22/01/2025 lúc 18:45 (GMT+7)
Breaking News

Chuyện về nhà khoa học chân đất: “Lão Gàn” trên đỉnh núi dó trầm

Cây dó trầm thiên nhiên ban tặng cho Hương Khê, Hà Tĩnh, bởi dó trầm là cây làm giàu, cây triệu phú, tỷ phú đổi đời cho bao làng quê, bao thân phận từ thủa tiều phu nay trở thành tỷ phú. Cây dó trầm xuất thần như một giấc mơ trong truyện cổ tích, thay đổi phận người từ nghèo thành giàu chỉ trong một khoảnh khắc!

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Lên huyện miền núi Hương Khê vào một ngày đầu mùa hạ, gặp cán bộ trong ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, họ trầm trồ với tôi, nhà báo lên Hương Khê nhớ ghé thăm Công ty Trầm hương Đông Sơn do ông Lê Duy Ân làm Giám đốc, từ một người lính trở về hai bàn tay trắng, ông đã làm nên kỳ tích phát triển cây dó trầm gần 4 ha trên đỉnh núi Phốc Mây, đồng thời tự nghiên cứu, sản xuất, chế biến thành công ra nhiều loại sản phẩm từ tinh dầu trầm loại biệt dược “cứu tinh” chữa khỏi được nhiều bệnh nan y, nhiều sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu được chế biến từ cây dó trầm quý hiếm. Vì thế người dân làm trầm gọi ông là “lão Gàn”.

“Lão Gàn” Lê Duy Ân tư lự, phải làm sao để sản phẩm tinh dầu trầm và hương trầm Hương Khê tỏa hương thơm ngát lan tỏa trong và ngoài nước

Sau lời giới thiệu của cán bộ nông thôn mới, tôi bươm bã giữa cánh rừng bạt ngàn cây dó trầm cứ ngờ ngợ như mình đang lạc giữa khu rừng nguyên sinh nào đây, bởi cả rừng dó trầm cao vút, cây nào cây ấy to cao thẳng tắp trùng điệp thi nhau khép tán. Quan sát về phía góc rừng thấy lão gia đang ngồi như nghiên cứu một vật gì đó trên tay. Thấy tôi xuất hiện lão chưa kịp hỏi, tôi liền giới thiệu về mình, ông tâm đắc với cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa tôi và ông. Không cần phải dài dòng văn tự, ông trầm mặc nhìn ra phía cánh rừng dó rồi miên man kể cho tôi nghe:

Rừng dó trầm trên 30 năm - tài sản vô giá của lão gia Lê Duy Ân

Năm 1980, sau 5 năm gia nhập quân ngũ, trở về địa phương bằng hai bàn tay trắng, với nghị lực của người lính Cụ Hồ. Lê Duy Ân lao vào thương trường với vai nhập cuộc làm nhân viên thu mua dó trầm cho ngành Ngoại thương Nghệ Tĩnh. Theo ông Hân: “Sau một thời gian vật lộn với nguyên liệu dó trầm, tôi tích lũy được chút kiến thức với dược liệu quý hiếm này. Có lẽ ngộ ra dó trầm còn là cây tâm linh nữa, nên tôi mò mẫm rẽ sang hướng phải tự lực cánh sinh mới tạo cho mình được thế đứng trên thương trường nghiệt ngã này, cả quảng thời gian trăn trở. Đến giữa năm 1993 tần tảo tậu mãi mới tậu được 4 ha đất, vào cuộc “trồng cây, gây rừng ngay”. Hương Khê hồi đó cả làng, cả xã phát triển nghề trồng dó trầm nổi lên như cồn, chúng tôi đầu tư ươm cây, bán giống. Cây giống không chỉ bán nội địa mà còn xuất bán ra các tỉnh. Sau một thời gian phát triển Công ty có đồng ra, đồng vào. Từ đó, tôi nuôi giấc mộng phải làm sao tạo được công nghệ tự chế biến chiết xuất tinh dầu trầm, thì mới đưa lại hiệu quả kinh tế thực thụ. Thế là, tôi tập trung dành thời gian, công sức, tiền của, tạo cho mình hướng đi, liều mình đánh bạc với trời “Được ăn cả, ngã về không!”.

GSTSKH Vương Khả Cúc cùng lão gia Lê Duy Ân trao đổi kinh nghiệm tạo trầm trên cây dó

10 năm năm thấp thỏm trồng cây chờ trầm

Qua trình từ trồng cây dó đến khi có trầm không phải ngày một ngày hai mà phải trải qua thời gian đằng đẳng mươi năm, có khi đến vài chục năm. Đời người, chăm chỉ, cần mẫn cũng chỉ vài lần thu hoạch trúng quả lô dó trầm là ổn ngay. Lão rời chỗ ngồi, lết chân vào nhà, đưa ra hai khúc gỗ cắt ngắn bằng cổ tay nói với tôi: Trầm ở Hương Khê có 2 loại: Trầm tự nhiên và trầm nhân tạo. Trầm tự nhiên như này là do loài bướm đẻ trứng trên vết thương cây dó. Trứng bướm nở thành sâu. Sâu đục phá vào thân cây, sản sinh ra nhựa. Trải qua năm tháng từ những “vết thương lòng” đó, nhựa hóa thành trầm. Điều kỳ lạ là ở huyện miền núi Hương Khê không phải nơi nào cũng có loài bướm sâu lạ này. Cho đến nay loài bướm lạ đó mất dần nên người trồng dó phải tạo trầm bằng cách tự đục, khoan lỗ vào thân cây, tạo nên vết thương, cấy chế phẩm sinh học vào. Sau một thời gian những vết thương đó sẽ tạo thành sợi trầm tốc trầm. Quá trình hình thành trầm của cây dó không khác gì quá trình làm ra sản phẩm của Doanh nghiệp Đông Sơn. Cũng trăm nắng ngàn mưa, giông bão, sấm chớp, đổ gãy, thất bại và chỉ đi đến thành công bằng cả nghị lực, ý chí phi thường, bằng lòng kiên nhẫn.

Cán bộ kỹ thuật đang bơm cấy chế phẩm sinh học tạo trầm trên thân cây dó

Nhìn về một cõi xa xăm, rít một điếu thuốc rồi nhả khói cuộn tròn ngửa mặt thả vào cỏi hư vô. Chuyện ông Ân kể với tôi như có chứa đựng chút hư vô: “Dó trầm đâm rễ bám chắc vào lòng đất hút tinh chất từ đất, tắm nắng gội gió, uống mưa từ thiên nhiên, còn tôi bám vào vườn dó, bám vào chính mình, để học theo cây dó trầm mà tồn tại, mà sinh sôi nuôi nấng khát vọng, hoài bão lộc trời đất ban tặng”.

Được biết, cả huyện Hương Khê có cả vạn hộ phát triển cây dó trầm với diện tích lớn, riêng xã Phúc Trạch có trên 1.800 hộ trồng dó với diện tích 350 ha. Nhưng không mấy ai biết được dó trầm dùng để làm gì? Làm sao có thể đánh giá được sản lượng cũng như chất lượng của trầm trong mỗi cây dó. Thiếu hiểu biết, thương mại về thứ dược liệu quý hiếm này nên người trồng dó luôn lo nơm nớp chẳng khác gì đánh bạc với trời!

Tổ chức GFA CHLB Đức kiểm tra chất lượng dó trầm Đông Sơn

Đã gần nửa thế kỷ nay, thương lái từ Huế, Nha Trang, Quảng Nam, thậm chí từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Dubai, CHLB Đức, Philippines, Thái Lan tìm đến vùng nguyên liệu dó trầm Hương Khê, nên “đầu ra” của dó trầm không còn là vấn đề nữa. Nhưng người nông dân chủ yếu bán nguyên liệu thô, thậm chí bán từng cây hay bán quạ cả vườn cho thương lái. Giá cả đều do thương lái định đoạt, nên người trồng dó thiệt đơn, thiệt kép. Bởi thế, giá trị tiềm năng của cây dó trầm có khi người trồng dó chỉ lấy được một phần rất nhỏ, âu cũng chỉ dừng lại từ chỗ hiểu biết thôi!

Khoa học kỹ thuật là then chốt

Đó là lời khẳng định của ông Ân trong cuộc săn lùng tạo nên những sản phẩm quý giá từ tinh dầu trầm.

Trăn trở về điều đó, nên ông Ân đã khăn gói đánh đường ra Hà Nội Nội, tìm đến Học viện Nông nghiệp, Lâm nghiệp, tìm đến các nhà khoa học xin một lời giải thích để được liên kết, giúp đỡ. Duyên lành đã kết nối để lão gia Lê Duy Ân. Nhà khoa học đầu tiên mà ông Ân tiếp cận đó là GS Nguyễn Thế Nhã (ĐH Lâm nghiệp Hà Nội), GSTSKH Vương Khả Cúc,…kể cả một số chuyên gia nước ngoài để rồi, từ đó, các GS đã lựa chọn vườn trầm của ông Ân, một trong những địa chỉ để khảo sát, thực nghiệm, nghiên cứu cho Đề tài khoa học: “Cấy chế phẩm sinh học tạo trầm trên cây dó - Nghiên cứu phát triển bền vững cây hương ở Việt Nam”,… Công trình này có sự phối hợp với GFA CHLB Đức. Trong quá trình thực nghiệm, vườn dó trầm 4ha của ông Lê Duy Ân đã thành công việc tạo trầm bằng phương pháp tạo thương, bơm chế phẩm sinh học vào vết thương cây dó. Ngoài ra, sau thời gian mày mò nghiên cứu, ông Lê Duy Ân còn tìm ra phương pháp tạo trầm bằng tác động của lửa, ông kể, “Tôi đã kết hợp cả hai phương pháp tạo trầm này, kết quả rất khả quan”. Ông Ân bộc bạch.

Cùng với hành trình tạo trầm, ông Lê Duy Ân âm thầm, lặng lẽ chế biến ra các sản phẩm từ trầm.

Một góc hệ thống dây chuyền chưng cất tinh dầu trầm

Ai cũng biết, các sản phẩm hương que, hương nụ, vòng đeo tay, đeo cổ, các sản phẩm trang trí phong thủy, cao trầm, rượu trầm, nước trầm chưng cất,... Nhưng sản phẩm từ Công ty Đông Sơn được khách hàng trong và ngoài nước lựa chọn không chỉ vì chất lượng sạch, an toàn mà mùi thơm bền, lan tỏa xa, nhất là các sản phẩm tinh dầu chữa lành các chứng bệnh nan y như chữa khỏi viêm loét dạ dày, đại tràng, đau răng, tiền ung thư, nhất là bệnh viêm nhiễm nặng vùng kín phụ nữ, chữa lành da lỡ loét các ca bệnh liệt giường lâu ngày,... “Để tạo được sự khác biệt giá trị này, bí quyết của tôi là công nghệ ủ và pha chế”. Ông Ân “bật mí”.

Từ công nghệ tạo trầm đến công nghệ chưng cất tự chế

Nói đến câu chuyện này ông Ân tự hào kể: Tôi đã có dịp trải nghiệm hương nụ, hương que ở Hội An, Huế, thành phố HCM, Hà Nội,… nhưng quả thật, sản phẩm của Công ty Đông Sơn  chúng tôi có sự khác biệt hơn!

Nói đến sản phẩm của Công ty Đông Sơn phải nói đến Công nghệ chưng cất tinh dầu từ nguyên liệu có lẫn trầm. Những người thợ phải thật công phu, tỉ mỉ, gọt bỏ phần giác để có lõi trầm nguyên chất. Những tạp phẩm ấy chứa ít nhiều trầm hương. Đó là một phần nguyên liệu thô để ông chưng cất.

Dựa vào công nghệ chưng cất truyền thống nhiệt độ cao, tinh trầm cuốn theo hơi nước ông Ân tự sáng chế một giàn nồi chưng 9 cái bằng inox. Gỗ trầm nguyên liệu được xay nghiền, ngâm ủ, xử lý đến độ “chín” nẫu, sau đó cho vào nồi chưng. Một mẻ chưng cất mất thời gian đến 30 tiếng đồng hồ liên tục. Sau đó, tách tinh dầu trầm và nước sẽ có dầu trầm tinh chất. Bằng công nghệ đó, “lão Gàn” đã thành công chưng cất cho ra kết quả tất cả các sản phẩm tinh dầu trầm từ đây. (Mặc dù theo phương pháp sản xuất thủ công nhưng đưa lại hiệu quả kinh tế chất lượng, khả quan) đã được tổ chức GFA Certification GmbH Chứng nhận các sản phẩm của Công ty TNHH Trầm hương Đông Sơn Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn quốc gia FSC.

Lão gia Lê Duy Ân lặn lội ra Hà Nội tìm đến GSTSKH Vương Khả Cúc

Khi chúng tôi chia tay ông, ông đã phải chống gậy tiễn khách ra ngõ. Mặc dù ông đã trải qua một cơn đột quỵ bị liệt bán thân, nhưng ơn trời ông vẫn minh mẫn, say sưa kể vanh vách về hành trình sáng chế, về những dự định. Bao nhiêu điều ấp ủ, bao nhiêu tâm huyết. Thoáng chốc, trên nét mặt ông với nỗi lo âu. “Tôi sợ giữa chừng bỏ cuộc, nên bây giờ nếu có ai đầu tư, tôi sẵn sàng bàn giao không suy tính” . Ông giãi bày.

Nỗi niềm của ông Ân cũng là nỗi niềm của những chủ trồng dó trầm, những tổ hợp tác, những Doanh nghiệp đầu tư để làm ra sản phẩm thương hiệu” trầm hương, Hương Khê xuất khẩu ra các nước trong công cuộc hội nhập quốc tế.

Anh Bình - Văn Lê

...