29/03/2024 lúc 13:10 (GMT+7)
Breaking News

Cần sớm xây dựng hệ thống luật pháp cho chuyển đổi số

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng suất và cạnh tranh của doanh nghiệp.

Vừa qua (ngày 27/5) tại Hà Nội, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN); Hội Tự động hóa Việt Nam; Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đã tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số và Tự động hóa trong phát triển kinh tế”.

Hội thảo Chuyển đổi số và Tự động hóa trong phát triển kinh tế số nằm trong khuôn khổ Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam – I4.0 Awards 2023.

tm-img-alt

Chủ tịch LHHVN TSKH Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Chủ tịch LHHVN - TSKH Phan Xuân Dũng cho biết: Hiện nay, khái niệm chuyển đổi số đã trở nên phổ biến, lan tỏa trong toàn xã hội. Theo đó, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là những tổ chức tiên phong và xem chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, tất yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và thực hiện thành công chiến lược xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trong thời kỳ CMCN lần thứ 4.

TSKH. Phan Xuân Dũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, chính quyền địa phương cùng tham gia trao đổi có những đề xuất các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, các giải pháp chuyển đổi số toàn diện, và đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; liên kết, kết nối cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiêp; hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế số.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bùi Thế Duy nói: Trước hết phải khẳng định, CĐS là quá trình lâu dài và không có điểm kết thúc. Hiện nay CĐS không chỉ là động lực mà là bắt buộc để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.  Những thách thức mà hai nhóm cơ quan quản lý và doanh nghiệp sản xuất gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là: đối với cơ quan quản lý thì nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số rất khó khăn; vấn đề bảo mật an toàn thông tin đây là thách thức chung của doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước. Trước đây chúng ta sử dụng nhiều văn bản giấy tờ và lúc nào cũng có bảo vệ để “canh cổng” nhưng nay chỉ 5 phút cũng có thể mất toàn bộ dữ liệu đã được số hóa trên môi trường internet. Riêng đối với doanh nghiệp CĐS còn phức tạp hơn, từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý doanh nghiệp; thay đổi quy trình sản xuất, mà muốn thay đổi phải nâng cấp đổi mới máy móc, phải tự động hoá để kết nối máy móc; cuối cùng là thay đổi tư duy của người quản lý nhất là quyết tâm của người đứng đầu mới quyết định cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đó chuyển đổi số thành công. “Người số một mới là quan trọng, người số hai không có tác dụng. Phó giám đốc có là chuyên gia chuyên gia công nghệ, có say sưa đến đâu nếu Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT không thấy cần thiết, không thay đổi tư duy thì người số hai không làm được gì”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

tm-img-alt

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng  Bùi Thế Duy cho rằng, CĐS cũng không đơn giản chỉ là máy móc, giải pháp công nghệ, nếu vẫn là sản phẩm đầu ra cũ thì không đạt được mục tiêu. Chúng ta bắt buộc phải tạo ra tư duy thay đổi sản phẩm mới, sản phẩm gốc nguyên bản rất khó cạnh tranh. Thứ trưởng lấy ví dụ của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông và Phillip. Hai doanh nghiệp này đã bán dịch vụ ánh sáng thay vì vẫn là các bóng đèn truyền thống. Doanh nghiệp phải nhìn thấy khó khăn của chính mình, phải cạnh tranh sống còn trên thị trường để có tư duy đột phá, quyết tâm CĐS.

Tại hội thảo, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - Hoàng Công Đoàn cũng đã chỉ ra những thách thức doanh nghiệp trẻ đang đối mặt.

Thứ nhất  là vấn đề tài chính. Đa số các doanh nghiệp trẻ có nguồn vốn hạn chế và không dễ dàng tiếp cận các nguồn tài trợ để triển khai chuyển đổi số. Đồng thời, họ cũng phải đối mặt với chi phí đào tạo nhân viên, mua sắm các thiết bị và phần mềm mới, và đảm bảo an ninh thông tin.

Thứ hai, là vấn đề nhân lực và kiến thức. Chuyển đổi số đòi hỏi doanh nghiệp có nhân lực có khả năng sử dụng và tận dụng các công nghệ số. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ lượng nhân lực chất lượng cao và có kiến thức về chuyển đổi số. Điều này cần sự đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nhân trẻ có thể tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ, mà còn là về tư duy và cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thay đổi văn hóa tồn tại từ lâu, kháng cự việc áp dụng công nghệ mới và tận dụng các cơ hội số hóa. Cuối cùng, thách thức quan trọng nằm ở việc đảm bảo an ninh và bảo vệ dữ liệu. Khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ mất dữ liệu quan trọng, tấn công mạng và việc vi phạm quyền riêng tư.

Đồng quan điểm với Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - Hoàng Công Đoàn, ông Đỗ Mạnh Cường – Phó tổng Thư ký Hội Tự động hoá Việt Nam cũng chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt. Đó là ngoài năng lực đầu tư thì tính phức tạp trong quá trình vận hành nhà máy thông minh trong khi nguồn nhân lực trình độ cao đang hạn chế là thách thức lớn. Khi vận hành nhà máy thông minh đòi hỏi tính ổn đinh, an toàn, tránh được các nguy cơ bị tấn công mạng,…

tm-img-alt

Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam – TS. Nguyễn Quân phát biểu bế mạc hội thảo.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam – TS. Nguyễn Quân cho rằng, chưa bao giờ nền kinh tế của chúng ta đứng trước thách thức và khó khăn như hiện nay. Để vượt qua thách thức đó đầu tiên phải đổi mới và cải cách thể chế để tránh làm thì bị sai, sợ sai, hoặc tốn kém nguồn lực. Đối với Chương trình CĐS quốc gia Nhà nước cần khẩn trương xây dựng hệ thống luật pháp cho chuyển đổi số trong đó có cơ sở dữ liệu. Bởi thể chế là bước đi đầu tiên, không thể mỗi địa phương làm một cách rồi lúc có thể chế lại làm lại từ đầu. Hiện nay mỗi địa phương làm một cấu trúc định dạng khác nhau thì khi tích hợp lên cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ không đồng bộ, toàn bộ công sức địa phương đó là bỏ đi. Sau xây dựng cơ sở dữ liệu là phải có hạ tầng, tạo ra ứng dụng nền tảng công nghệ số, để chuyển đổi số thực sự hiệu quả đi vào đời sống giúp phát triển kinh tế, xã hội đất nước - Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam – TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.

PV Theo vusta.vn