24/01/2025 lúc 12:15 (GMT+7)
Breaking News

Chấn chỉnh những sai phạm, lệch lạc trong hoạt động xuất bản

VNHN-Sách là sản phẩm văn hóa đặc biệt. Bất cứ một sai phạm nào, nhất là sai phạm về chính trị tư tưởng và lệch lạc về văn hóa, đạo đức sẽ “tiêm nhiễm” và để lại những “di chứng” tai hại trong đời sống tinh thần công chúng. Đây cũng là một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không thể xem thường.

VNHN-Sách là sản phẩm văn hóa đặc biệt. Bất cứ một sai phạm nào, nhất là sai phạm về chính trị tư tưởng và lệch lạc về văn hóa, đạo đức sẽ “tiêm nhiễm” và để lại những “di chứng” tai hại trong đời sống tinh thần công chúng. Đây cũng là một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không thể xem thường.

Nhiều cuốn sách có nội dung lệch lạc tư tưởng chính trị, sai sót về lịch sử

Đứng trước sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông đại chúng và sự “lên ngôi” của văn hóa nghe nhìn, hoạt động xuất bản, phát hành sách những năm qua gặp không ít khó khăn. Nhưng nhìn chung, việc duy trì xuất bản số lượng sách giữ được ổn định, nhiều đầu sách có sự phát triển mới về chất lượng. Công tác thẩm định, biên tập các đầu sách xuất bản được quản lý chặt chẽ hơn. Việc in ấn, trình bày sách ngày càng hiện đại, bắt mắt và sự phong phú về nội dung của các loại sách góp phần thu hút bạn đọc quan tâm hơn đến văn hóa đọc.

Tuy nhiên, một trong những biểu hiện nổi cộm trong hoạt động xuất bản những năm gần đây là khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận thuần túy không bị ngăn chặn, đẩy lùi, mà tiếp tục có những biểu hiện mới phức tạp, tinh vi hơn. Việc buông lỏng quản lý để các đối tác liên kết thao túng trong các khâu xuất bản dẫn tới hệ lụy là cho ra đời nhiều cuốn sách có nội dung vô bổ, thậm chí lệch lạc, độc hại vì đã “hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng, xuyên tạc lịch sử; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra. Đây là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không thể xem thường.

Thời gian qua, có những cuốn sách ngay sau khi phát hành bị bạn đọc phản ứng gay gắt bởi cách viết dễ dãi, tự nhiên chủ nghĩa, miêu tả tỉ mỉ các hành vi tình dục rất phản cảm. Đáng báo động hơn, những cuốn sách có nội dung sai phạm về chính trị tư tưởng, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta; nhìn nhận cuộc sống hiện thực xã hội dưới con mắt u ám, quy chụp, thiếu tính xây dựng; đề cập đến các nhân vật, sự kiện nhạy cảm trong lịch sử chưa đúng mực, thấu đáo, công tâm. Bên cạnh đó, một số tác phẩm viết về lịch sử nhưng không phải để làm đúng hơn về lịch sử, mà mang dụng ý “xét lại lịch sử” và có cả những cuốn sách mượn cớ viết về chiến tranh giải phóng dân tộc để “giải thiêng lịch sử” với sự ngộ nhận, mơ hồ, thậm chí mang ý đồ chính trị xấu.

Khoảng chục năm trở lại đây, cơ quan quản lý Nhà nước đã phải thu hồi, dừng phát hành hàng chục cuốn sách chứa nội dung tư tưởng có thể tiêm nhiễm “độc hại” vào tâm hồn công chúng, như cuốn sách dịch “Chuyện ở nông trại” có nhiều luận điểm sai trái, phản động về chế độ XHCN; cuốn sách dịch “Đường nô lệ” có nội dung phê phán nặng nề chế độ XHCN; cuốn sách “Tranh luận để đồng thuận” có những luận điểm đi ngược lại chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội; cuốn “Việt Nam, thay đổi để hạnh phúc” có nhiều nội dung sai lầm, ấu trĩ về nhận thức chính trị; cuốn “Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc” có nội dung xuyên tạc lịch sử về chủ quyền Biển Đông của Việt Nam; cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” có nội dung bị sửa chữa một cách lệch lạc với động cơ chính trị xấu; cuốn sách “Tôn giáo và văn hóa-Lý thuyết cơ bản và giải pháp định hướng khai thác các giá trị văn hóa tôn giáo phục vụ phát triển xã hội Việt Nam hiện nay” có sai phạm nghiêm trọng về nội dung chính trị, tư tưởng…

Nếu am hiểu lịch sử, có nhãn quan chính trị đúng đắn, phông văn hóa sâu rộng, có lẽ một số “tác giả” thời hiện đại không thể viết những chi tiết lịch sử sai lệch, như: “Pháp xâm lược Việt Nam năm 1868” (trong khi mốc lịch sử này là 1858); “Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1953” (trong khi mốc lịch sử này là 1954); “Ngày toàn quốc kháng chiến là ngày 23-11-1946” (trong khi sự kiện lịch sử này chính xác là ngày 19-12-1946). Không chỉ vậy, người ta đã tùy tiện “sáng tạo” ra huyền thoại “Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thần Lửa, Thánh Gióng” là “tứ bất tử” của văn hóa truyền thống Việt Nam (!). Trong khi từ lâu các nhà nghiên cứu và nhân dân ta bao đời nay coi “tứ bất tử” là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh. Đấy là những sai sót trong các cuốn sách “Danh nhân và thời đại”, “Huyền thoại với lời ru”, “Đại Quang Việt sử tập 1” do một nhà xuất bản (NXB) ở phía Nam liên kết với một đối tác doanh nghiệp sách xuất bản, phát hành.

Cần tăng cường quản lý chặt chẽ các khâu xuất bản

Là một trong những lĩnh vực quan trọng của văn hóa, tư tưởng, hoạt động xuất bản nói chung, việc xuất bản sách nói riêng, có vai trò to lớn góp phần xây dựng nhân sinh quan cách mạng, niềm tin khoa học, đạo đức và lối sống tốt đẹp cho cán bộ, đảng viên và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân. Vì vậy, bất cứ kẽ hở nào trong công tác quản lý xuất bản cũng như để lọt những cuốn sách có nội dung, tư tưởng thiếu lành mạnh, độc hại ra thị trường đều có thể dẫn đến những hệ lụy tai hại.

Theo nhận định của Vụ Báo chí-Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), những năm gần đây, các sai phạm trong hoạt động xuất bản có xu hướng gia tăng, mỗi năm phát hiện khoảng 10% sai phạm về nội dung xuất bản. Nói một cách cụ thể hơn, cứ 10 cuốn sách ra đời thì có một cuốn sách có “vấn đề” về nội dung. Tỷ lệ này rất đáng suy ngẫm. Vì nếu một cuốn sách có sai phạm, đặc biệt là sai phạm về chính trị tư tưởng, về lịch sử, văn hóa dân tộc, thì sau khi phát hành, một sai phạm có thể dẫn đến vô vàn hệ lụy khi bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tiếp nhận, thẩm thấu thông tin, nội dung sai phạm đó. Đơn cử, nếu không ngăn chặn, thu hồi kịp thời một số cuốn sách có thông tin sai lệch về dấu mốc, sự kiện lịch sử và nội dung văn hóa truyền thống dân tộc, thì rất có thể hàng vạn, thậm chí hàng triệu thanh thiếu niên nước ta sẽ không có nhận thức đúng về các sự kiện lịch sử Pháp xâm lược Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ngày Toàn quốc kháng chiến; hoặc có thêm hoài nghi về “tứ bất tử” của văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam.

Sách là sản phẩm văn hóa đặc biệt. Bất cứ sai phạm nào, nhất là sai phạm về chính trị tư tưởng và lệch lạc về văn hóa, đạo đức đều có thể “tiêm nhiễm” và để lại những “di chứng” tai hại trong đời sống tinh thần công chúng và làm vẩn đục môi trường văn hóa đọc. Do vậy, các NXB và những người làm công tác xuất bản phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực xuất bản, để tự mình nêu cao ý thức chính trị, trách nhiệm xã hội trong việc cho ra đời những cuốn sách có giá trị phục vụ công chúng. Trong đó, cần quán triệt sâu sắc và nắm vững Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và thực hiện nghiêm túc Luật Xuất bản năm 2012. Đây vừa là những định hướng quan trọng, vừa là những quy định cụ thể để các NXB và những người làm công tác xuất bản đi đúng quỹ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình góp phần xây dựng thị trường xuất bản Việt Nam thật sự lành mạnh, phong phú, mang lại đời sống tinh thần tốt đẹp cho nhân dân.

Để không cho những cuốn sách có nội dung vô bổ, lệch lạc xuất hiện, trôi nổi trên thị trường, cần phải đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc cấp phép, thẩm định, quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động, các khâu liên quan đến xuất bản sách. Kịp thời phát hiện, kiên quyết thu hồi, nghiêm khắc xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm, như: Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; tự ý thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản. Đồng thời, chủ động thu hồi, không cho tái bản, phát hành những cuốn sách có nội dung nhạy cảm về chính trị mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; các cuốn sách có nội dung kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; các cuốn sách chứa đựng nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc…

Một giải pháp không kém phần quan trọng là phải củng cố, nâng cao vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên của các NXB trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động xuất bản theo khuôn khổ pháp luật. Đội ngũ đảng viên-biên tập viên các NXB cần phải thể hiện rõ vai trò là những người “gác cổng” chặt chẽ, tỉ mỉ, thận trọng và là “bộ lọc” trung thành, thông minh, tinh tế không để lộ, lọt ra thị trường những bài viết, những trang bản thảo, những trang sách có nội dung lệch lạc về tư tưởng chính trị, sai sót về sự kiện, nhân vật lịch sử hay có những nội dung phức tạp, nhạy cảm chưa được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá chính xác.

Sách là một trong những người bạn đồng hành tin cậy để góp phần làm phong phú đời sống tâm hồn, nâng cao trí tuệ, mở rộng tầm nhìn, nâng đỡ tinh thần con người hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ. Nhưng đó phải là những cuốn sách thật sự có ý nghĩa, giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật thể hiện. Ngược lại, những cuốn sách có thể gây phương hại đến đời sống tình cảm, tinh thần và niềm tin của con người, thì mỗi bạn đọc cần tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn, tìm đọc sách, phấn đấu trở thành độc giả thông thái để có thể tiếp nhận, làm chủ được những cuốn sách hay, bổ ích.

QĐND