12/01/2025 lúc 21:07 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển đổi số tạo cơ hội để đại chúng hoá văn hoá, thu hẹp khoảng cách tiếp cận và thụ hưởng văn hoá

“80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” là chủ đề Hội thảo Khoa học cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng 27/2 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu tại Hội nghị. VNHN trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Kính thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu dự Hội thảo!

Tôi xin phép phát biểu một số ý về chuyển đổi số và chuyển đổi số lĩnh vực văn hoá.

“Dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá” là cách tiếp cận phổ quát để phát triển nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Kinh tế, văn hoá, xã hội và chính trị chắc cũng cần cách tiếp cận này. Chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam cũng dựa trên các nguyên tắc này.

“Văn hoá soi đường cho quốc dân đi” là hàm ý làm gì thì cũng phải đi con đường Việt Nam. CĐS Việt Nam cũng cần có lý luận Việt Nam về CĐS. Lý luận về CĐS Việt Nam đang được hình thành. Đó là toàn dân và toàn diện, là lấy người dân làm trung tâm, là không ai bị bỏ lại phía sau, là dựa trên các nền tảng số Make in Việt Nam, là CĐS để giải quyết những bài toán lớn quốc gia, là công nghệ cao giải những bài toán “nhỏ” nhưng thiết thực của người dân, là CĐS từng lĩnh vực, từng ngành. CĐS là phương thức phát triển mới, là cơ hội để Việt Nam phát triển bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia.

CĐS Việt Nam muốn thành công thì phải đi con đường Việt Nam, dựa trên ngữ cảnh Việt Nam, dựa trên đặc điểm và sức mạnh cốt lõi Việt Nam. Tức là phải dân tộc hoá.

CĐS thì phải dựa trên khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST), phải sử dụng những công nghệ mới của CMCN 4.0, phải sử dụng những thành tựu mới của nhân loại. Tức là, phải khoa học hoá, thời đại hoá. CĐS thì phải toàn dân và toàn diện, tức là đại chúng hoá bằng cách công nghệ thì cao, giá thì rẻ, dùng thì dễ, càng dùng nhiều càng rẻ, càng dùng nhiều thì sản phẩm càng tốt lên để đưa các sản phẩm công nghệ số hiện đại tới được mọi người dân, mang lại lợi ích cho từng người dân.

CĐS là tạo ra một thế giới ảo bên cạnh thế giới thực. Hai thế giới này có ánh xạ 1-1 vào nhau, từ thực vào ảo và ngược lại, từ ảo về thực. Những gì khó giải quyết trong thế giới thực thì mang nó vào thế giới ảo (hay còn gọi là thế giới số) để giải quyết, rồi khi cần thì lại ánh xạ từ thế giới số vào thế giới thực.

Hãy thử bàn về CĐS văn hoá.

Văn hoá thì cần bảo tồn. Bảo tồn trong thế giới thực là cần thiết, nhưng tốn kém và di sản cũng dần bị mai một. Số hoá các di sản, các nhà bảo tàng thì lưu trữ được lâu dài, không bị mai một, chi phí thấp, có cả phiên bản 3D với độ chính xác cao và khi cần có thể dựng lại. Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội lưu trữ lâu dài và rẻ như bây giờ.

Văn hoá thì cần phổ cập đến đại chúng. Đưa văn hoá lên môi trường số rồi thể hiện nó trên đa nền tảng. Có phiên bản trên trang Web của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT &DL), trang Web của các địa phương; có phiên bản trên các báo điện tử, các đài truyền hình của Việt Nam; có phiên bản Youtube, FB, Zalo, Tik Tok,... Đa nền tảng như vậy thì văn hoá sẽ đến được toàn dân, đến được mọi tầng lớp. Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hoá văn hoá, thu hẹp khoảng cách tiếp cận và thụ hưởng văn hoá như bây giờ.

Hãy lấy thí dụ về sách. Thời CĐS thì một quyển sách ra đời là phải nghĩ ngay đến các phiên bản của nó. Phiên bản trên Facebook, Youtube là thế nào; phiên bản trên Tik Tok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm là gì và rồi phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức của nó ra sao; phiên bản tóm tắt, phiên bản điện tử đầy đủ, phiên bản hoạt hình, phiên bản nhắn tin trên di động, phiên bản dưới dạng các câu trích dẫn ngắn để khai sáng, gây cảm hứng tư duy, phiên bản âm thanh, rồi cả phiên bản in đẹp và cao cấp, v.v...

Quyển sách vẫn là quyển sách, nhưng vô vạn hình tướng. Vô vạn hình tướng là cách để sách đến được hàng triệu người. Một quyển sách in có thể tiếp cận chỉ hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người nhưng hình tướng ngắn gọn và đa nền tảng của nó có thể tới được hàng triệu người và nhiều hơn nữa. Vì thế mà giá trị của nó cũng tăng lên. Không nên ngại vô vạn hình tướng vì con người có xu thế tìm đến cái gốc khi thực sự quan tâm và đó là tương lai của sách. Để vô vạn hình tướng và đa nền tảng thì chỉ có công nghệ, nhất là công nghệ số mới có thể giúp được. Vậy là sách bây giờ có thể đi xa hơn trước đây rất nhiều. Tương lai của sách là xán lạn, nếu nhìn dưới góc nhìn này.

Văn hoá thì cần giáo dục. Giáo dục từ nhỏ và giáo dục liên tục cả đời. Cách học bây giờ cũng có thay đổi. Thay vì đọc, thay vì đi học thì con người có xu thế khi cần thì hỏi. Hỏi thì có người đáp chính xác và gọn.

Chúng ta mà xây dựng được một trợ lý ảo dạng như ChatGPT chỉ chuyên về văn hoá Việt Nam, để mọi người Việt Nam có thể vào đấy đối thoại, có cái thì hỏi, có cái thì nói chuyện để mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi 24/7 thì đó là cách truyền bá văn hoá Việt Nam tốt nhất. ChatGPT là về mọi lĩnh vực, cho mọi quốc gia nên rất khó đạt đến mức xuất sắc nhưng nếu xây dựng ChatVanhoaVietNam với dữ liệu phải xử lý giảm đi hàng ngàn lần thì nó sẽ đạt được mức xuất sắc. ChatVanhoaVietNam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng cũng giúp cho người Việt Nam hiểu giống nhau và làm giống nhau về văn hoá Việt Nam.

Văn hoá muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp văn hoá, một thị trường văn hoá. Kinh tế số của một số nước đã chiếm trên 50% GDP, ngành công nghiệp văn hoá trên môi trường số chắc cũng sẽ phải 50%. Ngành công nghiệp văn hoá sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều nếu nhiều người hơn có thể tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi chúng ta cung cấp các công cụ sáng tạo số cho người dân thông qua một nền tảng số. Thí dụ, Tik Tok là một nền tảng tạo ra các video ngắn. Một sàn thương mại điện tử về các sản phẩm văn hoá cũng sẽ giúp phát triển thị trường văn hoá.

CĐS là tạo ra một môi trường sống mới, môi trường số bên cạnh môi trường thực mà chúng ta đã quen qua hàng ngàn năm. Môi trường mới thì cũng cần văn hoá mới, con người mới. Đó là văn hoá số, con người số. Trước đây trong môi trường thực, một người nói cũng chỉ chục người nghe, bây giờ trong môi trường số, một người nói có cả triệu người nghe thấy, giống như một tờ báo vậy, ứng xử cũng phải khác, trách nhiệm cũng phải khác.

Việc hình thành văn hoá số, rồi tuyên truyền thường xuyên và đưa vào từ giáo dục từ phổ thông là cần thiết. Phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh CMCN lần thứ tư.”

Cách mạng văn hoá muốn hoàn thành thì phải do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Muốn vậy, các nền tảng số của văn hoá Việt Nam phải do Đảng lãnh đạo xây dựng. Đầu tư của nhà nước để tạo thành các nền tảng số cơ bản của văn hoá Việt Nam là cần thiết. Đầu tư này là không lớn, chỉ một vài phần trăm so với đầu tư vật chất cho lĩnh vực văn hoá và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển làm chủ các nền tảng này.

Bộ về văn hoá thì sợ làm công nghệ, Bộ về công nghệ thì sợ làm nội dung văn hoá. Bởi vậy, các nền tảng về công nghệ để CĐS lĩnh vực văn hoá thì Bộ TT&TT, ngành TT&TT có thể giúp. Còn nội dung thì chỉ có ngành văn hoá mới đưa lên được.

Lĩnh vực văn hoá cần có nhân lực số để làm CĐS, trước mắt có thể dùng lực lượng CĐS số đang rất dồi dào của ngành TT&TT. Sự kết hợp này sẽ thúc đẩy nhanh CĐS trong sự phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Cái gì dễ thì làm, cái gì khó thì hợp tác, bởi vì cái gì dễ với mình thì chắc ít ai làm được, còn cái gì khó với mình thì ngoài kia sẽ có người làm rất dễ.

Bộ TT&TT xin được đồng hành cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng các nền tảng số của văn hoá Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông