Chất lượng của sản phẩm phụ thuộc vào ý thức hiểu biết của con người về thế giới xung quanh, giúp con người xác định mục tiêu, lựa chọn phương pháp cho hoạt động của mình.
Thực vậy, “có bột mới gột nên hồ” như là một lời khẳng định về một thế giới vật chất khách quan với các nguồn lực luôn tồn tại, sẵn có và đang vận động, biến đổi ở mọi nơi, mọi lúc. Vấn đề đặt ra là: các quốc gia với hiểu biết của mình, phải nhận thức được các nguồn lực và sử dụng nó để đạt được các mục đích của đất nước…
Trên thế giới, các cuộc cách mạng công nghiệp và kinh tế thị trường đã tạo ra, thúc đẩy các nguồn lực để đạt được sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đặc biệt ở các nước tư bản phát triển. Có thể nói, chúng ta ngày nay đã có một cuộc sống vật chất tốt hơn rất nhiều so với những thế hệ trước. Nhưng hai “hậu quả ngoài ý muốn” hiện đang đe dọa mọi thứ chúng ta có thể mong muốn trong tương lai. Thứ nhất, nền tảng sinh học của nền văn minh nhân loại của chúng ta hiện đang gặp rủi ro. Các vấn đề môi trường khí hậu biến đổi, an ninh xã hội ngày nay đặt ra một thách thức cần làm để khôi phục các hệ thống hỗ trợ sự sống cơ bản của Trái đất (đất, rừng, nước ngọt, đồng cỏ, đa dạng sinh học, thủy sản, v.v.). Thứ hai, sự chênh lệch giàu nghèo ờ ngay cả ở những quốc gia giàu nhất thế giới. Chẳng hạn, 10% người Mỹ hàng đầu hiện nay sở hữu 70% tài sản ròng của Hoa Kỳ. Một CEO trung bình ở Mỹ ngày nay kiếm được trong một ngày bằng số tiền mà một công nhân trung bình kiếm được trong một năm… Hai thách thức đó đã đặt thế giới trước khả năng thay đổi “phi tuyến tính” có thể dẫn tới sự sụp đổ kinh tế toàn cầu…
Ở Việt Nam, lịch sử dựng nước của vua Hùng đã đặt nền móng vững chắc để rồi cách đây gần 70 năm, trong buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Điều đó đã dẫn tới ý thức đồng thuận về chủ quyền quốc gia của toàn quân, dân Việt Nam và lập nên thời đại Hồ Chí Minh thống nhất toàn vẹn đất nước.
Ngày nay, sau nửa thế kỷ hòa bình lập lại, Việt nam đang sở hữu một nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận trên 400 tỷ USD, đứng thứ 37 trên thế giới. Trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022, Việt Nam ở vị trí 77. Hơn nữa, với quy mô kinh tế ngày càng tăng, quyền lực mềm và sức ảnh hưởng được công nhận rộng rãi, Việt Nam giữ vững vị thế trong số Top 30 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 (theo xếp hạng của hãng US News & World Report).
Quy mô kinh tế và tăng trưởng rõ ràng cung cấp cho người dân dịch vụ công tốt hơn, an ninh, cơ sở hạ tầng đổi mới cũng như gia tăng tài sản cá nhân và chất lượng tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng như các nước đang phát triển, quá trình phát triển kinh tế ở nước ta cũng làm phát sinh chi phí xã hội, môi trường đáng kể, và dường như không làm cho mọi người hạnh phúc thực sự hoặc hài lòng hơn với cuộc sống. Vì vậy, nên chăng cần có sự hài hòa hơn giữa việc thúc đẩy phúc lợi, sự hài lòng của người dân và sự tăng trưởng kinh tế.
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ xác định Việt Nam trở thành nước phát triển và phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm; Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%; Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Phát triển bền vững để đạt được mục tiêu trên, tiến tới một xã hội phồn vinh thì phải xác định được các nguồn lực qua việc xây dựng mô hình định lượng và phải quản trị tốt các nguồn lực của quốc gia theo mô hình lựa chọn :
1. Định vị 5 nguồn lực (vốn) chủ yếu
Theo quan điểm của các nhà kinh tế, trong nền kinh tế thị trường nguồn lực vốn là yếu tố then chốt của toàn bộ nền kinh tế với mô hình năm loại vốn: tài chính, tài nguyên, sản phẩm vật chất, con người và xã hội.
Tất cả đều là nguồn lực có khả năng tạo ra dòng sản phẩm đầu ra để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Vốn tài chính trong nền kinh tế “tiền-hàng-tiền” tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh tế, mặc dù bản thân nó không phải là sản xuất. Vốn tài nguyên được tạo thành từ các nguồn tài nguyên và các dịch vụ hệ sinh thái của thế giới tự nhiên. Vốn sản phẩm vật chất bao gồm tất cả tài sản vật chất mà quốc gia sản xuất ra. Vốn con người là năng lực lao động của một cá nhân, được thừa hưởng và có được thông qua giáo dục - đào tạo và làm việc. Vốn xã hội liên quan đến các thể chế giúp duy trì và phát triển nguồn vốn con người trong quan hệ đối tác với nhau. Nếu hoạt động xã hội mang lại giá trị gia tăng hoặc giảm chi phí tiềm năng nào, thì có thể coi đó là một nguồn vốn xã hội.
2. Quản trị hiệu quả các nguồn lực
Quản trị hiệu quả các nguồn lực là phải xây dựng và triển khai quy hoạch tốt để nâng cao 5 nguồn tài sản vốn, thay vì làm cạn kiệt hoặc xuống cấp chúng. Phải chăng đây cũng nên là những nội dung cốt lõi trong kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn trong quy hoạch tổng thể quốc gia của Chính phủ, Trung ương, địa phương và kể cả cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách nhất quán và thực tế.
Về bản chất, 5 nguồn lực phải được liên kết với nhau và phải được quản trị đồng bộ trong triển khai phát triển kinh tế thị trường. Các mục tiêu kinh tế – xã hội có thể đạt được kết quả thành công trên cơ sở các nguồn lực, thường chỉ với một giải pháp tối ưu. Cỗ máy mô hình năm nguồn lực kinh tế – xã hội bền vững phải được Chính phủ vận hành để tạo ra dòng chảy hàng hóa và dịch vụ mong muốn bằng cách sử dụng các nguồn vốn mà không làm cạn kiệt chúng. Tuy nhiên, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, cần lưu ý bốn nội dung khi triển khai mô hình này với từng nguồn lực:
Thứ nhất, với nguồn lực tài chính, cần xác định tốt quy mô thực sự nền kinh tế quốc gia trong mối quan hệ với quốc tế. Có chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để điều hành kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần có cơ chế thị trường phù hợp để định giá chính xác các nguồn vốn nhằm khai thác tối đa và hạn chế việc lãng phí các nguồn lực do các chính sách phi thị trường tạo ra sự độc quyền dẫn đến tham nhũng, nội gián, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh…
Thứ hai, với nguồn vốn sản phẩm, đây có thể coi là nguồn lực nền tảng của nền kinh tế phát triển bền vững. Cần có chính sách thúc đẩy và phát triển các sản phẩm “made in Việt Nam” cốt lõi trong các ngành sản xuất công nghiệp chiến lược quốc gia để đảm bảo chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế và an ninh quốc phòng đất nước.
Thứ ba, với nguồn lực tài nguyên trong đó đất đai là tài nguyên lớn nhất, có đặc thù sở hữu khác biệt ở nước ta, cần đảm bảo có quy hoạch tổng thể, luật đất đai với tầm nhìn cả trong và ngoài nước một cách sâu sắc, thấu đáo, nhất quán. Có luật định để quy định trách nhiệm và quản trị rõ ràng, minh bạch ở tất cả các cấp xã phường, quận huyện, tỉnh thành và Trung ương. Hơn hết, phải có sự giám sát, tổng kết thường xuyên và liên tục, không phụ thuộc vào nhiệm kỳ chính trị để tránh hiện tượng lợi ích nhóm, cục bộ địa phương và tạo ra các nhà tư bản địa ốc thân hữu tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo, môi trường bị hủy hoại và làm mất sự cân bằng kinh tế dẫn đến phát triển không bền vững.
Thứ tư, vốn xã hội đến từ quy mô của thể chế kinh tế chính trị, môi trường pháp lý, kinh doanh, văn hóa, giáo dục, tổ chức xã hội và gia đình… mối liên hệ giữa vốn xã hội và con người rõ ràng là rất mạnh mẽ. Bản chất con người là xã hội, chúng ta đã tiến hóa để trở thành xã hội, đó là đặc điểm xác định ý nghĩa của việc trở thành con người. Với dân số đứng thứ 13 trên thế giới, rõ ràng Việt Nam có một nguồn lực xã hội và con người vô cùng to lớn nếu như chúng ta quản trị và phát huy tối đa các nguồn lực này. Công nghệ số có thể hỗ trợ vô giá cho các nhà hoạch định chính sách. Ngoài ra, cần nhận thức vốn con người là một nguồn lực khác biệt hẳn so với 4 nguồn lực còn lại vì sức mạnh của nó phụ thuộc vào cả động lực của chính nó và chỉ có nguồn vốn này mới có được phẩm chất đổi mới và sáng tạo. Nguồn lực này, nếu được dưỡng dục trong một môi trường gia đình, đào tạo và xã hội công bằng và lành mạnh sẽ trở thành động lực mạnh mẽ với niềm tin và sự đoàn kết của toàn dân với mục đích chung để tạo sự cộng hưởng cho xã hội phát triển. Cùng với sự định vị rõ về sức mạnh vật chất của đất nước, cũng cần có sự đổi mới mạnh mẽ ý thức của toàn dân trong lĩnh vực này. Được như vậy, kinh tế quốc gia chắc chắn sẽ có sự đột phá phát triển vì phẩm chất đổi mới và sáng tạo của con người thường là kết quả của tự do bình đẳng, và là khởi nguồn của sự thịnh vượng. Chính vì vậy, để quản trị tốt vốn xã hội thì trước tiên phải xây dựng được một thể chế và cấu trúc chính trị, xã hội để đảm bảo phát triển nguồn vốn con người. Các tổ chức chính trị - xã hội cần xây dựng theo hướng thượng tôn pháp luật, đảm bảo sự tập trung dân chủ. Chính phủ nên chăng cơ cấu và tinh giản lại bộ máy theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “…Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Bộ máy Chính phủ từ Trung ương đến địa phương cần tinh giản theo hướng tập trung quản trị tốt mô hình năm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, liên kết hiệu quả 6 vùng không gian (Vùng trung du và miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long). Xây dựng quy hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ cũng nên xây dựng theo hướng này để đảm bảo sự nhất quán, hiệu quả trong trong nhận thức, thực thi, giám sát kiểm tra cũng như tổng kết và xây dựng lý luận về thành quả của nền kinh tế.
Đảng ta xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Triển khai nhiệm vụ đó, quy luật khách quan “có bột mới gột nên hồ” lại càng có ý nghĩa thực tiễn hành động. Trong quá trình đó, nhận thức cũng như chủ động và quản trị toàn diện mô hình năm nguồn lực sẽ đưa đất nước với biểu tượng ngôi sao năm cánh trở thành nền kinh tế đứng trong top 20 trên thế giới khi chúng ta kỷ niệm 100 thành lập nước.
TS Đoàn Duy Khương