Theo thông tin từ Bộ Y tế, Chính phủ Úc đã cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vắc-xin Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Úc để đưa vắc xin về Việt Nam trong tuần tới.
Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vắc-xin, bao gồm: 0,7 triệu liều vắc-xin do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vắc-xin do Moderna sản xuất. Số vắc-xin này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Úc và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.
Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vắc-xin do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Úc viện trợ thông qua UNICEF. Phía Úc đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.
Phía Úc sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vắc-xin để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tập huấn chuyên môn, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng. Ngay sau khi vắc-xin về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vắc-xin sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4.
Theo Bộ Y tế, bên cạnh nguồn vắc xin hỗ trợ của Chính phủ Úc, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vắc xin khác từ các tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và chính phủ các nước… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vắc xin phòng Covid - 19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.
Việc tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi được Thủ tướng đề cập đến từ cuối tháng 12/2021. Đến cuối tháng 1, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Chính phủ và được chấp thuận chủ trương mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer. Đầu tháng 3, Bộ Y tế cho biết chuẩn bị ký hợp đồng với Pfizer tuy nhiên đến nay chưa thực hiện, nhiều lần bị Thủ tướng yêu cầu giải trình và kiểm điểm.
Tại báo cáo giải trình gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 11/3, Bộ Y tế cho biết đã khẩn trương làm việc với Pfizer để thương thảo, hoàn thiện các nội dung của dự thảo hợp đồng mua vắc xin. Việc hoàn thiện hợp đồng phụ thuộc nhiều vào phía Pfizer là phía soạn thảo hợp đồng, Bộ Y tế không chủ động được.
Ngày 23/3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên trả lời báo chí, cho biết vắc-xin được cấp phép song diễn biến dịch đã khác so với kế hoạch cũ, số trẻ mắc Covid-19 tăng lên. Một số tổ chức muốn hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam song chưa nêu cụ thể thời gian và số lượng. Trong khi đó, vắc xin tiêm cho trẻ 5-11 tuổi không thể tiêm cho đối tượng khác, có thể gây thừa hoặc thiếu vắc xin; số đã mua sẽ không được chuyển nhượng, tặng hoặc bán. Vì vậy, Bộ Y tế gặp khó, dẫn đến chậm trễ mua và phải tính toán lại lượng vắc xin cần thiết cho trẻ 5-11 tuổi.
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đến chiều ngày 27/3, cả nước đã tiêm hơn 205 triệu liều. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng tốc đẩy nhanh tiêm mũi 3 và chuẩn bị sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11; nghiên cứu việc tiêm mũi 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Đến nay đã có 47/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 trên 95%; Còn 16/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 90% đến dưới 95%.
Số vắc-xin phòng Covid-19 đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.139.132 liều, trong đó mũi 1: 8.784.564 liều; Mũi 2: 8.354.568 liều.
Đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 trên 90%; Còn lại 6/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 dưới 90%.
Tính tổng cả mũi 3, mũi bổ sung và 1,5 triệu mũi 3 của vắc-xin Abdala đến nay cả nước đã tiêm khoảng hơn 48,5 triệu liều mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19. Tại các tỉnh, thành phía bắc, tỷ lệ tiêm đạt 52,3%, trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tiêm nhiều nhất với 88,3%; Tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung, tỷ lệ tiêm đạt 39,9%; Tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên là 26,7% và các tỉnh, thành khu vực miền Nam là 45,5%.