09/01/2025 lúc 15:25 (GMT+7)
Breaking News

Cần có cơ chế đặc thù cho xuất bản sách giáo khoa

VNHNO - Hôm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có quyết định chưa thực hiện việc thay sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 1 như dự kiến là năm học 2019-2020 mà lùi lại thực hiện vào năm 2020-2021 (thời hạn chậm nhất mà Quốc hội cho phép). Trước đó, nhiều thông tin về vấn đề thiếu SGK cục bộ, việc sử dụng còn lãng phí cũng được dư luận quan tâm.

VNHNO - Hôm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có quyết định chưa thực hiện việc thay sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 1 như dự kiến là năm học 2019-2020 mà lùi lại thực hiện vào năm 2020-2021 (thời hạn chậm nhất mà Quốc hội cho phép). Trước đó, nhiều thông tin về vấn đề thiếu SGK cục bộ, việc sử dụng còn lãng phí cũng được dư luận quan tâm.

Ảnh minh họa

Thấy gì từ thị trường sách giáo khoa

Mấy ngày qua, dư luận nói nhiều về việc bảo đảm SGK cho năm học mới. Tình trạng thiếu cục bộ SGK ở lớp 1, đặt ra hàng loạt câu hỏi cho phụ huynh, các nhà trường và xã hội. Trước hết, nguyên nhân nào gây ra tình trạng thiếu SGK? Tại sao SGK lại có nhiều sự thay đổi?... Trong cuộc thông tin đến báo chí mới đây nhất, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) lý giải: “Năm nay, do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, nên dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm nhỏ”

Theo ghi nhận của phóng viên, hồi đầu năm học mới, tình trạng thiếu SGK xảy ra ở một số đầu sách trong bộ SGK lớp 1. Những cửa hàng có hiện tượng thiếu SGK phần lớn là cửa hàng nhỏ lẻ. Một nguyên nhân được đưa ra là do trước thông tin sắp thay SGK mới, một vài công ty Sách-Thiết bị trường học địa phương đã đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho, nên ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn phát hành chung... Điều đáng ghi nhận là ngay sau khi có phản ánh của dư luận, tình trạng này đã được giải quyết. Đến thời điểm hiện tại, học sinh cả nước được trang bị đầy đủ, đồng bộ về SGK.

Trên thực tế, việc sử dụng lại SGK đã được thực hiện trong nhiều năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập NXB GDVN khẳng định: “Nội dung SGK được giữ ổn định qua nhiều năm. NXB GDVN cũng không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm các phần nội dung của SGK. Trong nhiều năm qua, mỗi năm có gần 35% lượng SGK được học sinh tái sử dụng.

Cửa hàng sách của NXB Giáo dục Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh mỗi dịp đầu năm học mới.
Theo danh mục SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, thì trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả học sinh đều sử dụng SGK mới, số lượng SGK cần in là khoảng 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018, số lượng SGK được NXB GDVN phát hành là 110 triệu bản, đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng SGK cũ, SGK mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...”

Cần những cơ chế riêng

Công bằng mà nói, SGK cũng được coi là một mặt hàng phục vụ cho giáo dục. Tuy nhiên, SGK lại là cơ sở pháp lý của hoạt động dạy học. Vì thế, đúng hơn, cần phải coi SGK là một mặt hàng đặc biệt trong giáo dục. Điều đó đòi hỏi phải có những cơ chế riêng mang tính đặc thù cho in ấn và phát hành.

Trước đây, việc in ấn, phát hành SGK chỉ do duy nhất một đơn vị được cấp phép là NXB GDVN. Hiện nay, cơ chế này được mở hơn. Một số NXB cũng được cấp phép tham gia vào quá trình xuất bản SGK, như: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội... Việc này đã thay đổi cách nghĩ, cách tư duy về in ấn, phát hành SGK, tạo tính cạnh tranh, không còn sự độc quyền trong phát hành loại mặt hàng đặc biệt này trong giáo dục.

Tuy nhiên, với những NXB mới được cấp phép bước vào thực hiện công tác xuất bản SGK cũng chưa có kinh nghiệm, sự chuyên môn hóa, vì thế, chắc chắn cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo đảm chất lượng phát hành.

Khi có cơ chế mở, việc tổ chức phát hành ở nhiều NXB khác nhau, nếu không có sự thống nhất chung, hay quá trình tổ chức khảo sát nhu cầu SGK từ cơ sở thông qua các địa phương thì việc thừa, thiếu SGK là khó tránh khỏi. Hiện nay, các NXB hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.

Điều đó sẽ quyết định đến việc các NXB chắc chắn sẽ chú ý đến lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh. SGK những môn nhiều tiết sẽ được chú ý khai thác, ngược lại, SGK những môn ít tiết sẽ ít được chú trọng. Việc phát hành ở những địa bàn thành phố, thị xã, vùng kinh tế phát triển sẽ có nhiều NXB cùng cạnh tranh; nhưng ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, nếu không có cơ chế, sự quan tâm sẽ dẫn đến việc thiếu sách.

Trong 8 năm qua, từ năm 2011 đến nay, giá thành SGK vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, các chi phí đầu vào đều tăng, như công xuất bản, chi phí nguyên liệu... Nguồn vốn để phát hành lại do các NXB tự cân đối, không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách. Như thông tin từ NXB GDVN, thì NXB này hiện phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động xuất bản.

Do đó, các NXB nếu không nâng cao tính cộng đồng, vì học sinh và vì ngành giáo dục sẽ không bảo đảm tốt chất lượng phát hành SGK. Hơn nữa, lợi nhuận cho các đơn vị đối tác phát hành SGK, theo NXB GDVN thì: Chiết khấu phát hành SGK hiện đang áp dụng đối với đối tác chiến lược là 20%, đối tác phát hành là 18%. Mức chiết khấu thấp so với mặt bằng mặt hàng sách nói chung của các NXB (35-40%). Nguồn thu từ phát hành SGK nhỏ đối với các đơn vị phát hành, do đó các đối tác phát hành không mấy mặn mà với công tác này.

Từ những thực tế đó, đã đến lúc cần tính đến việc có những cơ chế đặc thù để kích thích thị trường SGK mang đến lợi ích cho học sinh và ngành giáo dục./.

Theo Giaoducthoidai.Vn