23/10/2024 lúc 12:29 (GMT+7)
Breaking News

Cần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp

Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật ngày hoàn thiện và đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho đầu tư kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp…
doanh nghiệp
Ảnh minh họa - Internet

Các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước được hoàn thiện, hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông suốt, bước đầu có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế; vai trò của Nhà nước từng bước được điều chỉnh đi đôi với phát huy tốt vai trò của thị trường, quy mô đầu tư của Nhà nước được thu hẹp và tập trung hơn, đã huy động được các nguồn lực cho phát triển, bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng thể chế cần tháo gỡ nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Một số hạn chế, bất cập của công tác xây dựng thể chế

Thứ nhất: Thực tiễn quan sát thấy rằng trong quá trình đầu tư kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn thường xuyên phản ánh nhiều về hiện tượng  mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất trong một số luật về đầu tư kinh doanh. Chính sự thiếu thống nhất giữa các luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, khoáng sản…, đã khiến doanh nghiệp phải loay hoay đi tìm lời giải đáp tại nhiều cơ quan chức năng, trong đó, nhiều vấn đề thời gian trả lời là “vô thời hạn”. Điều này đã làm phát sinh chi phí về thời gian, mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, đôi khi còn phát sinh tiêu cực, dẫn đến doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý.

Thứ hai: Một số thị trường vẫn chậm phát triển, kể cả về thể chế và thực tiễn vận hành. Ví dụ như  thị trường khoa học công nghệ, cho đến nay chúng ta vẫn rất ít các tổ chức trung gian trong việc tư vấn, định giá, kết nối cung cầu về khoa học công nghệ, chưa có cơ chế để thí điểm các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Hay như thị trường đất đai, việc tiếp cận mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay vẫn rất khó khăn. Thị trường trường lao động, tuy đã khá hoàn chỉnh về thể chế, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn thấp, cơ cấu lao động thiếu hợp lý.

Thứ ba: Quá trình xây dựng chính sách, việc phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập, đội ngũ luật sư, luật gia chưa thực sự được quan tâm đúng mức, chưa coi trọng trách nhiệm giải trình, việc thực thi theo Luật Tiếp cận thông tin chưa nghiêm túc, để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát ban hành chính sách, quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Một số kiến nghị

Chúng ta nhận thấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ (2021-2026), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời trong việc yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sửa đổi ngay hoặc trình Quốc hội sửa đổi những luật liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần tổng kết, rút kinh nghiệm khi thực hiện cơ chế một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định. Cơ chế này, mặc dù đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trong thời gian vừa qua chưa được phát huy tác dụng, qua tổng kết, có rất ít nghị định sửa nhiều nghị định được ban hành.

Trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài, hoạt động của doanh nghiệp thường trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhiều địa bàn khác nhau, trong quá trình hoạt động, khi nhận diện ra nhiều vấn đề vướng mắc thì thường liên quan đến nhiều luật, nếu chúng ta sửa luật này, xong tiếp tục sang luật khác, sẽ dẫn đến những độ trễ nhất định. Vì vậy, cần tổng kết việc thực hiện cơ chế này và cần phải được đẩy mạnh để tạo tính kịp thời hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cần phải nâng cao năng lực dự báo và khả năng phản ứng chính sách nhằm hạn chế những tác động xấu đến nền kinh tế. Về phát triển đồng bộ các loại thị trường, như đã trình bày ở phần trên, hiện nay một số loại thị trường của chúng ta vẫn chậm phát triển[1].

Thể chế kinh tế thị trường là một chỉnh thể gồm nhiều loại thị trường vận động đồng bộ trong chỉnh thể đó. Khi một loại thị trường không phát triển đầy đủ sẽ kìm giữ sự vận động của các thị trường khác và làm cản trở sự vận động chung. Trong bối cảnh đó, rất dễ dẫn đến sự can thiệp hành chính vào các quá trình kinh tế. Sự can thiệp này có thể giải quyết những khó khăn trước mắt nhưng chi phí sẽ lớn hơn cơ hội tạo ra và làm sai lệch quá trình phát triển. Rốt cuộc, những vấn đề cơ bản vẫn không được giải quyết.

Do vậy, công tác xây dựng thể chế trong thời gian tới đây, chúng ta đặc biệt cần chú trọng khơi dậy sự phát triển của các loại thị trường, nhất là các thị trường chúng ta chưa đồng bộ. Chẳng hạn, muốn thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, thì ngoài vấn đề hạ tầng số, dữ liệu số thì thương mại điện tử phải được coi là trụ cột, do đó vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử phải được coi là vấn đề cấp bách, nhiều hình thức kinh doanh mới sẽ được hình thành trên nên tảng thương mại điện tử cần được điều chỉnh.

Từ quan điểm chính trị chủ đạo là phát huy dân chủ, cần bảo đảm thực hiện quyền của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin và phản biện xã hội, Vì vậy, trong quá trình xây dựng thể chế, các đề án phát triển, cần tiếp tục công khai thông tin và quyền tiếp cận thông tin, đồng thời tăng cường đối thoại, giải trình chính sách, các đề án phát triển giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện doanh nghiệp, chuyên gia độc lập, đội ngũ luật sư, luật gia trước khi các quyết định được ban hành. Đây cũng được coi là biện pháp cơ bản để ngăn ngừa tham nhũng và sự tác động của các “nhóm lợi ích” vào quá trình ra quyết định, bảo đảm cho các quyết định theo chuẩn “giá trị chung”, vì lợi ích của đất nước.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi thì vấn đề cải cách hành chính phải đi liền với cải cách tư pháp. Thủ tục giải quyết án hành chính, án kinh tế, phá sản doanh nghiệp cần phải được cải cách để tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp; đội ngũ các cơ quan bổ trợ tư pháp như Luật sư, công chứng, giám định, định giá, thừa phát lại cần được tăng cường hoàn thiện cả về thể chế hoạt động và năng lực chuyên môn. Có như vậy chúng ta mới có một hệ sinh thái lành mạnh để doanh nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường, có sự định hướng của Nhà nước.

Ths. NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

Học viện Hành chính Quốc gia

-------------------------------------------- 

(1) Thị trường khoa học công nghệ, thị trường đất đai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thị trường thương mại điện tử

...