26/11/2024 lúc 23:42 (GMT+7)
Breaking News

Chế biến sâu trong sản xuất đưa HTX phát triển bền vững

Không chỉ quy chuẩn việc chăn nuôi sạch cho các thành viên theo hướng VietGAP, hơn 2 năm qua, anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX sông trong ao Hải Đăng (HTX Hải Đăng) (thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) còn đầu tư máy móc, phương tiện và nhân lực để chế biến sâu các sản phẩm từ cá thành chả cá, cá nướng, cá kho, ruốc cá cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, hệ thống cửa hàng, siêu thị và người tiêu dùng.

Cũng nhờ chế biến sâu lại vừa bán hàng online, vừa bán hàng trực tiếp và ký kết với một số cửa hàng, siêu thị nên hơn một năm qua, dù dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX, nhưng sản phẩm của HTX Hải Đăng vẫn tiêu thụ ổn định, không bị tồn đọng.

Sạch từ quy trình nuôi

Sinh ra từ vùng đồng chiêm trũng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng nên ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Hiếu đã có đam mê chăn nuôi và trồng trọt. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Hiếu đã nuôi khát vọng lập nghiệp bằng hướng nuôi trồng thủy sản trên chính mảnh đất quê nhà. Qua giới thiệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, từ cuối năm 2018, anh Hiếu đến một số mô hình nuôi cá “sông trong ao” tại tỉnh Hải Dương để học hỏi kinh nghiệm, điển hình như HTX Xuyên Việt.

Sau thời gian tìm hiểu, học tập, anh Hiếu đã nắm bắt và được chuyển giao một phần kỹ thuật nuôi cá mới bằng việc sử dụng nguồn nước luôn chảy tuần hoàn, cá vận động không ngừng nghỉ nên khỏe mạnh, chóng lớn. Anh Hiếu đã áp dụng vào nuôi cá trong hơn 1,6 ha của gia đình.

Đầu năm 2019, anh Hiếu mạnh dạn đứng lên thành lập HTX và thuê thêm 4,5ha mặt nước tại xã Thanh Sơn để đầu tư sản xuất. Toàn bộ hệ thống ao hồ cũ, anh Hiếu cho cải tạo lại, kiên cố hóa bờ đập, sau đó cho xây dựng, lắp đặt hệ thống luồng lạch, điều tiết nước.

Tới tháng 7/2019, anh Hiếu chi hơn 300 triệu đồng nhập 1,1 vạn cá rô đơn tính, 8.000 cá trắm về nuôi thử nghiệm. Tổng số tiền HTX đã đầu tư vào mô hình này lên tới hơn 3 tỷ đồng. Quá trình sản xuất của HTX luôn bảo đảm đúng các quy trình kỹ thuật. Chất lượng nguồn nước, con giống, thức ăn được kiểm soát chặt chẽ.

Mô hình nuôi cá Sông trong ao của HTX Hải Đăng

Phóng viên Việt Nam hội nhập khảo sát khu vực ao nuôi cá của HTX Hải Đăng và thấy, toàn bộ diện tích ao nuôi cá được anh Hiếu cho lắp đặt hệ thống máng cám cho ăn tự động, hệ thống điều tiết nước sạch chảy lưu thông và hệ thống lọc chất thải của cá và cám thừa nếu có.

Chỉ cần bấm nút, cám sẽ được phóng thẳng từng đợt xuống mặt hồ cho cá ăn. Do cá luôn nổi và vận động, người nuôi có thể xác định được trọng lượng để điều tiết lượng thức ăn cho phù hợp. Khu vực sau bể nuôi được lắp đặt hệ thống thu gom toàn bộ phân, thức ăn thừa để dồn vào một bể chứa. Chất thải này sau đó được xử lý bằng men vi sinh quay vòng dùng để tưới cho vườn cây ăn quả.

Sau một năm, lứa cá đầu tiên cho thu hoạch cho hiệu quả cao gấp 5 lần so với nuôi cá truyền thống do chủ động được nguồn nước, cá luôn vận động nên khỏe mạnh, ít bệnh tật. Với quy trình sản xuất sạch, sản phẩm của HTX được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhập VietGap.

Thành công nhờ chế biến sâu trong sản xuất 

Tuy nhiên, mới bắt đầu đi vào hoạt động ổn định và cho thu lứa cá đầu tiên thì HTX Hải Đăng đã phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Khó khăn không làm nản lòng người nông dân có ý chí quyết tâm làm giàu từ sản xuất nông nghiệp sạch, anh Hiếu đã mày mò nghiên cứu để chế biến sâu các sản phẩm từ cá như cá kho, ruốc cá, chả cá. Để sản phẩm đa dạng, sản lượng tiêu thụ tốt, mới đây anh Hiếu tiếp tục chế biến thêm sản phẩm mới là cá rô nướng.

Anh Hiếu cho biết, hiện ngoài bán cá tươi thương phẩm, 3 sản phẩm của HTX gồm: Ruốc cá trắm cỏ, cá kho (HTX mời người từ Hòa Hậu lên thực hiện và hướng dẫn thực hiện theo phương thức, quy trình cá kho Hòa Hậu), chả cá rô phi đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Ngoài 2 cửa hàng tại 178 Lê Công Thanh (Phủ Lý) và cửa hàng Nông sản sạch Thi Sơn (Kim Bảng), chủ động khai thác các kênh tiêu thụ khác nhau như bán hàng Online trên Zalo, Facbook, trên trang web của HTX và trên cổng thông tin điện tử của Sở Công thương Hà Nam, Liên minh HTX tỉnh Hà Nam. Do vậy, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng đến thời điểm này, HTX đã tiêu thụ được gần 15 tấn sản phẩm các loại và cơ bản không tồn đọng.

“Để việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn tôi đang đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng để cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng theo mô hình cung cấp nông sản “từ trang trại đến bàn ăn”, anh Hiếu nói.

Cá Kho của HTX Hải Đăng

Chị Nguyễn Thị Nga, người lao động của HTX Hải Đăng cho biết, từ khi thành lập HTX, anh Hiếu đã tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên, thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập khá so với bình quân thu nhập của người dân địa phương.

Làm việc cho anh Hiếu vừa gần nhà, vừa không vất vả nhưng thu nhập lại ổn định. Ngoài làm việc cho HTX, chúng tôi còn có thể tranh thủ làm việc nhà, không giống như đi làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp của địa phương”, chị Nga nói.

Ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cho biết, anh Hiếu là người trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm. Nhờ vậy mà sản phẩm của HTX không chỉ bán trong tỉnh, mà còn cung cấp và bày bán tại nhiều cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên… và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. 

Đáng phấn khởi là tháng 9 vừa qua, đại diện chuỗi siêu thị Big C và Vinmart đã về tham quan, khảo sát và đánh giá chất lượng sản phẩm của HTX để nhập sản phẩm về cung cấp cho người tiêu dùng.

“Sau khi khảo sát, HTX đã chính thức ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm cá thương phẩm và các sản phẩm chế biến từ cá cho hệ thống cửa hàng Vinmart để cung cấp cho người tiêu dùng trong cả nước. Đây thực sự là tín hiệu mừng của HTX khi sản xuất an toàn gắn với chế biến sâu. Chúng tôi cũng mong muốn không chỉ có HTX Hải Đăng, mà các HTX khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng cần sản xuất gắn với chế biến sâu để sản phẩm được tiêu thụ tốt nhất”, ông Vọng chia sẻ.

Liên Minh

Thanh Bút