VNHN - Trong bối cảnh phải giãn cách xã hội, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các làng nghề và hợp tác xã (HTX) với tinh thần chủ động, trí tuệ, sáng tạo tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh và khôi phục đà phát triển khi dịch bệnh đi qua.
minh họa - TL
Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất
Trong bối cảnh phải đảm bảo an toàn phòng dịch, hơn 1.300 làng nghề của Thành phố Hà Nội, trong đó nhiều làng nghề xuất khẩu, dịch vụ đã thay đổi phương thức sản xuất - kinh doanh để giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động.
Tại huyện Chương Mỹ, bà con làng nghề mây tre đan Phú Vinh đưa nguyên - vật liệu về gia đình để sản xuất hàng hóa, thay vì làm việc tập trung ở các nhà xưởng như trước.
Theo nghệ nhân Nguyễn Phương Quang, trước khi xảy ra dịch Covid- 19 làng nghề Phú Vinh hoạt động sôi động ngày đêm với nhiều đơn hàng phục vụ trong nước, xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng và thủ công mỹ nghệ. Nay các cơ sở không có đơn hàng mới nhưng phải tìm cách để hoàn thành các đơn hàng trước Tết Nguyên đán.
Tại huyện Thường Tín, phần lớn các xưởng thêu ở làng nghề thêu Quất Động đều cố gắng duy trì sản xuất, dù sản lượng giảm rất nhiều. Chị Bùi Mai Lan, chủ xưởng thêu tay Tú Thị cho biết, xưởng của chị chuyển sang "làm việc online, giới thiệu mẫu, nhận đặt qua mạng rồi trả hàng, chủ yếu là các sản phẩm thời trang".
Nhiều xưởng, nghệ nhân ở làng nghề sơn mài Hạ Thái phải tạm dừng sản xuất để chống dịch và do các đối tác ở châu Âu, Hoa Kỳ đề nghị tạm dừng các đơn hàng đã ký, giãn tiến độ thực hiện hợp đồng. Hoạt động của làng nghề chỉ còn tập trung phục vụ tiêu dùng trong nước. Ông Đỗ Hùng Chiêu, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái cho biết, một số đơn hàng cung cấp cho các khách sạn vẫn duy trì sản xuất nhưng quy mô, số lượng nhỏ. Công nhân làm việc phải ngồi cách nhau 2 mét, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay trong quá trình làm...
Liên kết cung ứng dịch vụ thiết yếu
Rau quả, thực phẩm, lương thực... là những sản phẩm không thể không cung cấp trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vì vậy, khi phải thực hiện giãn cách xã hội, các hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã chủ động hợp tác nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là người dân ở các đô thị.
Nhiều HTX sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rau quả khác nhau đã liên kết thành nhóm các HTX để cùng bán hàng, đưa hàng đến các chung cư, khu đô thị, cơ quan, đơn vị. Với mô hình “chợ thực phẩm di động” này, các HTX cũng chủ động giảm giá sản phẩm, khoảng 20% để kích thích tiêu dùng, chấp nhận không có lãi, mục đích là tiêu thụ được cho nông dân và các thành viên...
Điển hình cho những "liên danh" đang thực hiện hình thức dịch vụ này là các HTX ở Hà Nội, như: HTX rau an toàn Cuối Qúy (huyện Đan Phương), HTX Tâm Anh (huyện Phú Xuyên), HTX Vân Nội (huyện Đông Anh)...
HTX rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và vùng liên kết gần 20 ha tại thị trấn Mộc Châu (Sơn La) cũng chủ động cung cấp hàng hóa cho các hệ thống siêu thị và hệ thống bán lẻ tại Hà Nội.
Ở các tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh có 10 HTX sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau đã liên kết xây dựng một dự án hợp tác có tên CocoFood để lập các đại lý ở Hà Nội, Hải Dương và bán hàng qua mạng...
Các HTX cũng chủ động giảm sản lượng, giãn đàn, nâng cao chất lượng, tăng hàng chế biến. HTX chăn nuôi gà công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) đã giảm khoảng 40% đàn gà thịt, đồng thời sử dụng hết công suất kho lạnh để bảo quản thịt gà chờ xuất khẩu.
Sẵn sàng bật dậy sau đại dịch
Để sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh sau khi hết dịch, các nghệ nhân, thợ giỏi vẫn miệt mài sáng tạo các mẫu mã mới, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng mở rộng thị trường.
Tranh thủ thời gian cách ly phòng, chống dịch bệnh, bà con các làng nghề ở Hà Nội như làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nghiên cứu cách phối liệu, mẫu mã mới, màu sắc, khả năng chịu nhiệt, chịu độ co,... để có thể đưa vào sản xuất sau khi hết dịch.
Ông Hà Văn Lâm, Phó Ban đại diện nhân dân cho biết, bên cạnh việc nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ sở sản xuất còn chỉnh trang nhà xưởng, nơi làm việc quy củ, gọn gàng hơn.
Một số HTX ở các tỉnh phía Bắc sản xuất rau, củ, quả đã tranh thủ xây dựng lại quy trình sản xuất, đăng ký nhãn mác, chất lượng sản phẩm, đảm bảo xuất xứ, tem mác rõ ràng; xây dựng các kho bảo quản, chế biến...
Bên cạnh những nỗ lực của nhân dân, Chính phủ và ngành chức năng đã kịp thời đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trên phạm vi cả nước nói chung, tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tập thể, HTX nói chung; qua đó tạo điều kiện duy trì sản xuất - kinh doanh, đảm bảo nhu yếu phẩm trong phòng chống dịch bệnh và khôi phục, phát triển sản xuất ngay sau khi hết dịch./.