19/04/2024 lúc 12:16 (GMT+7)
Breaking News

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp: Để cho chúng tôi một lối thoát!

Phát biểu trên được ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nêu ra tại hội nghị "Về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, ngành xây dựng có sự tăng trưởng hết sức rõ rệt so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp như Hòa Bình (HoSE: HBC), Vinaconex (HoSE: VCG), Delta, Newtecons…. có mức tăng trưởng 300% - 500%. Điều đó chứng tỏ các biện pháp của Chính phủ đã có hiệu quả nhất định.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Tuy nhiên, so với kế hoạch đặt ra thì hầu hết các doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt. 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất nói chung chỉ đạt 28% - 40% kế hoạch năm, tức chỉ đạt 60% - 80% kế hoạch 6 tháng, kể cả doanh thu lẫn sản lượng. Chẳng hạn như VCG, sản lượng thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5.000 tỷ đồng, mới chỉ đạt 36% kế hoạch đề ra. Còn mục tiêu doanh thu năm 2022 là 11.300 tỷ đồng, 6 tháng mới thực hiện được 3.600 tỷ đồng (31,8%).

Tại hội nghị, Chủ tịch VACC chỉ ra 6 vấn đề của ngành xây dựng và doanh nghiệp xây dựng hiện nay.

Vấn đề đầu tiên là số lượng công việc 6 tháng qua dù có khá hơn năm 2021 song vẫn còn rất ít. Tình trạng vướng mắc pháp lý khiến số dự án triển khai năm nay ít ỏi. Sở dĩ năm 2022 sáng hơn năm 2021 là do vốn FDI đổ vào Việt Nam khá nhiều.

“Có thể nói lượng công việc do doanh nghiệp FDI mang lại cho ngành xây dựng là rất lớn, chiếm 30% tổng số công việc. Hiện có những dự án rất lớn, chẳng hạn như Lego ở Bình Dương có tổng giá trị gói thầu lên tới 400 triệu USD”, ông Hiệp nói.

Tuy nhiên, điều trục trặc là với các dự án có vốn FDI, chỉ có doanh nghiệp xây dựng cỡ lớn mới vào được. Điều này dẫn tới tình trạng phân hóa trong ngành xây dựng. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh thì chết dần, thậm chí chết rất nhanh.

Đáng chú ý, ông Hiệp cho biết các doanh nghiệp xây dựng hiện không muốn làm dự án trong nước. Đặc biệt, các dự án đầu tư công thì doanh nghiệp xây dựng rất sợ. Nguyên nhân chính là giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, ông Hiệp cho biết như dầu diesel, nếu dự án trúng thầu vào quý IV/2020 thì đến nay, giá dầu đã tăng từ mức 12.000 – 12.600 đồng/lít lên 30.000 đồng/lít, tức tăng 240%. Giá thép so với đầu năm 2021 đã tăng 20% - 60%.

Giá đất đắp nền, giá đá, giá cát… cũng tăng mạnh; đơn cử giá cát cuối năm 2020 là 300.000 – 320.000 đồng/m3 thì bây giờ là 360.000 đồng/m3. Giá nhựa đường vào cuối quý IV/2020 là 11.000 đồng/kg thì giờ đã là 15.500 đồng/kg. Giá xi mămg cũng tăng từ 1.400 đồng/kg lên 1.980 đồng/kg.

Giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá khiến doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ

Vấn đề thứ hai của doanh nghiệp xây dựng đang vướng mắc là nhân công lao động. Đặc thù của ngành xây dựng là sử dụng nhiều lao động thời vụ (70%). Tuy nhiên, sau dịch, lực lượng này không quay lại công trường như mong muốn.

Theo ông Hiệp, Thanh Hóa là tỉnh cung cấp thợ hoàn thiện nhiều nhất nhưng sau dịch thì phần lớn công nhân xây dựng đi làm du lịch nên không quay lại. Mặt khác, đơn giá nhân công cũng tăng 25% - 30% khiến việc tìm kiếm công nhân rất khó khăn.

Vấn đề tiếp theo là các thủ tục về giao nhận thầu. Bởi theo ông Hiệp, doanh nghiệp xây dựng khổ nhất trong các loại doanh nghiệp vì phải phục vụ tất cả đối tượng.

Vấn đề thứ tư là doanh nghiệp xây dựng vấp phải quy định “oái ăm” về phòng cháy chữa cháy. “Không ở đâu mà một nước đang phát triển như Việt Nam lại có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cao như các nước phát triển. Tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy của Việt Nam lấy theo tiêu chuẩn của Mỹ và có thêm thắt thêm. Tiêu chuẩn của ta gần như cao nhất thế giới”, ông Hiệp than thở.

Theo Chủ tịch VACC, hiện nay có những yêu cầu rất đặc biệt về vật liệu phòng cháy chữa cháy, chỉ có doanh nghiệp chuyên ngành cung cấp, mà phải nhập khẩu, lại còn nhập khẩu độc quyền, nên giá rất cao. Như sơn chống cháy, khi chưa có Luật Phòng cháy chữa cháy, giá là 100.000 đồng, nhưng giờ là 700.000 đồng; kính chống cháy trước kia có giá 1 triệu đồng, giờ là 20 triệu đồng,…

Vấn đề thứ năm là kiểm toán, thanh kiểm tra. “Có những dự án đã quyết toán khoảng 10 năm, bây giờ kiểm toán vào bảo chỗ này là sao, phải nộp lại tiền đất’ nhưng người ta không làm sai mà là cơ quan định giá các tỉnh quyết định. Giờ dự án xong, hồ sơ quyết toán rồi, người ta chia lãi, chia cổ tức ăn hết rồi, kiểm toán đến bảo phải truy thu cái này, cái nọ thì truy thu ở đâu, lấy đâu ra để nộp. Xin Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng quy định các dự án sau 5 năm thì không hồi tố, không thanh kiểm tra nữa để doanh nghiệp yên tâm làm ăn”, ông Hiệp nói.

Cuối cùng là vấn đề về tài chính. Theo ông Hiệp, việc cấp vốn nhỏ giọt đang khiến các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng gặp khó khăn về dòng vốn.

Nếu theo đơn giá bình thường, làm hết sức chặt chẽ, quản lý tốt, doanh nghiệp xây dựng có biên lợi nhuận khoảng 4%. Nhưng hiện nay do tình hình nợ đọng, giá vật liệu xây dựng tăng, không được bù giá, doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ.

Ông Hiệp cho biết: "Hôm rồi chúng tôi họp Ban chấp hành Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, có nói với nhau, nếu tình hình này tiếp diễn 5 năm nữa, chắc không còn doanh nghiệp xây dựng nào tồn tại. Chúng tôi rất mong Bộ trưởng kiến nghị cho phép các doanh nghiệp xây dựng lớn được báo cáo với Thủ tướng để cứu ngành xây dựng, còn không chúng tôi nghĩ ngành xây dựng tan nát mất".

“Ở góc độ hiệp hội, chúng tôi thấy tình hình vô cùng khó khăn, có thể nói cứ càng ngày càng lụn bại. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng để cho chúng tôi có một lối thoát…”, ông Hiệp giãi bày.

Nguyễn Lâm