi con nhỏ, đi làm chẳng may nhiễm bệnh, con cái để cho ai. Anh cũng cho biết: Chúng tôi cũng có được nhận hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện, nhưng cũng không thể trang trải được cuộc sống trong mấy tháng không có thu nhập, và còn những ngày sau này nữa. Bọn trẻ ăn mì mãi cũng khổ lắm, về quê, đói khổ cũng còn mớ rau con cá cho trẻ con đỡ khổ.

Những ánh mắt trẻ thơ vô hồn, mệt mỏi trên quãng đường dài gió bụi. (Ảnh: Facebook).

Nhìn những con người bồng bế nhau trên những chiếc xe máy vượt hàng nghìn km để tìm về quê hương, tôi hiểu không phải họ a dua, không phải họ thiếu trách nhiệm, không phải họ bồng bột, bởi ai dứt áo xa quê, cũng mong muốn một ngày về ngẩng mặt trong niềm vui đoàn tụ nhưng họ đã không thể cẩm cự được nữa…

Đường về vạn dặm…

Rời miền đất hứa với tâm trạng não nề, hành trang là thững thứ đồ cũ kỹ còn sót lại sau cơn đại dịch, chiếc xe cà tàng, vài bộ áo mưa, vài đồng bạc lẻ,… Những bữa cơm từ thiện ven đường, họ hướng mắt về phía quê hương, vợ chồng con cái dắt díu nhau về trên vạn dặm đường trường.

Có mặt tại Chốt kiểm soát dịch Covid-19 (Nghi Sơn, Thanh Hóa) vào một ngày mưa tầm tã, chứng kiến từng đoàn người bồng bế nhau trên những chiếc xe gắn máy chật hẹp, cũ kỹ, những chiếc áo mưa một lần qua hàng nghìn km đã bị gió xé tơi tả; nhìn những người phụ nữ tiều tụy, những người đàn ông sức vóc nhưng giờ trông hốc hác mệt mỏi; nhìn nhưng đứa trẻ mặt mũi bần thần, ngủ gà, ngủ gật trên tay mẹ thật sự không thể không đau lòng. Có lẽ không ai trong số hàng trăm, hàng nghìn những con người kia có thể hình dung được ngày về của họ lại... như thế này.

Những chuyến xe nhân ái của chính quyền địa phương đón con em hồi hương trong đại dịch. (Ảnh: Trung Linh).

Tranh thủ khi đoàn người hồi hương nghỉ chân, tôi bắt chuyện với vài người, nghe họ nói về chặng đường hơn một nghìn km trên chiếc xe gắn máy và vài đồng tiền cuối cùng mới thấy hết những gian nan nguy hiểm mà họ đã đánh đổi để về với quê hương.

Anh N.V.L người Ninh Bình chở theo vợ và cô con gái 5 tuổi trên chiếc xe Honda cũ chia sẻ: “Tôi ở quận 12, về đến Ninh Bình cũng 1500km. Xác định là rất vất vả và nguy hiểm, nhưng ở lại thì sống bằng gì, gia đình tôi đã hết sạch tiền. Trước khi về còn chưa nổi 500 ngàn đồng, cũng may dọc đường có cơm, bánh mì từ thiện, để dành tiền đó đổ xăng…”

Gần đó, vợ chồng anh T.Đ.H (Thanh Hóa) cũng đưa con về quê bằng xe máy. Cầm hộp sữa đậu nành Fami cho đứa con trai khoảng 4 tuổi uống, anh H chia sẻ: “Có đi mới biết gian nan như thế nào, không như mấy chú thanh niên đi phượt đâu, chúng tôi có con nhỏ, lại không có tiền trong người, đưa các cháu đi xa như thế này cũng là bất đắc dĩ. Về đến đây là thấy may mắn rồi. Về nhà rồi tính tiếp”.

Chị V, vợ anh H chia sẻ thêm: “Vợ chồng tôi chỉ có một cháu còn đỡ vất vả, cùng về, còn có nhiều người đưa theo hai đứa con còn vất vả hơn chúng tôi vạn lần. Có những cháu chỉ 1-2 tuổi. Người lớn khổ một thì trẻ con tội mười cô chú ạ”.

Sự mệt mỏi của người mẹ và tiếng khóc ngặt nghèo của những đứa trẻ sau ngàn dặm nắng mưa cùng cha mẹ. (Ảnh: Facebook)

Nhìn sự mệt mỏi lộ trên từng gương mặt, chúng tôi biết rằng họ đã trải qua không chỉ là một chặng đường cả ngàn cây số, mà đó còn là sự cầm cự không lối thoát trong nhiều ngày trên mảnh đất xa xôi, nơi họ gửi gắm, kỳ vọng sẽ ổn định và có cuộc sống tốt hơn.

Tháng 10 vào mùa bão, mưa như đổ nước. Đoàn người hồi hương đội mưa tiếp tục hành trình dưới sự hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông. Họ cũng sắp về đến nhà. Chúng tôi hiểu, phía quê nhà kia, lần này đón những đứa con của làng về không như những lần trước. Sẽ không có những cuộc viếng thăm, chào hỏi bà con lối xóm mà thay vào đó là những cuộc cách ly, những tấm biển cảnh báo dán nơi đầu ngõ… hy vọng “Ngày mai, trời lại sáng…"./.