27/11/2024 lúc 14:44 (GMT+7)
Breaking News

Cận Tết, đường phố Hà Nội, TP.HCM 'chật như nêm'

VNHN - Về lâu dài, để giảm ùn tắc, TP Hà Nội sẽ tiến hành thu phí phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

VNHN - Về lâu dài, để giảm ùn tắc, TP Hà Nội sẽ tiến hành thu phí phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Càng gần đến Tết Nguyên đán 2019, tình trạng ùn tắc tại Hà Nội và TP.HCM càng diễn ra nghiêm trọng, người tham gia giao thông thường xuyên phải “chôn chân” chờ đợi cả tiếng đồng hồ trên đường...

Đường tắc như nêm

Trực tiếp lưu thông trên một số tuyến đường của Hà Nội giờ cao điểm những ngày gần đây, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình hình ùn tắc tại một số tuyến đường cửa ngõ Thủ đô diễn biến rất phức tạp. Đầu giờ cao điểm sáng tại đường Trường Chinh, hàng nghìn phương tiện tràn mặt đường, thi nhau chen chúc, nhích từng mét một.

Ảnh minh họa

Do đang trong quá trình thi công dự án đường vành đai 2, mặt đường của đoạn này rất hẹp, ổ gà, ổ voi xuất hiện dày đặc, chỉ cần một chiếc xe buýt lưu thông là dòng phương tiện phía sau lập tức bị chặn đứng. Hai bên đường nhan nhản những đống đất đá, vật liệu thải cản trở việc di chuyển của xe cộ, khiến ùn tắc càng thêm nghiêm trọng.

Cách đó không xa, giao thông trên đường Nguyễn Trãi cũng luôn trong tình trạng tê liệt vào mỗi sáng, nhất là đoạn từ ngã ba Nguyễn Trãi - Khương Đình đến cầu vượt Ngã Tư Sở. Thường phải mất 15-30 phút để di chuyển qua đoạn đường chưa tới 1km, từ ngã ba này đến đầu đường Thái Thịnh.

Theo một số người dân, diện tích lưu thông mỗi làn trên đường Nguyễn Trãi không quá nhỏ nhưng tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra là bởi sự xáo trộn giao thông ở các khu vực điểm mở.

Trong đó, tại điểm mở đối diện số 127 Nguyễn Trãi, nhiều phương tiện từ đường Khương Đình đi ra liên tục nối đuôi nhau cắt ngang đường qua điểm mở để chuyển hướng lưu thông về phía Hà Đông. Còn tại điểm mở đối diện Trung tâm điện máy Pico (346 Nguyễn Trãi), hàng loạt xe taxi từ khu vực Royal sau khi đón, trả khách cũng quay đầu chuyển hướng, cản trở sự di chuyển của các phương tiện đi thẳng về hướng Ngã Tư Sở.

Gần đó, tại đường Nguyễn Xiển (khu vực nút giao Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi), dù mặt đường rất rộng nhưng ùn ứ liên tục xảy ra. Vào các giờ cao điểm sáng và chiều, phương tiện phải nhích từng chút một.

Tương tự, tình trạng ùn tắc cũng diễn ra nghiêm trọng ở TP HCM. Ghi nhận của PV tại một số tuyến đường trung tâm như: Đường Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1; đường Lê Thánh Tôn - Paster, Nguyễn Thái Học, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Cống Quỳnh… ùn tắc diễn ra liên miên, bất kể thời gian nào trong ngày. Đây là những tuyến đường có nhiều khu vực mua sắm, trung tâm thương mại, siêu thị, trường học nên ùn tắc trầm trọng hơn.

Đặc biệt, vào dịp cuối năm nhiều cửa hàng còn trưng bày đồ Tết, bán hàng thanh lý, giảm giá càng thu hút nhiều người dân đến mua nên lượng phương tiện ùn ứ gia tăng. Các điểm bán hoa Tết, cây cảnh ở gần Công viên 23 tháng 9, Tao Đàn, gần các tuyến đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Trương Định, quận 1 cũng tấp nập người qua lại gây ùn ứ.

Ngoài ra, những tuyến đường ở khu vực ngoại thành, gần các bến xe như: Bến xe Miền Đông, Miền Tây, ga đường sắt Sài Gòn lượng xe lưu thông nhiều hơn ngày thường, do người dân bắt đầu đón xe về quê nghỉ Tết nên nơi đây diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm.

Tăng cường lực lượng ứng trực, phân luồng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, nhiều tuyến đường, phố tình trạng ùn tắc đang diễn biến phức tạp dịp cuối năm. “Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu Thanh tra GTVT phối hợp ứng trực phân luồng đảm bảo ùn tắc giao thông tại 70 nút giao trọng điểm”, ông Viện nói.

Ông Viện cho biết, trong năm 2019, Hà Nội sẽ nỗ lực kéo giảm 10 điểm ùn tắc. “Để thực hiện mục tiêu này, ngay từ thời điểm này, chúng tôi sẽ rà soát và có giải pháp cụ thể khắc phục các điểm ùn tắc giao thông còn tồn lại của năm 2018; điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, khoa học phù hợp với thực tế và nhu cầu của lưu lượng giao thông tại từng thời điểm; chủ động phát hiện sớm và xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới phát sinh”, ông Viện nói.

Cũng theo ông Viện, Sở GTVT yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức giao thông hợp lý các dự án trên những tuyến đường đang khai thác. Cùng đó, tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông để kéo giảm ùn tắc giao thông

“Về lâu dài, để giảm ùn tắc TP Hà Nội sẽ tiến hành thu phí phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, ông Viện nói.

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, đơn vị đã có kế hoạch phương án tổ chức giao thông nhằm đảm bảo an toàn, giảm tình trạng ùn tắc trong dịp Tết. Cụ thể, Sở GTVT tổ chức điều tiết giao thông, bố trí lực lượng xử lý các tình huống để ngăn chặn ùn tắc giao thông trên hành trình chạy xe đến và đi tại các bến xe khách trên địa bàn. Đồng thời, giao Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính tại các bến xe, các tuyến đường có nhiều xe khách dừng đỗ không đúng quy định gây mất trật tự ATGT khu vực.

Ngoài ra, Sở GTVT sẽ chủ động phối hợp với các quận, huyện và các đơn vị liên quan như CSGT, công an các quận, huyện đảm bảo trật tự ATGT ở khu vực bến xe và xung quanh bến, đặc biệt khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Sở GTVT cũng đã thông báo lộ trình chạy xe dành cho các xe vận tải hành khách trong dịp Tết để tránh tình trạng tắc đường, ùn tắc giao thông cục bộ tại một điểm.

“Năm 2018, Hà Nội kéo giảm được 12 điểm ùn tắc gồm: Nút giao La Thành - Nguyễn Chí Thanh; khu vực cầu Tó; nút Trần Phú - Mỗ Lao - Nguyễn Khuyến (Hà Đông); nút giao Đại Cồ Việt - Hoa Lư - Tạ Quang Bửu; nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám; nút giao An Dương - Thanh Niên, Nghi Tàm - Yên Phụ; Trần Phú - Mỗ Lao - Nguyễn Khuyến; ngã tư Cầu Giấy (Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội); khu vực Cổng viện K (Tân Triều);

Minh Khai - Times City; Nguyễn Khoái - Minh Khai; Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết; ga số 4 Cầu Diễn; Phạm Văn Đồng (cổng Bộ Công an). Tuy nhiên, cũng trong năm 2018, Hà Nội lại phát sinh 8 điểm ùn tắc mới gồm: Khu vực đường gom từ đường Cổ Linh lên cầu Thanh Trì; ngõ 80, 82, 84 Chùa Láng; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu; cầu Định Công; Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt; khu vực điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu; Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu; Đào Tấn - Nguyễn Văn Ngọc.

Theo Giaothong.vn