23/12/2024 lúc 06:23 (GMT+7)
Breaking News

Cao Bằng: Khó khăn trong bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với nhiều bất cập như: khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đào tạo để giữ nghề, bảo vệ môi trường làng nghề, trình độ sản xuất..., đòi hỏi những giải pháp kịp thời và hiệu quả hơn.

Hiện nay, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện với nhiều bất cập như: khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, đào tạo để giữ nghề, bảo vệ môi trường làng nghề, trình độ sản xuất..., đòi hỏi những giải pháp kịp thời và hiệu quả hơn.

Xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) - nơi có nghề làm hương truyền thống, chủ yếu do người cao tuổi và phụ nữ đảm nhiệm.

Toàn tỉnh hiện có hơn 20 làng nghề truyền thống đang hoạt động với các nghề chính gồm: miến dong, hương, giấy dó, rèn đúc, ngói máng, đường phên, đan lát, dệt thổ cẩm…, trong đó, làng nghề đường phên Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) được UBND tỉnh công nhận Làng nghề truyền thống năm 2019; nghề rèn của người Nùng An, xã Phúc Sen là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019.

Đây đều là những làng nghề có lịch sử hình thành lâu đời, sản xuất những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước. Mặc dù nhiều sản phẩm các làng nghề đã và đang tạo dựng tiếng nói trên thị trường nhưng có không ít làng nghề rơi vào tình cảnh khó khăn, sản xuất mang tính cầm chừng, thị trường tiêu thụ và nguyên liệu đầu vào ngày càng thắt chặt.

Bà Nông Thị Bày, xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) - nơi có nghề làm hương truyền thống chia sẻ: Trên 80% hộ dân hiện đang làm hương là thế hệ trước bố mẹ, ông bà đã gắn bó, còn thế hệ trẻ đều đi làm tại các công ty ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động. Thanh niên trong độ tuổi lao động gắn bó với nghề truyền thống hiện rất ít.

Nguyên nhân chủ yếu là thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống còn bấp bênh bởi sản phẩm thường có giá thành cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng. Đây là một thực tế khiến cho hàng truyền thống chưa thể đến với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng trong và ngoài tỉnh. Hầu hết các làng nghề hiện vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Nhất là với những đơn hàng yêu cầu lớn về số lượng, chủng loại và đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian giao hàng.

Bên cạnh đó, do thiếu thông tin nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ còn chậm. Đa số sản phẩm thủ công của các làng nghề truyền thống sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo; một số làng nghề có sự đổi mới, điều chỉnh sản xuất theo mẫu đặt hàng của khách nhưng không nhiều; việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm từ các làng nghề truyền thống chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.

Làng nghề đan chiếu cót tại 2 xã Minh Khai, Trọng Con (Thạch An) là một trong những làng nghề từng phát triển, hiện nay, do tác động của kinh tế thị trường nên nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng về chủng loại và giá thành phù hợp nhưng tại địa phương chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng.

Khi vào vụ sản xuất miến dong ở xã Nguyễn Huệ (Hòa An), nước thải xả thẳng ra suối, mương xung quanh không qua xử lý gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Quyền Phong cho biết: Các nghệ nhân đan chiếu cót trong xã rất nhanh nhạy trong việc cải tiến mẫu mã sản phẩm hợp với thị hiếu của khách hàng như: đan các sản phẩm cót trang trí phòng khách; chiếu cót trải nhà sàn dài 10 - 12 m…, nhờ đó sản phẩm chiếu được nhiều khách biết đến và đặt mua. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ không nhiều do chưa tìm được thị trường đầu ra ổn định nên nghề đan lát truyền thống của xã đang đứng trước nguy cơ mai một.

Bảo vệ môi trường làng nghề cũng đang là vấn đề cần giải quyết để phát triển nghề truyền thống. Chỉ tính riêng nghề truyền thống thuộc lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm như: miến dong, thịt xông khói… chủ yếu sản xuất trên quy mô nhỏ, khép kín, tự phát nên việc đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ còn hạn chế, hậu quả là năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, đồng thời thải ra môi trường lượng lớn chất thải.

Đơn cử như một số hộ làm miến dong ở xã Nguyễn Huệ (Hòa An), khi vào vụ sản xuất, nước thải do các bể chứa nước nhỏ, chưa được đầu tư đồng bộ máy móc xử lý nên đã xả thẳng ra suối, mương xung quanh, không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Hậu quả, môi trường làng nghề, đất canh tác bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Có thể thấy, việc phát triển làng nghề truyền thống hiện nay đặt ra nhiều vấn đề: Chủ trương hiện đại hóa công nghệ trong các làng nghề sao cho vừa bảo đảm tính nguyên tắc, nhưng sản phẩm làm ra không mất đi tính truyền thống, độc đáo, độ tinh xảo, vừa đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm; cung cấp nguyên liệu, đầu ra cho sản phẩm ổn định gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; yếu tố thu nhập của người lao động làng nghề có vai trò quyết định việc giữ chân họ trong phát triển làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực kế cận… trở thành đòi hỏi cấp bách đối với các làng nghề truyền thống.

Du khách mua dao tại làng rèn xóm Phja Chang, xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

Để các nghề và làng nghề truyền thống thoát khỏi tình trạng khó khăn, thời gian tới, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ trong việc quy hoạch, phát triển, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Đối với các làng nghề truyền thống, cần tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao; phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, tập trung vào các sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời, vùng cây - con đặc sản thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nhằm tạo vị thế cho sản phẩm. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm...