Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết ĐBSCL có quy mô kinh tế ngày càng mở rộng là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Những con số nêu trên đã khẳng định mạnh mẽ vai trò và sự đóng góp rất lớn về mặt kinh tế của vùng ĐBSCL cho kinh tế cả nước. Do đó, ĐBSCL nói chung và Thành phố Cần Thơ nói riêng cần tiếp tục khai thác, phát huy tốt hơn những tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Tuy thế mạnh của vùng là như thế nhưng nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi phát triển phân tán, quy mô nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp. Nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực, nguồn lao động chưa tương xứng với vị thế vai trò vùng. Hạ tầng giao thông nội và liên vùng vẫn thiếu và yếu (đường thủy, đường bộ); giao thông kết nối yếu kém dẫn đến tăng chi phí vận chuyển trong các chuỗi giá trị sản xuất, làm giảm sức cạnh tranh; khoa học kỹ thuật và công nghệ cũng còn rất hạn chế; biến đổi khí hậu vẫn còn tác động đến toàn vùng.
Qua diễn đàn, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm từ các dự án triển khai thành công, hiến kế giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức triển khai từ các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban ngành, viện, trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư để làm kinh nghiệm cho TP.Cần Thơ trong việc triển khai có hiệu quả các chương trình trọng điểm, đặc biệt là trong quá trình hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Thành phố Cần Thơ.
Trong đó, dành nhiều thời gian để đánh giá về thực trạng và vai trò liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL; cũng như tìm giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, phát huy vai trò của trung tâm liên kết khi đi vào thực tiễn tại Thành phố Cần Thơ.
Kết luận tại diễn đàn, ông Trần Việt Trường cho rằng khi Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đi vào thực tiễn sẽ có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế của ĐBSCL nói chung, TP.Cần Thơ nói riêng. Trong số các giải pháp, có nhiều việc có thể triển khai ngay và có nhiều khả năng thu hút đầu tư.
Trên cơ sở đó, ông Trần Việt Trường đề nghị Viện Kinh tế - Xã hội Thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn và khẩn trương xây dựng báo cáo khuyến nghị đồng bộ tham mưu UBND thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, Cần Thơ luôn xem việc hoàn thiện trung tâm là quan trọng, có nhiều ý nghĩa và rất cấp thiết./.