VNHN - Thời gian qua, Trái đất đã phải hứng chịu hàng loạt hậu quả thiên tai nặng nề và tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng. Vì thế, các nhà khoa học đã khuyến nghị chính phủ các nước cần nhanh chóng có sự thay đổi sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực để bảo vệ môi trường nhằm tránh những tai họa thảm khốc do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.
Ảnh minh họa - Internet
Tai họa cận kề
CNN dẫn báo cáo của IPCC (Ủy ban liên chính phủ về BĐKH của LHQ) cho biết, vào đầu năm 2030, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 1,5 độ C so mức thời kỳ tiền công nghiệp, dẫn đến nguy cơ hạn hán, cháy rừng, lũ lụt ngày càng trầm trọng và thiếu lương thực đối với hàng trăm triệu người. Báo cáo của IPCC cũng cảnh báo, ngay cả khi sự ấm lên của Trái đất được giữ ở mức 1,5 độ C hoặc dưới mức này, nhiều tác động cũng sẽ lan rộng và đáng kể. Ông Hans-Otto Pörtner, chuyên gia thuộc IPCC nhận định, khi nhiệt độ Trái đất tăng thêm 1,5 độ C hoặc cao hơn sẽ làm tăng những rủi ro liên quan các thay đổi kéo dài hoặc không thể đảo ngược, thí dụ một số hệ sinh thái sẽ biến mất hoặc nước biển dâng.
Số liệu mới nhất trong Báo cáo khí thải nhà kính hằng năm của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), được đăng trên trang public.wmo.int của tổ chức này chỉ ra rằng, khí CO2 trong bầu khí quyển đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục trong năm 2017 và không có dấu hiệu giảm trong thời gian tới. Không chỉ lượng CO2 gia tăng mà cả lượng khí metan, nitrous oxide (NO) và khí CFC-11 phá hủy tầng ozon cũng đang tăng lên. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo, nếu lượng CO2 và các khí thải nhà kính khác không được nhanh chóng cắt giảm, sự sống trên Trái đất sẽ đối mặt các hậu quả nặng nề.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu sinh vật biển, thuộc Đại học Hawaii (Mỹ) nhấn mạnh, đến cuối thế kỷ 21, nhiều nơi trên thế giới có nguy cơ cao phải hứng chịu cùng lúc một loạt thiên tai, từ những đợt nắng nóng, cháy rừng tới những cơn mưa và bão lớn. Nguyên nhân chính là do các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính tràn ngập trong không khí, kích thích sản sinh ra các tác nhân đe dọa sự sống. Vụ cháy rừng mới đây ở bang California (Mỹ) được xem là vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất trong lịch sử bang này, khiến hàng trăm người chết và mất tích, là một thí dụ điển hình.
Theo Hiệp định Paris ký năm 2015 về chống BĐKH, gần 200 quốc gia đã cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi các nỗ lực để hạn chế ở mức 1,5 độ C. Ông Andrew King, giảng viên về khoa học khí hậu thuộc Đại học Melbourne (Australia) nhận định: “Cánh cửa” để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C đang khép lại nhanh chóng và các kết quả đạt được từ việc thực hiện các cam kết phát thải hiện nay của các bên ký Hiệp định Paris không bảo đảm cho chúng ta đạt được mục tiêu đó”.
Báo cáo của IPCC khẳng định, BĐKH là không thể phủ nhận và những gì xảy ra tiếp theo còn tồi tệ hơn. Các rạn san hô sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với khoảng 70% - 90% diện tích dự báo sẽ chết. Còn theo kết quả một nghiên cứu mới đây do các chuyên gia thuộc Đại học Kỹ thuật Delf (Hà Lan) thực hiện, một diện tích băng lớn, khoảng 300 km2, đang bị nứt và có nguy cơ tách rời khỏi lớp nền của đảo băng Pine tại Nam Cực. Tần suất các vụ nứt ngày càng tăng, cho thấy băng ở Nam Cực đang tan nhanh hơn so dự kiến. Trong một báo cáo mới đây về nguồn nước quốc gia, Bộ Môi trường & Phát triển bền vững Colombia cũng cảnh báo, sông băng Santa Isabel, một trong những dòng sông băng lớn nhất tại miền trung nước này, có nguy cơ biến mất trong vòng 10 năm tới.
Theo New York Daily News, Chương trình Nghiên cứu biển đổi toàn cầu của Mỹ mới đây công bố, vào cuối thế kỷ 21, BĐKH có thể sẽ khiến Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm, cao hơn GDP của nhiều bang ở Mỹ. Trái đất ấm lên, mực nước biển dâng cao, thời tiết khắc nghiệt khiến loài người có nguy cơ đối mặt tình trạng mất an ninh nghiêm trọng. Các chuyên gia cho rằng, người dân tại các khu vực kém phát triển, như châu Phi, dễ bị tổn thương nhất, khi phải vật lộn với hạn hán, lũ lụt, đói nghèo và thiếu nước sạch.
Chưa quá muộn để hành động
Báo cáo của IPCC nhận định, để giữ cho nhiệt độ Trái đất chỉ tăng ở mức 1,5 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp, lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 cần giảm là 45% so mức của năm 2010, và xuống mức “không phát thải” vào khoảng năm 2050. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi những thay đổi rộng rãi trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông và đô thị. Một số phương pháp để hạn chế thải khí CO2 ra bầu khí quyển đã được đưa ra, trong đó có việc thúc đẩy các quy trình tự nhiên và phát triển công nghệ lưu trữ, sử dụng năng lượng từ nước, gió, thay thế năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Báo The Jakarta Post dẫn kết quả báo cáo do một liên minh gồm 38 tổ chức phi chính phủ thực hiện được công bố mới đây cho hay, việc khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên, bảo đảm quyền sử dụng đất của các cộng đồng dân cư bản địa và điều chỉnh hệ thống cung cấp thực phẩm toàn cầu, có thể góp phần giảm tới 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2050. Theo tính toán của giới chuyên gia, tới năm 2050, nếu các nước giàu giảm được 90% lượng thịt tiêu thụ, môi trường sinh sống bền vững cho khoảng 10 tỷ cư dân trên Trái đất có thể được bảo đảm. Việc giảm 30% lượng thực phẩm dư thừa hiện nay cũng sẽ giúp giảm 500 triệu tấn khí CO2, khoảng 1% tổng lượng khí phát thải.
Tại Hội nghị BĐKH trực tuyến diễn ra ngày 21-11 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, thế giới vẫn chưa hành động đủ nhanh và mạnh mẽ để ứng phó sự ấm lên của Trái đất, vì thế cần ngay lập tức giải quyết thực trạng này. Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa cho rằng, lượng khí CO2 hiện nay đang ở mức cao nhất trong vòng 800 nghìn năm qua. Riêng trong năm 2017, thiên tai gây ra thiệt hại hơn 500 tỷ USD cho toàn thế giới. Tuy nhiên, bà Espinosa khẳng định vẫn chưa quá muộn để hành động.
Châu Phi là một trong những khu vực được quan tâm nhất trong việc đối phó BĐKH. Theo báo cáo Chỉ số tổn thương do BĐKH của LHQ năm 2018, có tới 79 thành phố châu Phi nằm trong danh sách 100 thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh nhất thế giới đứng trước tác động nghiêm trọng của BĐKH. Các chuyên gia cảnh báo, gần 50% GDP của châu Phi (khoảng 1.400 tỷ USD) có nguy cơ “bốc hơi” vào năm 2023 do tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu. Giới khoa học cho rằng, chính quyền các cấp tại châu Phi cần ưu tiên bảo đảm thích nghi với những tác động không thể tránh khỏi của BĐKH. Chính phủ các nước cũng cần tích hợp khả năng thích ứng với BĐKH trong tất cả các chiến lược phát triển; cân bằng tăng trưởng kinh tế với quản lý môi trường thông minh; phổ biến và nâng cao sự hiểu biết của các cộng đồng dân cư về khí hậu…
BĐKH đang diễn ra nhanh hơn phản ứng của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP 24), dự kiến khai mạc tại Ba Lan ngày 2-12 tới được kỳ vọng sẽ “hồi sinh” Hiệp định Paris về chống BĐKH, vốn bị giảm hiệu lực sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi văn kiện này vào tháng 6-2017, với lý do thiếu công bằng với Mỹ.