19/12/2024 lúc 10:09 (GMT+7)
Breaking News

Cơ chế cho taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn phải đợi?

Như vậy, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành, nhưng cơ chế giải quyết dứt điểm xung đột của taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn phải đợi Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sắp tới.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch.

Năm 2016, sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe đã tạo ra sự cạnh tranh sôi động chưa từng có trong lĩnh vực vận tải khách bằng xe dưới 9 chỗ. Cùng với sự gia tăng chóng mặt về số lượng phương tiện, điều kiện kinh doanh đối với loại hình tương đồng với taxi này cũng được cho là thiếu công bằng so với taxi truyền thống.

Trong khi taxi phải chịu các quy định rất chặt chẽ về giá cước, nhận diện phương tiện, số lượng xe, nghĩa vụ thuế và trách nhiệm với người lao động thì loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử lại không phải chịu các quy định này.

Vụ kiện kéo dài giữa Vinasun và Grab là minh chứng điển hình cho cuộc tranh cãi giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Chỉ đến khi phán quyết của TAND cấp cao tại TP.HCM buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng vì Grab gây thiệt hại cho hãng này thì những tranh cãi này mới phần nào được giải quyết.

Đến năm 2020, trải qua gần 5 năm soạn thảo với 12 lần sửa đổi, Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành, trong đó xác định các hãng gọi xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải; doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ được quyền lựa chọn loại hình kinh doanh.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 10 vẫn chưa giải quyết dứt điểm các bất cập hiện nay giữa hai loại hình. Theo lãnh đạo Vụ Vận tải, việc cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km nhưng lại chịu hai điều kiện quản lý khác nhau là không hợp lý, không công bằng.

Để giải quyết thực trạng nêu trên, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vừa được trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách mới.

Theo đó, loại hình xe du lịch được ghép với xe hợp đồng. Xe hợp đồng chỉ có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi. Việc này để tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất là xe taxi và xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN) cho rằng khi luật được thông qua, sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch để quản lý, giải quyết dứt điểm bất cập hiện nay đối với 2 loại hình taxi truyền thống và taxi công nghệ.

“Cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng chở khách, cùng tính theo km để thu tiền của khách hàng nhưng loại hình vận tải sử dụng hợp đồng điện tử và taxi truyền thống lại chịu hai điều kiện quản lý khác nhau. Đây thực sự là điều không hợp lý, không công bằng”, ông Thanh chia sẻ.

Vì thế, khi tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường, nộp thuế, thiết lập quy trình quản lý ATGT…

Khi đó, quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo, Nhà nước thu được thuế nhiều hơn (thay vì thu thuế khoán như hiện nay). Điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng với các hãng taxi truyền thống.

Mặt khác, chính các tài xế (hiện được coi là “đối tác” của hãng xe công nghệ) cũng sẽ được hưởng lợi. Bởi nếu đã là đơn vị kinh doanh vận tải bằng loại hình taxi, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đẩy đủ các nghĩa vụ với nhà nước và chế độ đối với người lao động, thay vì chỉ ăn chia tiền chiết khấu như hiện nay.

Nguyễn Lâm