24/11/2024 lúc 07:57 (GMT+7)
Breaking News

Chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí trí tuệ nhân tạo (UAV): Vấn đề đối với bộ đội phòng không - không quân

Ngày nay với sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, hàng loạt các loại vũ khí công nghệ cao (VKCNC), vũ khí trí tuệ nhân tạo (UAV) được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với ưu việt nhảy vọt về chất và tính năng kỹ chiến thuật; với những phương thức, thủ đoạn tác chiến quân sự tinh vi, kết hợp các hình thức tiến công: Tâm lý, kinh tế, ngoại giao... (phi vũ trang), nhằm nhanh chóng khuất phục đối phương, giành thắng nhanh trên chiến trường.

Trung tướng Nguyễn Văn Hiền - Tư lệnh Quân chủng PK-KQ kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và giao nhiệm vụ cho các đơn vị của Quân chủng

Chiến tranh sử dụng VKCNC, UAV là cuộc chiến tranh mà vũ khí, trang bị công nghệ cao bằng trí tuệ nhân tạo được sử dụng phổ biến, hoặc chúng là vũ khí phương tiện chủ yếu, có vai trò quyết định đến thực hiện các nhiệm vụ tác chiến chiến dịch.

Thực tiễn các cuộc chiến tranh sử dụng VKCNC những năm gần đây, ngày 7-4-2017 và sáng ngày 14-4-2018, liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã phóng hơn 100 tên lửa hành trình Tomahawk từ 2 tàu chiến ở Địa Trung Hải và không đối đất vào Syria. Ngay sau khi vụ tấn công diễn ra, Syria tuyên bố họ dùng Pantsir-S1 (tổ hợp tên lửa-pháo phòng không để tiêu diệt các mục tiêu tầm ngắn và tầm trung) phá hủy được ít nhất 13 tên lửa của liên quân; còn Nga tuyên bố Syria đã phá hủy 71/103 tên lửa và không có căn cứ không quân nào của Syria bị phá hủy sau trận không kích. Theo một số chuyên gia phân tích thì những quả tên lửa còn lại của Mỹ - Anh - Pháp đã bị lực lượng phòng không tác chiến điện tử của Syria bắn hạ. Như vậy, tác chiến đường không trong chiến tranh hiện đại không còn phân biệt tiền tuyến, hậu phương, phía trước, phía sau, diễn ra toàn diện trên bộ, trên không, trên biển..., với đa dạng các loại hình tác chiến và thủ đoạn chiến đấu; hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết; không phân biệt đêm, ngày và giảm thiểu tối đa tổn thất về con người và vũ khí trang bị. 

Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã sang năm thứ 3, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, mức độ sử dụng VKCNC, UAV không ngừng phát triển và luôn thay đổi theo hướng phát triển trí tuệ nhân tạo, cả về độ chính xác và uy lực sát thương. Công nghệ của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 cũng giúp các quốc gia thay đổi phương thức tổ chức trang bị, họ có thể chuyển từ số lượng nhỏ các hệ thống vũ khí “tinh vi” đắt tiền sang các loại vũ khí nhỏ hơn, thông minh hơn và rẻ hơn, đặc biệt là hàng loạt UAV tự động với sức công phá rất lớn. Các hệ thống vũ khí mới tích hợp công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thể hiện được tính ưu việt trên chiến trường qua cuộc xung đột trên chiến trường Ukraina. Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh 2020 giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian với thắng lợi của A-déc-bai-gian, chủ yếu dựa vào các UAV với sự tích hợp công nghệ của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0. Cuộc xung đột Nga - Ukraina đang diễn ra cũng cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của UAV, robotics và các vũ khí chính xác công nghệ cao.

Bằng việc ứng dụng các thành tựu công nghệ mới, công nghệ hiện đại của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, một số quốc gia đã tạo ra nhiều hệ thống vũ khí mới, VKCNC, UAV bao gồm: Vũ khí năng lượng dẫn đường (directed energy weapons), các loại đạn siêu vận tốc (hyper-velocity projectiles) và các tên lửa siêu vượt âm (hypersonic missiles). Việc tích hợp công nghệ của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 vào vũ khí truyền thống tạo ra các hệ thống VKCNC mới với tốc độ, khoảng cách và lực phá hủy khó có thể tưởng tượng so với các vũ khí trước đây.

Ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 còn giúp cho việc hình thành, phát triển “người lính bộ binh 4.0”. Đó là những người lính được hỗ trợ không chỉ bởi các loại vũ khí bộ binh thông minh (như chiến binh robot, máy bay UAV, vũ khí có sức sát thương lớn, trang bị kính ngắm chính xác hơn...) mà còn được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc cá nhân kết nối các hệ thống thông minh; các phương tiện trinh sát, kiểm soát chiến trường như các hệ thống quang điện tử thế hệ mới cho người lính; các loại cảm biến sức khỏe, (các chỉ số sinh tồn), cảm biến môi trường (phát hiện chất độc, phóng xạ...) giúp bảo vệ, nâng cao hiệu quả chiến đấu và khả năng sống sót trên chiến trường của người lính. Nhiều cường quốc trên thế giới đã triển khai các chương trình “người lính 4.0” của mình, như: Hệ thống chiến đấu cá nhân Land Warrior (Hoa Kỳ); thiết bị và liên lạc tích hợp cho bộ binh FELIN (Pháp); thiết bị công nghệ cao cho đội quân Ratnik (Nga); hệ thống FIST (Anh); hệ thống người lính tương lai Gladius (Đức); hệ thống chiến tranh cá nhân ISW Titan (Ba Lan),….

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ mô phỏng, thực tế ảo trong công tác huấn luyện bộ đội cũng như sử dụng thiết bị mô phỏng trong huấn luyện mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm nguồn lực, nâng cao tính an toàn, cho phép huấn luyện không phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết, môi trường, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và thời gian luyện tập. Với sự phát triển mạnh mẽ của phần cứng, các hệ thống siêu máy tính, công nghệ IoT và thiết kế phân lớp dữ liệu, hệ thống mô phỏng trong tương lai sẽ tiếp tục được phát triển mà không bị giới hạn bởi các yếu tố thực/ảo/giới hạn địa lý. Việc sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để huấn luyện chiến đấu tổ nhóm. Hệ thống MotionReality giúp người lính có thể cầm vũ khí, tự do di chuyển trong không gian ảo, phối hợp với đồng đội để tiêu diệt mục tiêu.

Tuy nhiên, chiến tranh sử dụng VKCNC, trí tuệ nhân tạo hay UAV dù rất hiện đại nhưng không tránh khỏi những điểm yếu cốt tử của nó. Bởi vậy, nghiên cứu nắm chắc và hiểu đúng VKCNC; không quá đề cao, không tuyệt đối hóa, không coi thường dẫn đến chủ quan mất cảnh giác; ngay từ thời bình trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước, chúng ta phải ra sức củng cố tiềm lực và sức mạnh quốc phòng, quân sự, để có thể kiềm chế sức mạnh của VKCNC, phát huy hiệu quả nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến PK-KQ, chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa các mầm mống gây chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới

Nhiệm vụ, giải pháp hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả tác chiến phòng không trong tình hình mới

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra), sẽ là chiến tranh sử dụng VKCNC, UAV, với độ chính xác cao, được điều khiển từ xa, có tính tự động hóa cao, trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Phương tiện trinh sát thông minh, không người lái, người máy sẽ thay thế người lính đảm nhiệm một số nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài chiến tranh công nghệ cao mang tính hủy diệt lớn, một hình thái chiến tranh hiện đại trong điều kiện tác chiến trên không gian mạng. Các lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng PK-KQ nói riêng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội; tập trung xây dựng Bộ đội PK-KQ tinh, gọn, mạnh; vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng và tổ chức, “mẫu mực, tiêu biểu”; cùng với đó, phát huy cao độ sức mạnh chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh; kết hợp sức mạnh tổng hợp của dân tộc với sức mạnh của thời đại; thực hiện chiến tranh toàn dân, toàn diện...; trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xác định rõ đối tượng, đối tác; tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức: tinh, gọn, mạnh, làm cơ sở xây dựng Quân chủng tiến thẳng lên hiện đại với vai trò của nhân tố con người và vũ khí, trang bị; có tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu cao “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” trong điều kiện địch sử dụng VKCNC. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và cũng là mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Thực chất chính là coi trọng xây dựng nhân tố con người, xây dựng người quân nhân cách mạng, có lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, hoàn thiện tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; từng bước đầu tư mua sắm vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật hiện đại. Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khoá XIII) về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo,... Trên cơ sở đó, Quân chủng tích cực rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, bảo đảm hợp lý, cân đối giữa các thành phần, lực lượng, từ khối cơ quan Quân chủng đến các đơn vị, ưu tiên quân số cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, trên tuyến biên giới, hải đảo. Đối với khối đơn vị, tổ chức lực lượng theo hướng: tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt; khối cơ quan, tổ chức theo hướng giảm đầu mối trung gian, giảm quân số. Nghiên cứu phát triển từng bước lực lượng công nghệ thông tin bảo đảm chỉ huy, tác chiến PK-KQ; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.

Cùng với đó, tích cực, chủ động nghiên cứu cải tiến, nâng cấp các loại vũ khí, khí tài trong biên chế, nhanh chóng tiếp cận, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới. Chú trọng hiện đại hóa hệ thống chỉ huy, tác chiến, trinh sát thống nhất, đồng bộ, bảo đảm kịp thời, bí mật, ổn định, vững chắc, liên tục và có thể chỉ huy vượt cấp, trực tiếp đến đơn vị, nhất là các phân đội hỏa lực trong tình huống khẩn cấp. Tăng cường nghiên cứu, cải tiến, áp dụng các biện pháp, công nghệ mới kéo dài tuổi thọ các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật có hàm lượng công nghệ cao; tự sản xuất vật tư, linh kiện thay thế, chủ động nguồn lực trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Ba là, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đào tạo gắn huấn luyện với xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật. Đây vừa là nhiệm vụ vừa là giải pháp quan trọng, nhằm góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để Quân chủng tiến lên hiện đại một cách thực chất, vững chắc. Do vậy, công tác huấn luyện tiếp tục được Quân chủng tập trung đột phá, theo hướng: “cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật và thực hiện quy tắc an toàn”; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát phương án, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật; tập trung “huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, bảo đảm kỹ thuật tốt”, lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Quân chủng: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, “mẫu mực, tiêu biểu”. Tăng cường luyện tập xử lý tình huống cho chỉ huy các cấp, đẩy mạnh huấn luyện hiệp đồng, huấn luyện trong điều kiện tác chiến điện tử mạnh, thời tiết phức tạp và thực hành bắn đạn thật trên không. Tổ chức tốt các cuộc diễn tập để rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội, cũng như trình độ tổ chức chỉ huy cho đội ngũ cán bộ các cấp.

Bốn là, tiếp tục đầu tư phát triển vũ khí, trang bị hiện đại; nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền bầu trời của Tổ quốc trong tình hình mới. Trong điều kiện mới, Quân chủng tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đẩy mạnh đầu tư, mua sắm các trang, thiết bị hiện đại, có đủ khả năng quan sát, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, dưới mặt nước ở các khu vực, hướng trọng điểm; các trang bị, VKCNC như (thông tin, radar, tên lửa, máy bay, ,…) thế hệ mới, tự động hóa cao, khả năng tích hợp tốt, tính bảo mật cao, bảo đảm đủ sức răn đe và đánh thắng trong phạm vi không gian, thời gian nhất định khi xảy ra xung đột trên không và sẵn sàng tác chiến bảo vệ các mục tiêu trọng điểm quốc gia trong mọi tình huống; đồng thời, sẵn sàng phòng, chống có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khi xảy ra.

Xây dựng hệ thống cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cơ bản, chính quy, với trang, thiết bị tiên tiến, đồng bộ, thống nhất và có khả năng bảo đảm trong mọi tình huống. Chú trọng kiện toàn tổ chức, lực lượng hậu cần, kỹ thuật, gắn với xây dựng tiềm lực hậu cần nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ then chốt. Nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng, nhất là lực lượng hoạt động trên các địa bàn chiến lược, vùng biển, đảo xa, lực lượng được trang bị hiện đại. Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan chức năng trong hướng dẫn, kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Thường xuyên quan tâm nghiên cứu phát triển khoa học quân sự PK-KQ trong tình hình mới, nâng cao khả năng tự chủ về vật tư, trang bị kỹ thuật. Là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc, sử dụng nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị, khí tài hiện đại; vì thế, cần phát huy nét đặc sắc về nghệ thuật tác chiến PK-KQ, các bài học kinh nghiệm quý của Bộ đội PK-KQ trong các cuộc chiến tranh đã qua. Quân chủng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Xây dựng Quân chủng PK-KQ tiến thẳng lên hiện đại là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, để thực hiện tốt chủ trương này, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ nguyện phát huy truyền thống anh hùng, nêu cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xây dựng các đơn vị trong toàn Quân chủng vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, không để Tổ quốc bị bất ngờ, lỡ thời cơ./.

Trung tướng NGUYỄN VĂN HIỀN

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương,

Tư lệnh Quân chủng PK - KQ

...