05/12/2024 lúc 22:43 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay

Chuyển đổi số báo chí không chỉ là số hóa nội dung mà còn tích hợp các công nghệ như AI, big data và mạng xã hội, giúp báo chí tương tác tốt hơn với độc giả và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng ở Việt Nam hiện nay tập trung vào sự thay đổi báo chí dưới tác động của công nghệ số.

Bài viết đề cập đến các nội dung trong chuyển đổi số báo chí đa nền tảng và các thách thức pháp lý như quản lý bản quyền, tin giả và bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời đề xuất yêu cầu về xây dựng các quy phạm pháp luật phù hợp với sự phát triển, chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng.

Ảnh minh họa - TL

1. Mở đầu

Hiện nay, công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cách thức mà báo chí vận hành, từ việc thu thập và xử lý thông tin đến cách thức truyền tải nội dung tới độc giả. Việc tích hợp công nghệ không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của báo chí mà còn mở rộng khả năng tiếp cận và tương tác với độc giả toàn cầu, đồng thời tạo ra các mô hình kinh doanh mới cho ngành truyền thông.

Chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng đã và đang thay đổi cách thức hoạt động của báo chí toàn cầu. Sự kết hợp giữa các phương tiện truyền thống và các nền tảng số không chỉ giúp báo chí mở rộng quy mô tiếp cận độc giả mà còn tối ưu hóa hiệu quả làm việc. Độc giả có thể tiếp cận nội dung thông qua nhiều kênh khác nhau, từ báo in, báo điện tử đến video trực tuyến và mạng xã hội. Điều này giúp báo chí không chỉ thích ứng với sự thay đổi của công nghệ mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng trong thời đại số.

2. Chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng

Chuyển đổi số (Digital Transformation) báo chí là quá trình áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào các quy trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ nội dung báo chí, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại. Quá trình này không chỉ giới hạn ở việc chuyển các nội dung báo chí từ dạng in sang dạng số, mà còn bao gồm sự tích hợp của dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và các nền tảng truyền thông xã hội vào quy trình làm báo. Điều này kéo theo sự thay đổi toàn diện của hoạt động báo chí từ mô hình tòa soạn, tổ chức bộ máy, quy trình sản xuất phát triển nội dung, phương thức tác nghiệp, quản lý dữ liệu, văn hoá toà soạn và cả hoạt động lãnh đạo quản lý.

Chuyển đổi số báo chí có thể được hiểu qua ba yếu tố chính: Một là, vấn đề số hóa nội dung, tạo ra các phiên bản kỹ thuật số của các nội dung báo chí truyền thống, như báo in, video, âm thanh, hình ảnh, giúp chúng có thể được phân phối qua mạng internet và các thiết bị số; Hai là, tăng cường khả năng tương tác với độc giả: Sử dụng các công cụ kỹ thuật số để tương tác trực tiếp với công chúng (hiểu công chúng là ai? ở đâu? mong muốn gì?) qua đó thu thập phản hồi, phân tích dữ liệu và cá nhân hóa nội dung theo nhu cầu người dùng. Ba là, tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối: Áp dụng công nghệ vào quy trình làm việc, từ việc thu thập thông tin, biên tập, xuất bản, cho đến phân phối nội dung qua các kênh đa nền tảng như website, mạng xã hội, và ứng dụng di động.

Báo chí đa nền tảng (Multiplatform Journalism) là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các kênh truyền thông truyền thống như báo in, truyền hình, phát thanh không còn giữ vị trí độc tôn. Thay vào đó, báo chí hiện nay được phát triển và phân phối thông qua nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm báo điện tử, mạng xã hội, video trực tuyến, podcast, ứng dụng di động và các nền tảng số khác.

Một số đặc điểm của báo chí đa nền tảng là:

Thứ nhất, báo chí đa nền tảng là sự kết hợp giữa phương tiện truyền thống và nền tảng số. Báo chí đa nền tảng kết hợp các kênh truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình với báo điện tử, mạng xã hội, video trực tuyến và podcast. Điều này giúp tối đa hóa lượng tiếp cận công chúng ở nhiều độ tuổi, thói quen và hoàn cảnh tiêu dùng thông tin khác nhau. Ví dụ, một bài báo có thể được xuất bản dưới dạng bài viết trên trang web, video trên YouTube, và bản tin ngắn trên Facebook hoặc Instagram. Việc tích hợp các nền tảng này giúp thông tin tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả với những sở thích và nhu cầu khác nhau.

Thứ hai, báo chí đa nền tảng có sự linh hoạt và đa dạng trong định dạng nội dung. Báo chí đa nền tảng cung cấp nội dung dưới nhiều định dạng khác nhau: từ bài viết văn bản truyền thống, video, hình ảnh, đến đồ họa thông tin và podcast. Độc giả có thể tiếp cận thông tin thông qua hình thức mà họ ưa thích nhất, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng cường mức độ tương tác. Đặc biệt, báo chí đa nền tảng còn có khả năng sử dụng dữ liệu lớn để cá nhân hóa nội dung, cung cấp các thông tin theo sở thích của từng người dùng. Điều này giúp cơ quan báo chí duy trì và tăng cường sự gắn kết với độc giả, đồng thời tăng cơ hội để độc giả thuận lợi duy trì sự theo dõi với sản phẩm báo chí.

Thứ ba, báo chí đa nền tảng là sự tích hợp của mạng xã hội. Mạng xã hội đã trở thành một kênh thông tin quan trọng, đóng vai trò cầu nối giữa cơ quan báo chí và công chúng. Facebook, Twitter, Instagram, YouTube, TikTok đều trở thành những kênh truyền tải tin tức hàng đầu, với lượng người dùng khổng lồ và tính tương tác cao. Mạng xã hội không chỉ giúp báo chí đưa tin nhanh chóng, mà còn cho phép độc giả chia sẻ và phản hồi về nội dung tức thời. Từ đó, báo chí có thể nhận được những phản hồi trực tiếp từ công chúng, nhanh chóng điều chỉnh thông tin hoặc thậm chí cập nhật nội dung theo thời gian thực.

Thứ tư, sự gia tăng của báo chí video và truyền hình ảnh trực tiếp. Với sự phát triển của công nghệ video và truyền hình ảnh trực tiếp (livestream), nhiều cơ quan báo chí đang chuyển hướng mạnh mẽ sang báo chí video và truyền hình ảnh trực tiếp. Những bản tin trực tiếp (livestream) cho phép khán giả theo dõi các sự kiện theo thời gian thực, giúp tăng tính tức thời và sự tin cậy của báo chí.

Các nền tảng như YouTube, Facebook Live, và TikTok đang trở thành những công cụ quan trọng cho việc phân phối tin tức dưới dạng video. Video có khả năng thu hút sự chú ý cao hơn so với các bài viết văn bản, và từ đó tạo ra một lượng tương tác lớn hơn.

Thứ năm, phân phối và cá nhân hóa nội dung qua ứng dụng di động. Ứng dụng di động của các báo điện tử ngày càng trở nên phổ biến, giúp độc giả dễ dàng truy cập thông tin mọi lúc, mọi nơi. Thông qua ứng dụng di động, các cơ quan báo chí có thể phân phối tin tức nhanh chóng và cập nhật theo thời gian thực, đồng thời sử dụng các tính năng để giữ độc giả liên tục tương tác với nội dung. Nhiều ứng dụng di động cho phép cá nhân hóa trải nghiệm đọc tin bằng cách phân tích dữ liệu người dùng, từ đó gợi ý các bài báo phù hợp với sở thích của từng cá nhân.

Thứ sáu, tối ưu hóa quy trình sản xuất tin tức nhờ công nghệ. Báo chí đa nền tảng không chỉ thay đổi cách thức phân phối tin tức mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung. Các công nghệ như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và điện toán đám mây giúp cơ quan báo chí sản xuất tin tức nhanh hơn, chính xác hơn, và có thể đáp ứng nhu cầu của công chúng trong thời gian ngắn nhất. Trí tuệ nhân tạo có thể được sử dụng để tự động hóa việc viết tin tức, phân tích dữ liệu, và thậm chí dự đoán nhu cầu đọc tin của độc giả. Dữ liệu lớn giúp các tờ báo hiểu rõ hơn về hành vi và sở thích của độc giả, từ đó điều chỉnh nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Một số xu hướng chính của báo chí đa nền tảng được các nhà khoa học nghiên cứu và nhận định trong bối cảnh toàn cầu:

Phát triển báo chí dữ liệu (data journalism): Nghiên cứu từ Reuters Institute cho thấy báo chí dữ liệu đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện chất lượng tin tức và tạo ra sự khác biệt trong thị trường truyền thông. Báo chí dữ liệu không chỉ cung cấp thông tin dưới dạng văn bản mà còn qua các hình ảnh trực quan, biểu đồ và các công cụ tương tác, giúp độc giả hiểu sâu hơn về các sự kiện phức tạp.

Báo chí di động (mobile journalism): Với sự phổ biến của điện thoại thông minh và kết nối internet di động, các nền tảng báo chí số hiện nay phải thích nghi để tối ưu hóa nội dung cho các thiết bị di động. Theo một nghiên cứu của Pew Research Center, hơn 60% độc giả trên toàn thế giới tiếp cận thông tin thông qua điện thoại di động. Xu hướng này dẫn đến việc các tòa soạn báo không chỉ tập trung vào việc sản xuất nội dung mà còn chú trọng vào hình thức và trải nghiệm người dùng trên các nền tảng di động.

Báo chí đa phương tiện (multimedia journalism): Báo chí hiện đại không chỉ sử dụng văn bản mà còn kết hợp hình ảnh, video, podcast, và đồ họa tương tác để thu hút người đọc. Các nền tảng như YouTube, TikTok và Spotify đang dần trở thành những kênh quan trọng của các cơ quan báo chí. Các tờ báo truyền thống cũng đang tìm cách tận dụng các công nghệ này để mở rộng đối tượng độc giả.

Phát triển các mô hình báo chí dựa trên đăng ký trả phí: Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã chuyển sang mô hình đăng ký trả phí (subscription-based models) nhằm bảo đảm tính bền vững về tài chính trong bối cảnh doanh thu quảng cáo giảm sút. Các tờ báo lớn như The New York Times, The Washington Post và Financial Times đều đã thành công trong việc triển khai mô hình này. Báo chí trả phí đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí điều tra và nội dung chuyên sâu.

Sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo và tự động hóa trong báo chí: Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được sử dụng rộng rãi trong việc tự động hóa các quy trình báo chí, bao gồm cả việc sản xuất và phân phối nội dung. Một số cơ quan báo chí lớn như Associated Press đã sử dụng AI để tự động viết báo cáo tài chính và các bài báo thể thao. AI không chỉ giảm bớt khối lượng công việc của nhà báo mà còn giúp phân tích dữ liệu và cá nhân hóa nội dung cho độc giả.

Tin tức do người dùng tạo ra (user-generated content): Các nền tảng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube đã mở rộng không gian để người dùng có thể tạo ra và chia sẻ nội dung. Điều này đã thay đổi bản chất của báo chí truyền thống, từ việc chỉ có các nhà báo chuyên nghiệp mới sản xuất tin tức, giờ đây, công chúng cũng đóng vai trò tích cực trong việc đưa tin và tạo ra các cuộc thảo luận công khai. Các nền tảng như Reddit và Medium là minh chứng cho sự phát triển của nội dung do người dùng tạo ra, với tính tương tác và lan truyền cao.

3. Chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng ở Việt Nam

Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 06-4-2023 xác định mục tiêu tới năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa các nội dung lên các nền tảng số; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Như vậy, xu hướng số hóa đã không còn là khái niệm mơ hồ mà đã được đề ra trong chiến lược phát triển báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là một tất yếu mà báo chí Việt Nam buộc phải tiệm cận để tiến đến một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa phương tiện, đa nền tảng… phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội cao nhất khu vực Đông Nam Á, với 78,44 triệu người dùng (tính đến tháng 1-2024)(1). Điều này tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí mở rộng quy mô tiếp cận độc giả không chỉ trong nước mà còn quốc tế, thông qua các nền tảng số như Facebook, YouTube, TikTok và các ứng dụng di động.

Nhiều tòa soạn báo tại Việt Nam đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, kết hợp các bộ phận báo in, báo điện tử, truyền hình và phát thanh vào một hệ thống quản lý chung. Các báo như VnExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ đã đầu tư vào công nghệ số hóa quy trình sản xuất tin tức, từ đó giúp tăng tính hiệu quả và mở rộng khả năng sáng tạo nội dung.

Tăng cường tương tác với độc giả: Mạng xã hội và các nền tảng truyền thông số cho phép báo chí tiếp cận và tương tác với độc giả một cách tức thời. Nhiều tờ báo đã triển khai các kênh mạng xã hội mạnh mẽ, với khả năng tương tác cao, giúp tăng cường niềm tin và tạo mối liên kết với độc giả, đồng thời cung cấp cơ hội thu thập phản hồi từ người dùng thông tin.

Bên cạnh những cơ hội, báo chí Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức:

Thứ nhất, sự cạnh tranh gay gắt với các nền tảng nước ngoài. Mặc dù báo chí Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng thông tin quốc tế như Facebook, YouTube, và các trang tin tức nước ngoài. Những nền tảng này thu hút lượng lớn người dùng và quảng cáo, khiến báo chí trong nước khó khăn trong việc duy trì doanh thu và thu hút độc giả.

Thứ hai, báo chí Việt Nam, giống như báo chí các nước khác, đang phải đối mặt với vấn nạn tin giả lan truyền trên mạng xã hội. Tin tức không chính xác, thông tin không kiểm chứng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến xã hội và làm suy yếu uy tín của các cơ quan báo chí. Việc kiểm soát và xử lý tin giả đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý nhà nước, cùng với việc áp dụng các biện pháp pháp lý nghiêm khắc.

Thứ ba, báo chí gặp khó khăn trong việc bảo vệ bản quyền. Trong môi trường số, việc vi phạm bản quyền trở nên phổ biến hơn, với việc sao chép, chia sẻ nội dung báo chí mà không xin phép tác giả. Nhiều tờ báo tại Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hiệu quả để bảo vệ bản quyền nội dung của mình, dẫn đến việc thất thoát doanh thu từ các nội dung sáng tạo.

Thứ tư, sự hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực. Mặc dù có sự đầu tư vào công nghệ và chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam vẫn gặp khó khăn về mặt tài chính và nguồn lực để thực hiện một cách triệt để quá trình chuyển đổi số. Sự thiếu hụt nhân sự có trình độ cao về công nghệ và quản lý dữ liệu cũng là một rào cản lớn.

Thứ năm, thói quen tiếp nhận và sử dụng nội dung báo chí thay đổi. Sự gia tăng của các nền tảng xã hội và các kênh thông tin không chính thức đã thay đổi cách thức người dân tiếp cận và tiêu thụ tin tức. Độc giả ngày càng có xu hướng ưa chuộng nội dung ngắn gọn, trực quan và giải trí hơn là các bài viết phân tích chuyên sâu. Điều này buộc các tòa soạn phải thay đổi cách thức sản xuất và định dạng nội dung để duy trì sự quan tâm của độc giả.

4. Các thách thức pháp lý và đề xuất giải pháp hoàn thiện Luật Báo chí phù hợp với chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng hiện nay

Thứ nhất, những thách thức pháp lý nổi bật trong chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng

Sự bùng nổ của công nghệ số đã tạo ra một môi trường báo chí hoàn toàn mới, nơi mà các quy tắc pháp lý truyền thống đôi khi không còn phù hợp. Việc các quy định pháp lý phù hợp với sự phát triển công nghệ trong báo chí đa nền tảng là một yêu cầu cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý tin giả và quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội ngày càng trở nên phức tạp.

Trong bối cảnh này, có thể khái quát những thách thức pháp lý nổi bật bao gồm:

Một là, quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền: Trong môi trường số, việc sao chép, chia sẻ và phát tán nội dung trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền phổ biến. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh các quy định về bảo vệ quyền tác giả trong không gian số, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tác giả và cơ quan báo chí.

Hai là, bảo vệ dữ liệu cá nhân: Báo chí số thu thập lượng lớn dữ liệu từ người dùng, từ thông tin cá nhân đến thói quen sử dụng nội dung. Điều này đòi hỏi luật pháp phải cập nhật để bảo đảm rằng quyền riêng tư của người dùng được bảo vệ trong khi vẫn bảo đảm tính tự do báo chí.

Ba là, xử lý tin giả và thông tin sai lệch: Môi trường số là nơi mà tin giả và thông tin sai lệch có thể lan truyền nhanh chóng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cho hệ thống pháp lý phải phát triển các cơ chế xử lý và chế tài nghiêm khắc đối với việc phát tán thông tin sai lệch trên các nền tảng số.

Bốn là, trách nhiệm của các nền tảng kỹ thuật số: Các nền tảng như Facebook, YouTube, và Twitter không chỉ là kênh phân phối nội dung mà còn chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát nội dung vi phạm pháp luật, chẳng hạn như tin giả, nội dung gây thù hận, hoặc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc xây dựng khung pháp lý quy định trách nhiệm của các nền tảng này là điều cần thiết để bảo đảm quyền lợi và an toàn cho người dùng.

Năm là, quản lý nội dung trên các nền tảng số: Báo chí ngày càng phát triển trên nhiều nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội, website, ứng dụng di động và video trực tuyến. Điều này đặt ra những thách thức trong việc kiểm soát nội dung, đặc biệt là khi các nền tảng này không chịu sự kiểm soát trực tiếp từ cơ quan quản lý báo chí. Trách nhiệm của cơ quan báo chí và các nền tảng phân phối nội dung cũng cần được làm rõ trong hệ thống pháp luật

Trong bối cảnh chuyển đổi số, hệ thống pháp luật cần được điều chỉnh nhanh chóng để bắt kịp với những thay đổi của môi trường truyền thông. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn các hoạt động báo chí trên nền tảng số mà còn bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền riêng tư, và tính minh bạch trong hoạt động truyền thông.

Thứ hai, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật để phù hợp với thực tiễn phát triển của báo chí đa nền tảng

Dựa trên việc phân tích các thách thức pháp lý mà báo chí phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số, cần nghiên cứu các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về báo chí phù hợp với bối cảnh phát triển của báo chí đa nền tảng. Bao gồm:

Sửa đổi và bổ sung quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số: Để ngăn chặn các hành vi vi phạm, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong đó có các quy định cụ thể để bảo vệ quyền của các tác giả và chủ sở hữu bản quyền trên môi trường mạng như: về căn cứ xác lập quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký” (khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ). Ngoài ra, đối với các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định: “a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; c) Tác phẩm báo chí”. Như vậy, sản phẩm báo chí là một trong những đối tượng đang được pháp luật bảo hộ về quyền tác giả và mọi hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực báo chí đều là hành vi cần bị lên án. Luật pháp liên quan đến báo chí cần bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo vệ bản quyền trong không gian số, bao gồm các cơ chế bảo vệ quyền tác giả và cách thức xử lý vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến. Điều này có thể bao gồm việc tăng cường các chế tài xử lý vi phạm, đồng thời, thúc đẩy các cơ chế bảo vệ bản quyền trên nền tảng số, như hệ thống báo cáo vi phạm bản quyền tự động.

Thiết lập các quy định chặt chẽ về xử lý tin giả: Thuật ngữ “thông tin giả mạo” xuất hiện 8 lần trong Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, tuy nhiên, ngay cả trong nghị định hay các văn bản pháp luật khác như Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản trong lĩnh vực thông tin, truyền thông khác, đều chưa đề cập tới khái niệm tin giả. Ngoài ra, trong Luật An ninh mạng năm 2018 cũng chỉ đề cập tới thuật ngữ “thông tin sai sự thật” hai lần, mà không đề cập tới tin giả, hay hành vi liên quan tới tin giả.

Chính vì thế, cần quy phạm hóa khái niệm tin giả vào các văn bản quy phạm pháp luật. Có như vậy, nhà quản lý cũng như người dân có thể hiểu, nhận diện được thế nào là tin giả. Đồng thời, cần bổ sung các quy định trong Luật Báo chí về trách nhiệm của các cơ quan báo chí và các nền tảng truyền thông trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý thông tin sai lệch. Các giải pháp pháp lý có thể bao gồm quy định bắt buộc về việc cung cấp công cụ kiểm tra độ xác thực của thông tin trước khi phát hành, cùng với chế tài xử lý nghiêm khắc các vi phạm liên quan đến tin giả.

Quy định rõ ràng hơn về quản lý nội dung trên nền tảng số: Luật Báo chí cần cập nhật các quy định về trách nhiệm quản lý nội dung trên các nền tảng số. Điều này bao gồm việc xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan báo chí khi phát hành nội dung trên mạng xã hội hoặc các kênh số khác, cũng như yêu cầu các nền tảng này hợp tác với cơ quan chức năng để kiểm soát nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định tại điều 9 Luật Báo chí năm 2016, như tin giả hay thông tin vi phạm quyền riêng tư, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, phương hại tới lợi ích của đất nước và của nhân dân.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư, bí mật cá nhân trong hoạt động báo chí: Việt Nam đã công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành như Luật Báo chí, Luật An toàn thông tin mạng... Tuy nhiên, chế tài xử phạt hay xử lý hình sự các tội liên quan đến xâm phạm bí mật đời tư còn chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình thu thập và xử lý thông tin của các cơ quan báo chí. Điều này có thể bao gồm yêu cầu các cơ quan báo chí tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo mật dữ liệu cá nhân, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dùng về việc dữ liệu cá nhân của họ được sử dụng như thế nào và trong các trường hợp cần thiết, yêu cầu sự đồng ý của người dùng trước khi xử lý dữ liệu của họ.

Đặt trách nhiệm pháp lý cho các nền tảng công nghệ lớn: các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới được hưởng lợi không nhỏ từ việc cho phép người dùng được đăng tải tin tức trên các trang cá nhân, song điều đó không có nghĩa là họ được phép phớt lờ trách nhiệm, bỏ qua việc kiểm soát tin giả, tin có nội dung xấu, độc. Thực tế này cho thấy, việc thắt chặt quản lý các nền tảng mạng xã hội là cần thiết và quan trọng, thúc đẩy vai trò chủ động kiểm duyệt nội dung xuất hiện trên các nền tảng xã hội, góp phần bảo vệ môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Hơn nữa, việc yêu cầu các công ty công nghệ phải điều chỉnh, có trách nhiệm tuân thủ các quy định, luật pháp của nước sở tại cũng là một yêu cầu bắt buộc nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng mạng xã hội, đồng thời góp phần củng cố và khẳng định chủ quyền của quốc gia trên không gian mạng.

Tăng thẩm quyền cho các cơ quan quản lý trong việc thực thi biện pháp ngăn chặn khi phát hiện hoặc nhận được các thông báo về các thông tin vi phạm xuất hiện trên các mạng xã hội hoặc khi các nền tảng này không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm; buộc các nền tảng xuyên biên giới phải thực hiện quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền và phải thành lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng.

Cần xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của các nền tảng công nghệ lớn trong việc quản lý nội dung và bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về báo chí. Điều này có thể bao gồm việc yêu cầu các nền tảng phải có cơ chế báo cáo vi phạm hiệu quả, cung cấp công cụ kiểm soát nội dung phù hợp với các tiêu chuẩn của pháp luật, và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.

5. Kết luận

Báo chí đa nền tảng tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, song song với sự bùng nổ của công nghệ số và các thiết bị di động. Các cơ quan báo chí truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình đang nhanh chóng thích nghi với môi trường số, chuyển mình thành các nền tảng đa phương tiện để tiếp cận độc giả ở nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, quá trình này không hề đơn giản và vẫn còn nhiều cơ hội cũng như thách thức mà báo chí Việt Nam phải đối mặt.

Chuyển đổi số và báo chí đa nền tảng không chỉ là xu hướng tất yếu của thời đại mà còn đặt ra nhiều thách thức pháp lý cần được giải quyết thông qua việc điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Luật pháp cần phát triển để thích ứng với sự thay đổi không ngừng của công nghệ, bảo đảm báo chí có thể phát triển bền vững trong môi trường số hóa.

TS NGUYỄN THÙY VÂN ANH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

_________________

(1) “Làm thế nào để phát triển Internet Việt Nam an toàn, bền vững?”, vietnamplus.vn, đăng ngày: 08-06-2024.

...